Đồng bào Cơ Tu (Quảng Nam) bảo tồn văn hóa
Đội văn nghệ làng Đhờ Rôồng, xã Tà Lu, Đông Giang biểu diễn điệu múa tâng tung da dá. Ảnh: T.BÌNH
Với người Cơ Tu, nghề dệt thổ cẩm không thể thiếu được trong đời sống cộng đồng và mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc. Mỗi cô gái Cơ Tu đến tuổi lấy chồng đều phải biết dệt vải. Công việc này cũng là tiêu chuẩn để đánh giá tài năng và đức hạnh của người phụ nữ Cơ Tu. Chính vì thế tổ dệt thổ cẩm ở làng Đhờ Rôồng, xã Tà Lu, đã mày mò, nghiên cứu, sưu tầm các mẫu dệt xưa, tìm hiểu và sử dụng thành thạo phương pháp nhuộm tự nhiên, thiết kế mẫu mã, đường nét hoa văn... trên nhiều sản phẩm như túi xách, ví cầm tay, tấm khố, rèm treo tường... Những sản phẩm này được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng và chọn mua để làm quà cho bạn bè, người thân.
Chị Bríu Thị Tép, ở thôn Đhờ Rôồng, chia sẻ: “Khách nước ngoài và khách Việt nói chung rất thích sản phẩm của mình. Họ rất ưa thích vì sản phẩm của mình đều làm bằng tay và khách nói rất đẹp”.
Từ bao đời nay, điệu múa tâng tung da dá đã tồn tại và thấm sâu vào tiềm thức của đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi phía tây Quảng Nam. Do đó, trong quá trình lao động, sản xuất, sinh hoạt truyền thống, người Cơ Tu luôn tự hào về “vũ điệu dâng trời” này. Tâng tung theo nghĩa của tiếng Cơ Tu là vươn cao, mạnh mẽ và vững chãi hơn nữa… Đó là khát vọng chinh phục vũ trụ, muốn đưa con người lên tầm cao mới, cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Bởi vậy trong vũ điệu này nhịp chiêng luôn rộn rã kết hợp với sự nhịp nhàng, mềm mại của người thiếu nữ.
Trong điệu múa tâng tung đàn ông mặc khố, áo cẩm đi chân trần, tay nắm chặt khiên, cây giáo, cây nỏ tung đôi tay lên cùng múa hú một cách hùng dũng, mạnh mẽ thể hiện rõ sức mạnh của trai làng, không sợ đương đầu với khắc nghiệt của thiên nhiên hay kẻ thù đến phá hoại buôn làng, động viên bà con yêu cuộc sống yêu bản làng, núi rừng.
Chị Zơrâm Thị Aưng, ở thôn Đhờ Rôồng, cho biết: “Điệu múa tâng tung da dá của dân tộc Cơ Tu nói lên vẻ đẹp truyền thống. Con gái thì da dá gánh cả núi, cả trời, con trai tâng tung điệu múa mạnh mẽ của núi rừng. Du khách đến đây cùng giao lưu với bản làng, điệu múa tâng tung da dá vang vọng cả núi rừng”.
Dịp tết hay lễ hội cũng là lúc bà con, thanh niên trai gái làng Đhờ Rôồng biểu diễn điệu múa này. Đây là điệu múa tập thể dành cho cả nam và nữ, vũ điệu này gắn bó với cộng đồng, xuất hiện trong các lễ hội lớn của người Cơ Tu như lễ hội mừng lúa mới, lễ hội dựng làng, dựng gươl và trong ngày tết.
Trao đổi với chúng tôi, già làng Pơloong Pất, ở thôn Đhờ Rôồng cho biết thêm, năm nào thôn cũng tổ chức đón tết và múa tâng tung da dá để tạo không khí vui tươi trong năm mới. Năm nay thôn Đhờ Rôồng tổ chức còn lớn hơn để mừng vừa sáp nhập thôn và hoàn thành tuyến đường giao thông nông thôn khang trang.
Bà ATing Tươi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho hay, trong những năm qua chính quyền và nhân dân huyện chú trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. Địa phương không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đồng bào Cơ Tu thông qua các hoạt động quảng bá văn hóa, phục dựng lễ hội, liên hoan văn hóa - thể thao, tổ chức giao lưu với đồng bào Cơ Tu trên toàn tỉnh Quảng Nam. Chính vì thế các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu nơi đây đã thật sự hồi sinh mãnh mẽ.
“Thời gian qua huyện tích cực đẩy mạnh công tác bảo tồn văn hóa, đặc biệt là tổ chức thành công chương trình tái hiện đời sống văn hóa của đồng bào Cơ Tu huyện Đông Giang. Năm 2019, UBND huyện cũng đã chỉ đạo cho 11 xã, thị trấn trên địa bàn bảo tồn đối với điệu múa truyền thống tâng tung da dá, dệt thổ cẩm; xây dựng gươl để bà con nhân dân có điểm sinh hoạt cộng đồng ở các thôn. Đây là những bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào Cơ Tu cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy” - bà ATing Tươi nói.