Hành trang lữ khách

Du lịch canh nông vùng hoa công nghệ cao ở TP. Đà Lạt

Cập nhật: 28/07/2020 08:01:25
Số lần đọc: 952
Việc tận dụng được thế mạnh sản xuất hoa ở Làng hoa Vạn Thành (Phường 5, thành phố Đà Lạt) phục vụ du lịch được coi như một hướng mở, tạo nên sức sống và sự hấp dẫn trong hoạt động du lịch tham quan trên địa bàn, gắn kết chặt chẽ trong chuỗi hoạt động du lịch dịch vụ của thành phố Đà Lạt.  


Khá đông du khác đến với du lịch rau thủy canh để check in

Lợi thế vùng sản xuất

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn phường 5 có những bước tiến vượt bậc, nó không chỉ đem lại năng suất cao mà còn mang lại giá trị kinh tế cho người nông dân. Phường 5 nằm ở phía Tây thành phố Đà Lạt với diện tích tự nhiên 3.481,48 ha, là vùng sản xuất nông nghiệp được hình thành từ rất sớm trong quá trình hình thành và phát triển đô thị Đà Lạt. Trong đó, vùng nông nghiệp Vạn Thành được thành lập từ năm 1954, với 320 ha (hoa các loại 192ha và rau 128 ha) sản xuất với các chủng loại rau hoa đặc thù của vùng khí hậu ôn đới.

Làng hoa Vạn Thành đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là làng nghề truyền thống về cây trồng và kinh doanh các loại hoa và được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoa Đà Lạt. Vạn Thành đã có sẵn tiềm năng kinh tế của địa điểm vùng sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao (CNC). Trong đó, quỹ đất nông nghiệp có tính quy mô và đồng nhất, làng nghề có tính truyền thống và chuyên canh cao, thổ nhưỡng và khí hấu rất ưu đãi cho ngành nông nghiệp CNC, hạ tầng thủy lợi, điện và giao thông phục vụ sản xuất, tương đối đáp ứng nhu cầu thị trường, đầu ra sản phẩm ổn định và nhiều khách hàng tiềm năng.

Hiện nay, 100% diện tích sản xuất nông nghiệp trồng hoa Đồng tiền, hoa Hồng, Ly Ly, Cát Tường … trong vùng đều sử dụng hệ thống nhà lưới, nhà kính; 100% diện tích và các hộ sản xuất đều cơ giới hóa trong khâu lên đất và làm luống trước khi gieo trồng; 96% hộ dân trồng hoa đều sử dụng hệ thống tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt có thiết bị điều khiển. Về giống cây trồng người dân lựa chọn và đưa vào sản xuất các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng và khả năng kháng bệnh tốt… Đó là những cơ sở để UBND tỉnh quyết định công nhận làng hoa Vạn Thành là vùng trồng hoa ứng dụng công nghệ cao. 

Ông Nguyễn Như Việt, Chủ tịch UBND Phường 5 cho biết, Vạn Thành là vùng chuyên canh cây hoa từ lâu đời. Việc hình thành khu nông nghiệp CNC sẽ là hạt nhân về công nghệ và tổ chức sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Đồng thời thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đến thời điểm hiện tại thu nhập bình quân đầu người tại làng hoa đạt 120 triệu đồng/người/năm, giá trị thu hoạch bình quân 1 ha sản xuất hoa là 800 triệu, gần 80% sản phẩm hoa sử dụng có hiệu quả thương hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Tuyến đường du lịch canh nông

Đến làng hoa Vạn Thành, từ trên cao đã thấy cung bậc của sắc hoa Hồng, Salem, Cẩm chướng, Đồng tiền rực rỡ, trải dài theo triền núi, uốn lượn mềm mại bên bờ suối Cam Ly huyền thoại. 

Ngay giữa làng hoa là cả một không gian du lịch rau thủy canh. Bên trong mỗi nhà kính, chủ nhân xây dựng bậc thang vừa đủ để du khách tham quan vườn với các lối đi được trang trí nhiều loài hoa. Đi vào hoạt động từ năm 2017, Công ty TNHH Đà Lạt Rau thủy canh tạo sức hấp dẫn với khách du lịch bằng cách dành các khu trưng bày và giới thiệu các loại rau cùng với cách chế biến và công dụng để du khách lựa chọn và thưởng thức rau. Khu du lịch này hiện đang thu hút lượng khách rất lớn trên hành trình khám phá xứ hoa bởi đã đáp ứng được nhu cầu du lịch tham quan, trải nghiệm và chụp hình luôn phổ biến cho mọi du khách hiện nay

Hay tại khu du lịch Hầm rượu vang Vĩnh Tiến, du khách đến đây sẽ được bước vào thế giới cổ tích Dalat Fairytale Land - khu vườn với kiến trúc độc đáo. Nơi đây tái hiện lại khung cảnh những ngôi nhà nhỏ xinh, nơi những người lùn sinh sống cùng với đó du khách đặt chân vào hầm rượu vang lớn nhất Việt Nam. Ông Hoàng Văn Quyết, Trưởng phòng Du lịch, Công ty TNHH Vĩnh Tiến cho biết, những sản phẩm du lịch của công ty đều gắn liền với nông nghiệp, như sản xuất đông trùng hạ thảo, nuôi cấy mô atiso, tham quan dây chuyền sản xuất atiso, kết hợp với đó là đường hoa Vĩnh Tiến tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo rất khác biệt so với những nơi khác. Ông Quyết cho rằng khi làng hoa Vạn Thành được công nhận là làng hoa công nghệ cao, ngoài đem lại lợi ích cho chính người nông dân, thì du lịch cũng theo đó mà phát triển. Du khách đến đây tìm hiểu về nghề trồng hoa của cư dân. Vì lẽ đó, mà tuyến đường Vạn Thành nay đã trở thành trục đường du lịch canh nông thu hút khá đông du khách. Mỗi ngày, nơi đây thu hút khoảng 2.000 lượt khách tham quan. 

Ông Nguyễn Như Việt cho biết thêm, với mục tiêu tôn vinh, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của nghề trồng hoa; xây dựng và phát triển các làng hoa theo quy hoạch gắn với định hướng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đặc biệt đưa tên các làng hoa trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch của thành phố, Thành ủy Đà Lạt ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển các làng hoa trên địa bàn thành phố Đà Lạt đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó nhấn mạnh tới phát triển làng hoa gắn với du lịch. Theo đó ở Vạn Thành xây dựng cơ sở hạ tầng của làng hoa phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất, phục vụ du lịch tham quan vườn để làng hoa trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn cho du khách. Kết nối các điểm du lịch trên địa bàn thành phố đến làng hoa để tham quan, trải nghiệm, mua sắm sản phẩm, tìm hiểu về lịch sử hình thành, những giá trị văn hóa truyền thống nghề trồng hoa. Khuyến khích phát triển mô hình homestay tại làng hoa nhằm tạo cho du khách có điều kiện thực tế, tham gia vào quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch hoa.

Với những người nông dân trồng hoa, được đem sản phẩm của mình tham gia guồng máy du lịch là điều họ rất hãnh diện, dù chưa hẳn đã có thu nhập trực tiếp từ du khách. Điều họ mong muốn là từ việc tham gia các tour du lịch, danh tiếng hoa Đà Lạt sẽ vang xa hơn và sẽ có khoản tiền đầu tư cơ sở hạ tầng tốt hơn cho việc phát triển nghề trồng hoa. 

 

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục