Du lịch cụm phía Tây Ðồng bằng sông Cửu Long nỗ lực thích ứng
Cần Thơ đẩy mạnh du lịch MICE với hệ thống khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp. Trong ảnh: Resort cồn Khương.
Vượt khó để thích ứng
Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây ÐBSCL có 7 tỉnh, thành: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu. Năm 2021, du lịch cụm phía Tây ÐBSCL đón 11,8 triệu lượt khách, chỉ đạt 53,6% so với năm 2020; tổng doanh thu đạt gần 9.371 tỉ đồng, đạt 48,4% so với năm trước. Sự sụt giảm về lượng khách và doanh thu do tác động từ dịch COVID-19. Theo đó, các tỉnh, thành chỉ đón khách được trong hai quý đầu năm 2021, chủ yếu là khách nội địa.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Cà Mau, cho biết: “Ða số khách chúng tôi đón được trong 5 tháng đầu năm, đặc biệt là thông qua chuỗi sự kiện của chương trình Cà Mau - Ðiểm đến năm 2021. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát thì nhiều hoạt động đã phải tạm dừng, du lịch Cà Mau thất thu khoảng 50%. Các đơn vị lữ hành gần như đóng cửa hết, nhà hàng, khách sạn hoạt động cầm chừng”. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL TP Cần Thơ, thông tin: “Chúng tôi bị động khi mọi kế hoạch, sự kiện đều chuẩn bị xong hết nhưng mỗi đợt dịch COVID-19 bùng phát thì phải tạm dừng. Ðiều đó khiến hoạt động bị đứt gãy, các doanh nghiệp du lịch và người lao động trong ngành gặp rất nhiều khó khăn”.
Trước thực trạng này, các địa phương cũng đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp hoạt động du lịch thích ứng với COVID-19, như: chuyển hình thức hoạt động sang trực tuyến, tăng cường chuyển đổi số, xây dựng các sản phẩm mới, phối hợp thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành đang gặp khó khăn, chia sẻ những mô hình du lịch thích ứng hiệu quả… Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: “Chúng tôi đã nỗ lực xây dựng các tour tuyến kết nối giữa các tỉnh, thành, chuẩn bị các hoạt động, sự kiện chung. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên nhiều hoạt động cũng phải tạm dừng. Vì vậy, chúng tôi chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến, đồng thời tăng cường xây dựng sản phẩm du lịch, nâng chất và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, quảng bá, đặc biệt là khai thác mạng xã hội để quảng bá du lịch. Trong khi đó, bà Quảng Xuân Lụa, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Các hoạt động du lịch tại Kiên Giang có sự bắt nhịp trở lại với nhiều sự kiện. Ðặc biệt, tại Phú Quốc có những tín hiệu rất khả quan khi chúng tôi được phép đón khách quốc tế từ tháng 11. Trên cơ sở này chúng tôi cũng đã xây dựng nhiều sản phẩm mới, các chương trình khuyến mại để thu hút khách quay trở lại”.
Ðịnh hướng và giải pháp cho năm 2022
Mặc dù hoạt động du lịch đã tái khởi động lại từ tháng 10, nhưng các địa phương lại đối mặt với nhiều thử thách mới: nguồn khách không còn, thị trường đứt gãy, nhiều doanh nghiệp và đơn vị kinh doanh dịch vụ vẫn chưa hoạt động trở lại, nguồn nhân lực thiếu hụt trầm trọng…
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Cà Mau, bày tỏ trăn trở: “Thị trường khách chính của chúng tôi là Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, đầu mối kết nối là các đơn vị lữ hành. Tuy nhiên hiện nay các đơn vị lữ hành hoạt động lại rất ít. Thêm vào đó những chồng chéo về các quy định, khó khăn về giao thông làm cho du khách e ngại. Chúng tôi mở cửa nhưng lại không có nguồn khách. Tôi cho rằng, liên kết của chúng ta nên đi vào chiều sâu nhiều hơn để hỗ trợ nhau xây dựng sản phẩm mới, riêng biệt và hình thành chuỗi sản phẩm mang tính đặc trưng. Mặt khác cũng cần tập trung quảng bá các thị trường trọng điểm ở Hà Nội, Tây Nguyên, miền Trung mới tạo được hiệu quả”. Ðồng quan điểm, bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Trên cơ sở hợp tác, liên kết của cụm phía Tây, chúng tôi có thể chia sẻ những khó khăn, bàn thảo nhiều giải pháp để cùng nhau vượt khó, cũng như phát huy được thế mạnh du lịch đặc trưng của mỗi địa phương. Ngoài việc xây dựng những sản phẩm khác biệt, tôi cho rằng nên có cơ chế điều phối chung để có thể nâng cao được hiệu quả các hoạt động”.
Đoàn famtrip giữa Cần Thơ, Vĩnh Long và Cà Mau trong kết nối hợp tác giữa các tỉnh, thành vào năm 2020.
Trên thực tế, các địa phương cũng đã chủ động xây dựng nhiều sản phẩm mới, kết nối tour tuyến. Cụ thể, Hậu Giang đang khai thác tuyến kênh xáng Xà No, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng để tạo sản phẩm riêng biệt và độc đáo; đồng thời xây dựng chương trình liên kết các điểm du lịch trên tuyến sông Cần Thơ và kênh xáng Xà No để hình thành tuyến du lịch sông nước. Trong khi đó, Cần Thơ tập trung khai thác các thế mạnh du lịch sông nước gắn với chợ nổi Cái Răng, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo). Còn Kiên Giang khai thác biển đảo, Bạc Liêu hoàn thiện sản phẩm du lịch văn hóa di sản, Sóc Trăng xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội và cộng đồng, Cà Mau khai thác thế mạnh du lịch nông nghiệp và cộng đồng gắn với hệ sinh thái rừng, An Giang khai thác du lịch tâm linh và hệ sinh thái rừng tràm. Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, chia sẻ: “Du lịch cụm phía Tây đang trên đà phát triển và có nhiều tiềm năng. Doanh thu du lịch của cụm này thường gấp 3 lần so với cụm phía Ðông. Về xây dựng sản phẩm đặc thù của từng tỉnh, thành, từng cụm, chúng tôi cũng đồng hành để tìm các giải pháp hỗ trợ. Các tỉnh, thành đã rất chủ động trong việc định hướng phát triển du lịch địa phương. Tôi cho rằng sự liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành là để cùng ngồi lại bàn thảo từng bước và hỗ trợ nhau trong việc xây dựng những sản phẩm du lịch riêng biệt, đáp ứng thị hiếu của du khách”.
Trên cơ sở này, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL TP Cần Thơ, địa phương giữ vai trò Cụm trưởng trong năm 2022, đưa ra định hướng: “Cụm có 6 nội dung chính cần thực hiện trong năm tới. Trong đó, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vẫn là yêu cầu trọng tâm; đồng thời phát huy việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 13 tỉnh, thành ÐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Song song đó, cần nắm bắt xu hướng thị trường khách để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến hiệu quả”. Theo đó, các tỉnh, thành từng bước kết nối để hình thành tuyến du lịch đặc trưng trong vùng; tổ chức các đoàn famtrip đến khảo sát các điểm du lịch mới, tiêu biểu; phối hợp tổ chức các hoạt động liên kết, kích cầu phục hồi du lịch khi dịch COVID-19 được kiểm soát giữa các địa phương liên kết; chia sẻ các phương thức ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, xúc tiến du lịch. Trong năm 2022, Cụm phía Tây dự kiến tổ chức một số hoạt động, như: Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, Lễ hội Ðờn ca tài tử Quốc gia năm 2022, Lễ khánh thành Ðền Hùng, Hội chợ du lịch quốc tế VITM - Cantho (Cần Thơ); Lễ hội Ok-Om-Bok - Ðua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V khu vực ÐBSCL, Ngày hội Văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ lần VIII (Sóc Trăng), Cà Mau - Ðiểm hẹn năm 2022…
Du lịch vẫn còn nhiều khó khăn bởi tình hình dịch bệnh mỗi địa phương mỗi khác. Do đó, việc phục hồi du lịch cần phải có thời gian thích ứng và những giải pháp phù hợp. Các tỉnh trong Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây ÐBSCL luôn nỗ lực để sớm đưa các hoạt động du lịch trở lại vừa hiệu quả vừa an toàn.
Bài, ảnh: Ái Lam