Du lịch golf Việt Nam: Tiềm năng và thách thức
Nhiều tiềm năng phát triển du lịch golf
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho biết, với bờ biển dài hơn 3.260km, địa hình đa dạng 3/4 đồi núi, Việt Nam là đất nước có lợi thế phát triển các loại hình du lịch phong phú, trong đó có du lịch golf. Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng Việt Nam có đầy đủ tiềm năng và cơ hội để trở thành “Thiên đường golf của Châu Á”. Theo ông Mike Sebastian, Tổng giám đốc điều hành Asia Pacific Golf Group: “Không có nơi nào trên thế giới có được sự phát triển golf nhanh và đồng bộ như ở Việt Nam”.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: TITC)
Theo ông Trần Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam, nước ta có rất nhiều tiềm năng để phát triển golf với vị trí địa lý và cự ly bay lý tưởng. Việt Nam cũng gần các thị trường golf có mức tăng trưởng cao nhất thế giới và sở hữu nguồn tài nguyên, du lịch thiên nhiên và văn hóa độc đáo, hấp dẫn. Các sân golf của Việt Nam được thiết kế và đầu tư chuyên nghiệp, đặc biệt, khí hậu Việt Nam cho phép khách du lịch golf hoạt động quanh năm.
Viện trưởng Viện Khoa học Thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao) Trần Hiếu phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: TITC)
Golf của Việt Nam cũng có nhiều cơ hội phát triển khi khu vực châu Á đang dẫn đầu thị trường golf toàn cầu và có mối quan hệ kinh tế, văn hóa đặc biệt với hai thị trường golf hàng đầu là Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm 2021, theo kết quả công bố của World Golf Awards, giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực golf trên thế giới, thuộc hệ thống giải thưởng World Travel Awards, Việt Nam được công nhận là Điểm đến Golf tốt nhất thế giới và châu Á.
Viện trưởng Viện Khoa học Thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao) Trần Hiếu cho biết, hiện nay Việt Nam đã có 80 sân golf 18 hố đi vào hoạt động và đến 2025 sẽ có 200 sân golf 18 hố đi vào hoạt động. Các sân golf tại Việt Nam có chất lượng tốt, đẳng cấp, đều do những golfer nổi tiếng thế giới thiết kế, có sự khác biệt dựa trên lợi thế về đặc điểm địa hình và các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa để hấp dẫn khách du lịch yêu thích chinh phục nhiều sân golf độc đáo, nhiều thách thức và trải nghiệm khác biệt.
Thách thức và giải pháp phát triển du lịch golf Việt Nam
Bên cạnh những tiềm năng, du lịch golf Việt Nam vẫn còn có những thách thức, khó khăn đòi hỏi phải có những chiến lược, kế hoạch phát triển để tăng sự cạnh tranh của du lịch golf Việt Nam với các nước trong khu vực.
Về những thách thức, khó khăn, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc cho rằng, trên thực tế, sản phẩm du lịch golf ở Việt Nam còn hạn chế do lượng sân golf còn ít, tỷ lệ khách du lịch quốc tế đến chơi golf chưa cao trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam, sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và sân golf còn lỏng lẻo, du lịch golf chưa kết nối với các loại hình du lịch khác như MICE, caravan, chưa có các giải thưởng chuyên nghiệp, các sân golf chưa liên kết với nhau cũng như chưa có các giải pháp về xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch golf bài bản.
Các chương trình golf tour hiện đang khai thác còn hạn chế, chưa phong phú về nội dung do thị trường golf còn khá mới mẻ, do các doanh nghiệp lữ hành trong nước còn thiếu thông tin về thị trường khách. Một số chương trình golf tour hiện đang khai thác tại một số doanh nghiệp lữ hành du lịch còn khá đơn giản, chủ yếu tập trung vào các hoạt động hỗ trợ khách chơi golf.
“Trong tương lai, golf sẽ trở thành một loại hình giải trí toàn cầu với các thị trường mới đang phát triển ở Châu Á, Mỹ La tinh, Trung Đông và Đông Âu. Vì vậy, chủ trương của ngành Du lịch Việt Nam là phát huy những lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch golf theo hướng bền vững, đây được xem là một trong những định hướng phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam những năm tới”, Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến của Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc, tân Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, để phát triển du lịch golf hiệu quả cần có chiến lược lâu dài và mang tính tổng thể chung cho tất cả các doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp golf sẽ cần bàn bạc với nhau cụ thể, chi tiết, đồng thời cần có sự liên kết để tạo thành một hệ thống, trên cơ sở luôn coi golf là một thế mạnh của du lịch Việt Nam để phát triển. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thị trường golf của Việt Nam, tăng thêm những dịch vụ đi kèm theo golf… để nghiên cứu, phát triển theo lộ trình và có kế hoạch phát triển rõ ràng.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: TITC)
Theo ông Trần Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam, để du lịch golf phát triển ở Việt Nam, vai trò của các công ty lữ hành đóng vai trò rất quan trọng, bởi những đơn vị này chính là khâu kết nối với hàng không, sân golf, các địa điểm đến, nhà hàng, khách sạn... Bên cạnh đó, cần tăng cường sự kết nối, trong đó, cần ứng dụng mạnh công nghệ để kết nối thuận tiện nhất về thông tin, giao lưu câu lạc bộ golf. Chính quyền cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp, lữ hành kết nối với nhau để mở rộng du lịch golf giữa các địa điểm.
Tại hội thảo, đại diện các khu nghỉ dưỡng đã giới thiệu đến các đại biểu chiến lược phát triển, mô hình, hình ảnh… của sân golf giúp các đại biểu có cái nhìn toàn diện về các sân golf hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam.
Trung tâm Thông tin du lịch