Du lịch canh nông - đòn bẩy phát triển kinh tế
Tăng nguồn thu
Mô hình nuôi cá lồng bè kết hợp làm du lịch của ông Lý Văn Bon.
Ở cửa ngõ Cồn Sơn (quận Bình Thủy), bè cá của ông Lý Văn Bon (Bảy Bon) luôn đông khách tham quan. Với diện tích 6.000m2 mặt nước, 30 lồng bè, hiện nay, ông Bảy Bon đang nuôi cá các loại theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Bon chia sẻ: “Năm 2000, tôi bắt đầu nuôi thát lát cườm trên bè. Trong quá trình sản xuất, bản thân vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Ngoài nuôi cá thát lát cườm để bán, tôi còn đầu tư nhà xưởng để chế biến chả cá rút xương, cá thát lát muối sả...”.
Hằng năm, mô hình nuôi cá bè của ông Bảy Bon thu hoạch trên 1.000 tấn, phục vụ chế biến và cung cấp cho thị trường với tổng doanh thu khoảng 50 tỉ đồng. Không dừng lại ở thành công này, gia đình ông Bảy Bon còn mở du lịch đón khách đến tham quan bè cá từ năm 2017 đến nay. Ghé bè cá Bảy Bon, du khách được chiêm ngưỡng nhiều giống cá mới lạ, xem cá phun nước, bay lên đớp mồi, được massage chân với hàng ngàn con cá Koi màu sắc đẹp mắt… Hơn 6 năm làm du lịch, ngoài việc tham gia các lớp tập huấn về làm du lịch, an toàn thực phẩm do các cấp hội, đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức, ông Bảy Bon luôn học hỏi và tìm hiểu thị hiếu khách hàng để phục vụ ngày càng tốt hơn. Thời gian gần đây, mỗi năm, bè cá của gia đình ông đón tiếp trên 36.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan. Riêng hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch đã mang về cho gia đình ông lợi nhuận khoảng 2 tỉ đồng/năm.
Rời Bình Thủy, chúng tôi đến các điểm du lịch vườn cây ăn trái: dâu hạ châu, sầu riêng, chôm chôm… ở huyện Phong Điền. Hầu hết, các điểm nhà vườn đều hợp tác với các công ty lữ hành để khai thác hiệu quả vườn cây ăn trái trở thành tour tuyến tham quan. Ông Phạm Văn Hoàng, chủ vườn trái cây 9 Hồng, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, là một trong những nông dân tiên phong triển khai mô hình du lịch canh nông. Các sản phẩm du lịch tại vườn trái cây 9 Hồng được đầu tư khá bài bản với đội ngũ phục vụ du lịch là người dân địa phương, am hiểu văn hóa truyền thống. Tại đây, du khách được thưởng ngoạn không khí trong lành, tham quan vườn trái cây, thưởng thức bánh dân gian và các món ăn đồng quê, tham gia các trò chơi, như bơi xuồng, chạy xe đạp mạo hiểm trên cầu…
Dư địa lớn để phát triển
TP Cần Thơ có khoảng 114.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp, là điều kiện thuận lợi giúp nông dân xây dựng và phát triển mô hình du lịch canh nông. Những năm qua, nông dân TP Cần Thơ đã bắt đầu khai thác, tận dụng tốt lợi thế để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, làng nghề truyền thống. Tiêu biểu như mô hình du lịch cộng đồng tại Cồn Sơn (quận Bình Thủy); mô hình hoa kiểng kết hợp du lịch tại làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ (quận Bình Thủy); mô hình sản xuất nông hộ kết hợp du lịch với trên 75 hộ phát triển du lịch sinh thái vườn (tập trung tại huyện Phong Điền và các quận: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn)… Nhìn tổng thể, dư địa để phát triển du lịch canh nông tại TP Cần Thơ rất lớn. Song, sự phát triển của loại hình du lịch này vẫn còn thấp so với tiềm năng. Đến nay, lĩnh vực này vẫn chưa được chuyên nghiệp hóa, còn mang tính tự phát; các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu tính sáng tạo; nhiều điểm đến vẫn còn thiếu sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, chưa tạo được nguồn thu cao;… Về lâu dài cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, chính quyền địa phương trong định hướng quy hoạch, có chính sách đầu tư và hỗ trợ nông dân về: nguồn vốn đầu tư, xây dựng sản phẩm từ nông nghiệp phục vụ du khách, tập huấn đào tạo kỹ năng làm du lịch, hướng dẫn sản xuất, chương trình OCOP, ứng dụng công nghệ thông tin,… Đặc biệt, chú trọng các hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp trên nền tảng nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của du lịch. Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, thúc đẩy ngành du lịch thành phố tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Bài, ảnh: Kiến Quốc