Homestay - mô hình phát triển du lịch bền vững ở Hoàng Su Phì
Mô hình homestay phát triển mạnh trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì.
Trong những năm qua, huyện Hoàng Su Phì đã, đang phối hợp với Dự án HELVETAS xây dựng quy hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2017 - 2021 và định hướng 2030. Bên cạnh gìn giữ văn hóa bản địa, huyện dự kiến xây dựng các tour đưa du khách qua những tuyến đường lên đỉnh Chiêu Lầu Thi, Túng Sán hay những cánh đồng ruộng bậc thang trải dài khắp các dãy núi; trải nghiệm đời sống lao động, sản xuất cũng như các hoạt động văn hóa giàu bản sắc của người dân nơi đây như gặt lúa, bắt cá ruộng, hái chè… Ông Nguyễn Việt Tuân, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: “Trong thời gian qua, với sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch nhằm phát triển du lịch bền vững, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch. Du lịch cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nghèo cho nhiều cộng đồng dân cư, đặc biệt là cộng đồng ở những vùng sâu, vùng xa. Đến nay, đã có 7 làng văn hóa du lịch cộng đồng được huyện phê duyệt, 14 hộ được hỗ trợ kinh phí cải tạo nhà ở, mua sắm vật dụng để kinh doanh dịch vụ homestay với tổng kinh phí 840 triệu đồng…”.
Đến nay, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì có hơn 50 mô hình do thanh niên làm chủ, trong đó, có khoảng hơn 25 mô hình hoạt động tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 80 - 120 triệu đồng/năm. Điển hình như mô hình “Kinh Homestay” được làm chủ yếu từ nguồn vật liệu tre, nứa, gỗ kết hợp với những vật dụng, đồ trang trí trong căn nhà, tạo cho du khách một không gian đậm nét văn hóa của dân tộc mình. Cùng với đó, các dịch vụ dẫn tour từ xã Thông Nguyên đến chợ Hoàng Su Phì, du lịch mạo hiểm dã ngoại dãy núi Chiêu Lầu Thi, Túng Sán; tham quan những ruộng lúa bậc thang, chiêm ngưỡng vẻ đẹp mùa nước đổ của Hoàng Su Phì... Từ việc phát triển du lịch, hàng năm gia đình anh Kinh đạt doanh thu trên 200 triệu đồng. Cũng như xã Thông Nguyên, Bản Phùng, mô hình homestay ở xã Hồ Thầu cũng đã, đang có sự phát triển mạnh mẽ. Hiện, toàn xã có hơn 10 hộ làm homestay, mỗi năm thu hút hàng nghìn khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đồng hành với người dân trong thời gian qua, huyện đã từng bước đa dạng các sản phẩm du lịch, dịch vụ, đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trẻ để hướng tới một ngành “công nghiệp không khói” phát triển bền vững theo đúng Đề án quy hoạch tổng thể ngành du lịch đến năm 2021 và định hướng đến năm 2030 của huyện đề ra với mục tiêu đưa các làng văn hóa du lịch cộng đồng ở Hoàng Su Phì vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn văn hóa truyền thống và gắn kết với phát triển dược liệu.
Theo thống kê cho thấy, từ năm 2010 đến nay, lượng khách đến với huyện Hoàng Su Phì tăng bình quân 25%/năm. Để du lịch Hoàng Su Phì thực sự có bước phát triển đột phá, thu hút du khách, huyện đã và đang tạo điều kiện thuận lợi nhất để mời gọi các doanh nghiệp, các công ty lữ hành trong nước và quốc tế đến đầu tư, khai thác kinh doanh, quảng bá và phát triển du lịch tại huyện Hoàng Su Phì./.