Hoạt động của ngành

Đồng Tháp: Huyện Cao Lãnh phát huy giá trị đình làng, các di tích để phát triển du lịch

Cập nhật: 19/11/2021 05:33:58
Số lần đọc: 840
UBND huyện Cao Lãnh vừa ban hành Kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị đình làng, các di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch địa phương giai đoạn 2021- 2025.  


Khu di tích Xẻo Quít là di tích quốc gia trên địa bàn huyện

Theo UBND huyện, hiện nay trên địa bàn huyện có 1 di tích cấp Quốc gia; 7 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và 13 đình tọa lạc tại 11 xã, thị trấn, trong đó có 2 đình được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh (đình Mỹ Long và Thượng Văn) và 11 đình chưa được xếp hạng.

Các di tích và đình làng trên địa bàn huyện hiện nay đã và đang tổ chức sinh hoạt đờn ca tài tử, biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể dục thể thao, họp xét gia đình văn hóa, tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; sinh hoạt định kỳ Hội quán nông dân; sinh hoạt các câu lạc bộ theo sở thích; nghe tuyên truyền, quán triệt, học tập các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các nghị quyết về văn hóa, Luật Di sản văn hóa đến quần chúng Nhân dân, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đình làng ở địa phương,...

Giai đoạn 2021-2025, huyện sẽ phát huy các giá trị đình làng, di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch như: đẩy mạnh giáo dục về lịch sử địa phương thông qua tìm hiểu các di tích lịch sử - văn hóa, đình làng; tăng cường truyền thông, giáo dục cho Nhân dân về bảo tồn, phát huy giá trị của đình làng, trong đó đình làng trước hết phải hướng đến cộng đồng dân cư trong xã, thị trấn, kể cả những người xa quê; phát huy hình thức giới thiệu về di tích gắn với sự kiện lịch sử, bằng việc lồng ghép các sự kiện lịch sử vào bài học ngoại khóa của học sinh.

Xây dựng đình làng là nơi giao lưu truyền thống tại địa phương nhân các ngày lễ, kỷ niệm: Tổ chức các sự kiện, triển lãm, trưng bày ảnh di sản; biểu diễn văn nghệ quần chúng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lồng ghép trò chơi dân gian và tuyên truyền sinh hoạt các loại hình Câu lạc bộ đình làng giữa các xã, thị trấn; sinh hoạt tổ, đội, nhóm văn nghệ truyền thống tại địa phương; các hoạt động văn hóa truyền thống, lễ hội dân gian; hội thi, liên hoan nghệ thuật, đờn ca tài tử, sân khấu cải lương.

Đẩy mạnh khai thác tiềm năng phát triển du lịch văn hóa tâm linh tại địa phương. Gắn hệ thống các di tích, đình làng với việc phát triển du lịch, kết nối với các tour, tuyến du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn.

Thực hiện Đề án Phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp, trong đó tăng cường quảng bá, giới thiệu hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa, đình làng của huyện trên các phương tiện thông tin đại chúng để phục vụ nhu cầu học tập, tham quan, nghiên cứu, du lịch, sinh hoạt tín ngưỡng của người dân, du khách trong và ngoài huyện. Tăng cường sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa người quản lý đình làng với thiết chế văn hóa ở địa phương nhằm đảm bảo cho các hoạt động văn hóa được tổ chức tại đình làng vừa giữ gìn giá trị truyền thống lịch sử, bồi đắp thêm giá trị mới, vừa nâng cao giá trị văn hóa đình làng trong không gian văn hóa nông thôn mới hiện nay.

Tuy nhiên, qua đánh giá tổng quan hiện trạng đình làng trên địa bàn huyện vẫn còn gặp những khó khăn hạn chế cần được quan tâm, khắc phục. Cụ thể như: Kiến trúc đình làng bị thay đổi do nhiều nguyên nhân nên một số hạng mục không còn giữ được nguyên hạng (mái ngói cổ kính bị thay bằng mái tôn, cột đình gỗ bị bê tông hóa) mất đi vẻ cổ kính, uy nghiêm vốn có. Nghi lễ của các lễ hội cúng đình không còn bài bản và đúng theo nghi thức xưa, làm mất đi giá trị tinh túy, cái cốt, cái hồn của lễ hội. Nghi thức hát bội, múa bóng rỗi, ban nhạc lễ, nghệ thuật viết thư pháp, đờn ca tài tử tại các đình làng trong huyện đang mất dần, đến kỳ lễ hội phần lớn phải thuê các dịch vụ biểu diễn để phục vụ người dân và khách thập phương. Việc lưu giữ, bảo tồn các sắc thần, thư tích cũ, các khí cụ tại đình làng chưa được người có trách nhiệm, cơ quan chức năng quan tâm quản lý, giữ gìn dẫn đến bị hư hỏng hoặc mất cắp, khó có thể phục hồi nguyên giá trị. Một số người đại diện của đình làng ít quan tâm đến hồ sơ đất đai (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), khi có yêu cầu xây dựng hoặc trùng tu cơ sở kéo dài thời gian, có trường hợp xảy ra tranh chấp. Kinh phí cho hoạt động lưu giữ các giá trị nghệ thuật kiến trúc còn hạn chế, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Do đó, có một số nghệ thuật kiến trúc lâu đời bị hư hỏng nặng không thể khôi phục được.

Nguyễn Toàn

Nguồn: Báo Đồng Tháp

Cùng chuyên mục