Du lịch góp phần đưa nông thôn trở thành những “miền quê đáng sống”
Du khách tham quan nghề làm gốm ở làng cổ Phước Tích. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Những năm qua, du lịch nông thôn đã mang lại lợi ích không chỉ cho người dân bản địa mà còn làm phong phú thêm cho hệ thống sản phẩm du lịch của Việt Nam.
Phát triển du lịch ở vùng nông thôn cũng giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn - một trong những mục tiêu của chương trình nông thôn mới ở Việt Nam. Có thể nói rằng, phát triển du lịch đã góp phần tích cực để đưa nhiều vùng nông thôn trở thành những “miền quê đáng sống.”
Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới
Lào Cai với môi trường tự nhiên đa dạng, khí hậu đặc trưng, truyền thống văn hóa độc đáo giàu bản sắc của 25 nhóm ngành dân tộc đã phát triển nhiều mô hình du lịch đặc trưng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Các mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái ở Lào Cai đã hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng như mô hình trồng các loại hoa phục vụ phát triển du lịch (hoa lan, hoa hồng cổ, hoa đỗ quyên…); mô hình tham quan, trải nghiệm ruộng bậc thang ở thung lũng Mường Hoa (Sa Pa), ruộng bậc thang tại các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát.
Tiếp đến là mô hình du lịch nông trại trồng dâu tây, nấm hương, các loại quả như lê Tai Nung, mận Bắc Hà, quýt Mường Khương hay tham quan tại trang trại nuôi cá tầm, cá hồi…
Với mô hình du lịch nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái ở Lào Cai, du khách còn được tham gia trải nghiệm trồng cây, tìm hiểu văn hóa…
Lào Cai cũng là một trong những tỉnh đầu tiên của Việt Nam áp dụng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số với hai mô hình thí điểm tại xã Bản Hồ và San Sả Hồ (huyện Sa Pa).
Sau đó, mô hình du lịch cộng đồng được nhân rộng ra các xã Tả Van, Tả Phìn, Thanh Kim (huyện Sa Pa) và các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà và Bát Xát…
Cho đến nay, du lịch cộng đồng ở Lào Cai đã từng bước khẳng định được thương hiệu. Đặc biệt năm 2016, cụm các cơ sở homestay của huyện Bắc Hà nhận được giải thưởng homestay của ASEAN.
Năm 2017, cụm homestay Tả Van Giáy 1 - thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van, huyện Sa Pa cũng được trao giải thưởng này.
Với mô hình du lịch cộng đồng, ngoài việc tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo của người bản địa, du khách còn được tham gia trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, lao động hàng ngày của người dân.
Tại Sa Pa, du khách được trải nghiệm sản phẩm du lịch “một ngày làm nông dân” được tận tay gặt lúa, cày ruộng hay tưới rau. Tại các điểm du lịch cộng đồng tại Bắc Hà, du khách tham gia vào hái mận, bẻ ngô…
Những vùng quê đáng sống
Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đánh giá, khu vực nông thôn là điểm đến, cung cấp cảnh quan, không gian du lịch và các dịch vụ phục vụ du khách.
Cảnh quan sinh thái, hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống; bản sắc văn hóa, phong tục tập quán được truyền tải qua kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực, đời sống hàng ngày của người dân tại khu vực nông thôn là những yếu tố tài nguyên quan trọng, hấp dẫn để xây dựng các sản phẩm du lịch.
Việc phát triển du lịch ở nông thôn đã góp phần thực hiện một số tiêu chí cơ bản về xây dựng nông thôn mới, nhất là vấn đề tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người nông dân.
Cho đến nay, Việt Nam đã có nhiều tour du lịch nông thôn độc đáo, hấp dẫn, trở thành thương hiệu thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Điển hình như tour du lịch miệt vườn sông nước Đồng bằng sông Cửu Long; tour thưởng ngoạn phong cảnh ruộng bậc thang mùa lúa chín ở vùng cao Tây Bắc…
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc của khu vực nông thôn chính là dịch vụ lưu trú homestay (nhà ở của người dân có phòng khách du lịch cho thuê).
