Đồng bào Tây Bắc mong muốn tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Màn xòe Thái.
Tây Bắc là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình như: Đưa việc dạy chữ viết dân tộc vào trường học; phục dựng các lễ hội truyền thống của các dân tộc; phát triển du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc của từng dân tộc…
Đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định công nhận Tây Bắc có 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có thể kể đến: Lễ Hết Chá của người Thái, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu và Nghệ thuật Xòe Thái tỉnh Sơn La; Lễ Kin pang then của người Thái trắng (thị xã Mường Lay-tỉnh Điện Biên), Tết Nào pê chầu của người Mông đen (xã Mường Đăng, huyện Mường Ẳng-Điện Biên); Nghệ thuật Xòe Thái (tỉnh Lai Châu); Nghệ thuật Xòe Thái (Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ-Yên Bái)... Qua đó, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, biên giới.
Tuy nhiên, hiện nay, những nghệ nhân am hiểu về văn hoá truyền thống còn ít, thường là đã cao tuổi. Lớp trẻ vẫn còn nhiều người không biết tiếng, chữ mẹ đẻ; không thuộc các làn điệu dân ca của dân tộc. Nét văn hoá của một số dân tộc ít người như: Kháng, Mảng, Khơ Mú… có nguy cơ mai một. Đồng bào Tây Bắc mong muốn Đại hội Đảng toàn quốc lẩn thứ XIII lần này sẽ tiếp tục bàn định, có nhiều giải pháp để phát huy hiệu quả hơn nữa các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số.
Ông Cà Văn Chung, dân tộc Thái, hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, hiện đang sống ở bản Nong La, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La mong muốn: “Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp diễn ra, tôi mong muốn các đồng chí lãnh đạo trong Ban chấp hành Trung ương Đảng sẽ có nhiều chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiếu số, trong đó có dân tộc Thái, làm sao bảo tồn, gìn giữ và phát huy được bản sắc văn hoá của các dân tộc không bị mai một, trong đó có phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc thiểu số”.
Theo ông Tòng Văn Xôm, cán bộ hưu trí ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La: Những người am hiểu về văn hoá các dân tộc, các nghệ nhân dân gian có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Vì thế, ông hy vọng Đại hội Đảng lần này sẽ đề ra những chính sách ưu tiên, khích lệ những nghệ nhân dân gian tiếp tục sưu tầm, bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc./.
Tòng Đức Anh/VOV-Tây Bắc