Hà Nội: Gần 40.000 người trẩy hội chùa Hương trong ngày khai hội
Du khách thập phương về dự lễ khai hội đền Sóc. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)
Theo ghi nhận, số lượng người tham dự lễ khai hội năm nay giảm so với ngày khai hội của những năm trước.
Ông Nguyễn Bá Hiển, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Lễ hội, Trưởng ban Quản lý Khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn, trong ngày khai hội, có gần 40.000 người trẩy hội chùa Hương.
Tính từ những ngày đầu Tết Nguyên đán đến nay, lượng khách tham quan, trẩy hội chùa Hương lên tới 200.000 người.
Các tuyến đường dẫn vào khu di tích cơ bản thông thoáng, sạch sẽ, không xảy ra tình trạng ách tắc. Các đối tượng đeo bám, “cò mồi” khách sử dụng dịch vụ đã giảm đáng kể.
Các hoạt động khác diễn ra trong an toàn, trật tự. Mùa lễ hội năm nay, chùa Hương có 4.500 đò phục vụ việc đưa, đón khách.
Điểm mới dễ nhận thấy là các hoạt động kinh doanh phía trong các chùa, động, đoạn đường hẹp hoặc vực sâu cơ bản không còn.
Các gian hàng được cấp phép kinh doanh đều lùi sâu vào trong, có tủ bảo quản thực phẩm đặt ở vị trí phù hợp, tránh gây phản cảm.
Cùng với đó, Ban Tổ chức đã tập huấn Luật Giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân, các chủ hàng kinh doanh.
Nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, quy tắc ứng xử nơi công cộng cho nhân dân địa phương và quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức khi làm nhiệm vụ cũng được Ban Tổ chức lễ hội tập huấn cho nhân dân và công chức.
Để đảm bảo cho mùa lễ hội văn minh, an toàn, lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự gồm hơn 164 người, chia thành 15 tổ, thay nhau trực 24/24 giờ tại những nút giao thông quan trọng và những khu vực thu hút nhiều du khách đến dâng hương, vãn cảnh trong ba tháng lễ hội.
Theo đó, các đối tượng cố tình bám đuổi khách, trộm cắp, móc túi, lừa đảo, gây rối trật tự công cộng, các hoạt động mê tín, dị đoan tại Lễ hội… sẽ bị xử lý nghiêm. Số điện thoại đường dây nóng của Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương năm 2020 được công khai, để du khách có thể phản ánh mọi vấn đề còn tồn tại.
Cùng ngày, hàng vạn người dân đã về trẩy hội Gióng, đền Sóc Sơn, thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội để tham dự lễ khai hội.
Theo Ban Tổ chức, năm nay, hội Gióng sẽ đón khoảng 1,2 triệu khách.
Hội Gióng là một trong những lễ hội lớn của Hà Nội diễn ra từ mùng 6-8 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ngay từ sáng sớm, người dân Phù Linh rước 8 lễ vật truyền thống của các thôn làng gồm giò hoa tre, ngựa sắt, voi chiến, trầu cau, ngà voi, cỏ voi, kiệu tướng, cầu húc về khu di tích.
Năm nay, Ban tổ chức không tổ chức lễ rước giò hoa tre và trầu cau xuống đền Hạ, đền Mẫu, đồng thời bỏ tục tán lộc.
Lễ vật được đưa vào hậu cung đền Thượng và tổ chức phát lộc cho du khách theo sự kiểm soát của Ban Tổ chức. Năm nay có khoảng 10.000 cành hoa tre phát lộc cho du khách tham dự Lễ hội.
Ngay sau khi kết thúc phần lễ, rất đông người dân đổ dồn đến cửa cung đền Thượng để xin tán lộc. Tuy nhiên, dù lượng người đông đúc nhưng không xảy ra tình trạng chen lấn phản cảm.
Hội Gióng được tổ chức nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của Lễ hội đền Sóc và tưởng nhớ công lao to lớn của Đức Thánh Gióng đã có công đem lại thái bình cho nhân dân.
Bên cạnh phần lễ, hội Gióng còn có nhiều hoạt động hấp dẫn như hát Quan họ, thi đấu bóng chuyền da nữ, đấu vật; tổ chức các trò chơi dân gian như đi cà kheo, nấu cơm thi, đi cầu thăng bằng, đập niêu./.