Non nước Việt Nam

Độc đáo phong tục đội nón trong ngày cưới của cô dâu Tày

Cập nhật: 17/03/2021 15:26:05
Số lần đọc: 4407
Ở Cao Bằng, nếu có cơ hội bắt gặp các đoàn rước dâu trên đường bạn sẽ thấy các cô dâu dù mặc áo chàm truyền thống hay váy cưới hiện đại cũng đều đội trên đầu chiếc nón lá. Điều này có ý nghĩa rất đặc biệt, chứa đựng nhiều giá trị tinh thần to lớn. Các cô dâu đội nón lá khi về nhà chồng mang theo nhiều ước nguyện của hai bên gia đình.

Khác với nhiều địa phương là cô dâu sẽ được mẹ chồng trao nón khi bước đến cổng nhà trai, còn các cô dâu người Tày ở Cao Bằng sẽ đội nón ngay khi bước ra khỏi nhà của mình để đi theo đoàn rước dâu về nhà chồng. Người đội nón cho cô dâu là anh, em trai ruột hoặc họ hàng thân thiết trong nhà với mong muốn người chị, người em của mình khi về nhà chồng sẽ có cuộc sống mới vui vẻ, hạnh phúc, chăm chỉ làm ăn, cùng với gia đình nhà chồng xây dựng cuộc sống đầm ấm.

Đó cũng là tâm tư, ước muốn của cả dòng họ nhà cô gái gửi gắm qua việc trao nón cho con em mình. Có lẽ vì những ý nghĩa to lớn mà giây phút trao nón cho cô dâu trong đám cưới thường là khoảnh khắc xúc động và sâu lắng nhất.

Người Tày quan niệm, cô dâu khi đã được gả đi thì khi quay về mang danh nghĩa như "khách". Còn với trường hợp ở rể hoặc ở cả hai bên gia đình, khi cô dâu ra cửa sẽ không phải đội nón. Điều này ngầm ám chỉ rằng cả cô dâu, chú rể đều là người của bên nhà trai và nhà gái. Lấy chồng xong, cô dâu và chú rể được phép làm ăn ở hai bên và phải có trách nhiệm chăm sóc gia đình hai bên. Con cái sẽ mang hai họ và được chia tài sản của cả hai bên gia đình.

Ở dưới vùng đồng bằng Bắc Bộ, khi con gái đi lấy chồng được bố mẹ đưa đi, còn người Tày ở Cao Bằng chỉ có ông đưa, bà đón (quan lang) và phù dâu, phù rể đưa đi. Thường thì những ông đưa, bà đón là người biết đối đáp, hát lượn. Để đón được cô dâu về, trước khi cô dâu ra cửa người ta sẽ đặt một chiếc mâm trước cửa ra vào, trên mâm có 3 bát rượu, ông đưa, bà đón sẽ ngồi hai bên đối đáp chúc rượu nhau, ai đối không được thì phải uống rượu, màn đối đáp diễn ra trong không khí vui vẻ, hồi hộp, chỉ khi nào nhà trai đối đáp được và hay thì bên nhà gái mới cho đón dâu.

Khi cô dâu bước ra cửa thì người cha hoặc chú, bác ruột sẽ đi giày mới cho cô dâu. Ở đây, người Tày quan niệm rằng, khi bố đi giày cho con gái chính là lúc người con phải tự đi vững trên đôi chân của mình, đây là giây phút thiêng liêng của mỗi cô dâu khi bước ra cửa. Khoảnh khắc người cha đi giày cho con gái như gửi gắm niềm mong mỏi của của mình đến với tương lai, mong con gái từ nay sẽ trưởng thành, cùng chồng chăm lo cho gia đình riêng và sống vui vẻ, hạnh phúc.

Đám cưới là khoảnh khắc thiêng liêng nhất của đời người, những phong tục, tập quán tốt đẹp góp phần làm cho đám cưới trở nên trọn vẹn và ý nghĩa hơn. Đến nay, phong tục đội nón cho cô dây Tày vẫn giữ nguyên nét đẹp, mang đậm bản sắc dân tộc./.

Mai Chi

Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT