Đồng Tháp phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng
Theo đó, Khu Di tích Xẻo Quít sẽ được phát triển sản phẩm theo chủ đề “Bảo tồn lịch sử - gìn giữ hồn quê”, trên cơ sở khai thác lợi thế là căn cứ kháng chiến tiêu biểu của ĐBSCL gắn liền cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, rừng tràm… Đồng thời khai thác các giá trị văn hóa truyền thống gắn với hình ảnh vùng Đồng Tháp Mười xưa; tập trung phát triển thành một khu vui chơi, trải nghiệm nông nghiệp kết hợp giáo dục truyền thống; giới thiệu làng nghề thủ công, trò chơi dân gian và bộ sưu tập hoa súng làm điểm nhấn.
Khu Di tích Gò Tháp - Đồng sen Tháp Mười thì phát triển theo chủ đề “Vương quốc Sen và văn hóa tâm linh” gắn liền sản phẩm du lịch sinh thái trải nghiệm đồng sen kết hợp các yếu tố văn hóa bản địa. Tập trung khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, sự bí ẩn của nền văn hóa Óc Eo và 2 lễ hội lớn của Gò Tháp là Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ (Rằm tháng 3) và Lễ hội Thiên hộ Võ Duy Dương - Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều (Rằm tháng 11). Đồng thời khôi phục cảnh quan sinh thái, hoàn chỉnh bộ sưu tập sen; Nhà Trưng bày văn hóa Phù Nam và xứ ủy Nam bộ…
Tại Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc sẽ được đẩy mạnh hoạt động tham quan, về nguồn; phát huy các giá trị truyền thống, nét văn hóa đặc trưng của làng Hòa An xưa với các làng nghề thủ công truyền thống, hoạt động văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian, bộ sưu tập rau dược liệu… Khai thác lợi thế từ cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa của làng Hòa An xưa để hình thành các dịch vụ lưu trú và ẩm thực phục vụ khách tham quan, du lịch.
Khu Du lịch Tràm Chim sẽ phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái dựa trên cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, đặc thù của vùng Đồng Tháp Mười xưa và trải nghiệm cuộc sống của ngư dân vùng ngập lũ; là nơi giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và thiên nhiên; từng bước gây tạo và bảo tồn các khu thực vật bản địa, đặc trưng; các khu vực có cảnh quan thích hợp để phát triển thành một công viên chim với các bộ sưu tập về chim, bảo tàng trứng chim phục vụ nghiên cứu và khám phá; cải tạo, phục hồi hoa Hoàng Đầu Ấn, hoa Nhĩ Cám Tím và Lúa ma; tạo các điểm dừng chân; bảo tồn, phục hồi các sân chim; nâng cấp, phát triển khu trưng bày cá nước ngọt và khu vui chơi giải trí sinh thái… với các loại phương tiện thân thiện với môi trường. Nơi đây sẽ được hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo tiện nghi và an toàn trong phục vụ khách du lịch.
Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng thì phát triển “Làng ẩm thực đồng quê”, là nơi tham quan, dã ngoại trải nghiệm các giá trị cảnh quan sông nước, thưởng thức ẩm thực khẩn hoang Nam bộ; bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng tràm và bộ sưu tập tre; khai thác, phát triển dịch vụ bơi xuồng tham quan rừng tràm, sân chim kết hợp tái dựng các mô hình hoạt động trải nghiệm sinh kế của người dân vùng sông nước; phát triển các mô hình, dịch vụ trải nghiệm truyền thống, đờn ca tài tử Nam bộ, trò chơi dân gian...
Làng hoa Sa Đéc được định hướng phát triển thành “Thành phố hoa của khu vực Nam bộ” với những khu vườn kiểu mẫu, khu trưng bày hàng trăm loài hoa đẹp, lạ… nổi tiếng cả trong nước và nước ngoài; tập trung khai thác, phát huy có hiệu quả các hạng mục đã được đầu tư tại làng hoa; bổ sung hoa kiểng trang trí các cổng chào; xây dựng thêm các tiểu cảnh, các điểm dừng chân, nhà chờ; lắp đặt các bảng hướng dẫn những điểm tham quan trên tuyến đường Sa Nhiên - Cai Dao...
Làng bè Bình Thạnh phát triển các sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm vườn trái cây đặc sản, các làng nghề thủ công, chế biến truyền thống và loại hình lưu trú nghỉ dưỡng từ lợi thế khu vực ven sông Tiền; tăng cường công tác quảng bá, truyền thông tại các sự kiện quan trọng trong khu vực và cả nước để thu hút khách./.