Tôn vinh giá trị văn hóa và nghệ thuật sơn mài qua bộ sưu tập quà Tết 2024
Nhóm sáng tạo trẻ bên các mẫu thiết kế MnS.
Trong hành trình chuyển động không ngừng của cuộc sống, để lưu giữ được thời gian, chưng cất được những giá trị và mở ra tương lai cho truyền thống, có nhiều cách khác nhau. Với những nhà sáng tạo trẻ của dự án Moon n Sun (MnS) hành trình mà họ đang đi là hành trình được gửi trao qua nhiều thế hệ để chạm đến ước mơ và không ngừng cống hiến.
Nếu như mùa Trung Thu 2023, khi lần đầu tiên dự án “Chạm tới ước mơ” được công bố với việc đưa bức tranh sơn mài “Bóng trăng thu” của họa sĩ Hoàng Hữu Vân lên bộ sản phẩm quà tặng cao cấp dành riêng cho mùa trăng này - là cuộc chào sân mạnh mẽ của những nhà sáng tạo trẻ trong việc đưa văn hóa truyền thống vào các sản phẩm đương đại, thì đến mùa Tết này, câu chuyện của các giá trị nghệ thuật tiếp tục được kể như một lời khẳng định: Muốn lan tỏa truyền thống - hãy chuyển động cùng truyền thống.
Các thiết kế quà tặng đầy tính nghệ thuật trong bộ sưu tập Quà tặng Tết Nguyên đán 2024 này được lấy cảm hứng từ bức tranh “Ngư tảo” của hoạ sĩ Nguyễn Huyến. Là một trong những họa sĩ theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (trong khoảng năm 1932-1936), nhắc đến Nguyễn Huyến là nhắc đến tài hoa của ông khi tham gia vẽ tờ tiền 100 đồng "con trâu xanh".
Thời điểm phát hành, 100 đồng "tiền Cụ Hồ" bằng 100 đồng bạc Đông Dương, có giá trị 2.700g bạc. Ông cũng nổi tiếng với bút pháp tài hoa. Hội họa Nguyễn Huyến mang tính chất hàn lâm châu Âu kết hợp với chất liệu Việt Nam truyền thống mang lại một trải nghiệm rất khác lạ đối với người xem. Trong các tác phẩm sơn mài của ông, sự kết hợp truyền thống và hiện đại được thể hiện rõ ở kỹ thuật và chủ đề sáng tác.
Họa sĩ Nguyễn Huyến. (Ảnh tư liệu)
Nguyễn Huyến có kỹ thuật toát tranh điêu luyện. Đây là kỹ thuật ít người làm được tốt như ông, thể hiện rõ nhất trong loạt tranh cá vàng. Tranh cá Nguyễn Huyến đưa người xem đến một thủy cung với những lớp nước bồng bềnh chân thực. Họa phẩm "Ngư tảo" của họa sĩ Nguyễn Huyến là một trong những nguồn cảm hứng cho bộ sưu tập Tết 2024 của Moon n Sun về sự sáng tạo, cùng những chuyển động mạnh mẽ cho một năm mới năng động, thịnh vượng.
"Ngư Tảo" được Nguyễn Huyến sáng tác vào năm 1975, khi họa sĩ 60 tuổi. Điều đặc biệt thường thấy trong các tác phẩm của ông chính là những xung lực mạnh mẽ với kỹ thuật đầy điêu luyện, hình ảnh được họa lại với những nét vẽ sắc sảo, độ tương phản vô cùng mạnh mẽ, khiến các bức tranh của Nguyễn Huyến rất sống động và rực rỡ.
Bức tranh "Ngư tảo" của họa sĩ Nguyễn Huyến.
Thoạt nhìn, tạo hình của bốn con cá vàng cùng vài nhánh rong rêu làm trang trí như những bức tranh "Cá vàng" khác, thế nhưng Nguyễn Huyến đã sử dụng "xung lực" của đường nhịp trong tạo hình, để người xem nắm bắt một nhịp lượn nhanh, mạnh chứ không nhẹ nhàng, yểu điệu. Ngoài ra, việc sử dụng các đốm xà cừ dưới nền tác phẩm đã cho thấy sự khác biệt về mặt tạo chất của Nguyễn Huyến. Ông lót vàng xuống dưới tạo hình thân cá, phủ sơn lên rồi mài theo chủ ý tạo khối chứ không dùng nét bút đi màu để tạo nên đậm nhạt và sáng tối.
Chọn “Ngư tảo” tạo nên các thiết kế chủ đạo dành cho dịp Tết truyền thống của người Việt, các thiết kế thể hiện sự mong muốn và hy vọng về một Năm mới tràn đầy năng lượng, mạnh mẽ, cùng sự an khang, thịnh vượng, may mắn, tài lộc - giống như ý nghĩa biểu tượng của cá vàng. Kết hợp cùng những nét vẽ với sự “xung lực” của đường nhịp trong tác phẩm, Moon n Sun truyền tải thông điệp về sự kế thừa và phát triển văn hóa Việt thể hiện qua nhịp sống năng động, sự chuyển động không ngừng của các thế hệ người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam, khi họ đang góp phần cống hiến, phát triển và nâng tầm văn hóa của đất nước.
Một thiết kế thuộc dự án.
Một thiết kế được tạo nên, một câu chuyện truyền thống tiếp tục được kể. Đó là câu chuyện của một tác phẩm nghệ thuật, câu chuyện về một người họa sĩ tài hoa và câu chuyện của những làng nghề Việt. Hơn hết, đối với các làng nghề, đi từ những “đề bài” rất cụ thể, những nhà sáng tạo đã và đang cùng với chính những nghệ nhân, những người tâm huyết với nghề truyền thống giải một bài toán lớn hơn cho sinh kế của chính các làng nghề truyền thống trong xã hội đương đại.
Ở đó, họ khai thác và lưu giữ nét đẹp truyền thống, các kỹ thuật thủ công thượng thặng của làng nghề Việt, kết nối với doanh nghiệp nhằm đưa các tác phẩm thủ công thành sản phẩm thương mại gần gũi với nhu cầu của cuộc sống hiện đại với chất lượng cao và ổn định dưới sự giám sát chặt chẽ và công nghệ chế tạo tiên tiến.
Mai Lữ