Dịch vụ này đang ngày càng phát triển và đem lại sức hấp dẫn cho du lịch Việt Nam. Du khách được trải nghiệm cuộc sống thường nhật của người dân bản địa, cùng sinh hoạt và lao động sản xuất với người dân bản địa nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, khám phá các giá trị văn hóa bản địa.
Dịch vụ homestay được khai thác phổ biến tại nhiều vùng nông thôn, miền núi (như Quảng Nam, Lào Cai, Hòa Bình, Hà Giang, Đồng Tháp, An Giang…).
Một số mô hình homestay được đầu tư, vận hành và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, bài bản hướng tới tiêu chuẩn chất lượng cao.
Điều đáng chú ý nhất là du lịch đã tạo ra việc làm tại chỗ cho nhóm lao động nông thôn có khả năng khó tiếp cận thị trường việc làm như phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam.
Cộng đồng dân cư ở nông thôn chính là người cung cấp trực tiếp các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch (dịch vụ homestay, hướng dẫn trải nghiệm, trình diễn, cung cấp dịch vụ, hàng hóa, nông sản được sản xuất tại chỗ).
Có thể nói rằng, du lịch ở nông thôn đã góp phần tạo ra nguồn thu khác cho người nông dân bên cạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy. Nhiều bản vùng cao phía bắc (Hòa Bình, Hà Giang, Yên Bái...) đã có doanh thu hàng tỷ đồng/năm nhờ cung cấp dịch vụ homestay và các dịch vụ khác. Thu nhập của nhiều hộ gia đình tại các bản làng làm du lịch đạt 50-60 triệu đồng/năm.
Phát triển du lịch nông thôn đã tác động đến ý thức người dân về xây dựng môi trường cảnh quan văn minh, sạch sẽ; bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc (khôi phục lễ hội, khai thác ẩm thực, trang phục, nghệ thuật truyền thống) nhằm tạo điểm khác biệt để thu hút khách du lịch.
Nhờ đó, cảnh quan, môi trường, đời sống văn hóa tinh thần của nhiều khu vực nông thôn được thay đổi đáng kể, trở thành những “vùng quê đáng sống.”
Vẫn chưa tương xứng với tiềm năng
Dù đã đạt được thành quả nhất định nhưng theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, phát triển du lịch ở khu vực nông thôn Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng của một đất nước nông nghiệp.
Nhìn chung, việc phát triển du lịch nông thôn hiện nay còn đang mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, chưa tương xứng với tài nguyên, lợi thế ở khu vực này.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho rằng, việc đánh giá nguồn lực để phát triển du lịch tại khu vực nông thôn chưa được quan tâm đúng mức.
Nhiều vùng nông thôn chỉ tập trung khai thác tài nguyên sẵn có, dựa chủ yếu vào yếu tố cảnh quan, sinh thái.
Một số địa phương coi phát triển du lịch như phong trào, dẫn tới sự phát triển ồ ạt, phá vỡ cảnh quan.
Nhiều địa phương chưa nhìn nhận du lịch là hoạt động kinh tế phải gắn với thị trường và năng lực cung ứng sản phẩm dẫn đến không có thị trường khách ổn định, thiếu sự kết nối thành tour tuyến hoàn chỉnh.
Thêm vào đó, việc khai thác yếu tố sản xuất nông nghiệp, nông thôn và du lịch còn rời rạc, chưa có sự liên kết chặt chẽ trên cơ sở hình thành chuỗi giá trị.
Tại nhiều địa phương, phát triển du lịch nông thôn chưa có sự vào cuộc của các cấp chính quyền đặc biệt cấp cơ sở và các ngành liên quan dẫn tới phát triển du lịch thiếu bền vững.
Mặt khác, theo Tổng cục Du lịch, phần lớn hoạt động du lịch tại khu vực nông thôn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, trùng lặp. Dịch vụ du lịch đơn điệu, nghèo nàn, ít sáng tạo, hầu hết sản phẩm du lịch nông nghiệp mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức độ đơn giản.
Giá trị cốt lõi của nông nghiệp bản địa, văn hóa truyền thống, dấu ấn đặc trưng vùng miền chưa được khai thác chuyên nghiệp.
Nhiều gia đình chỉ quan tâm đầu tư homestay với dịch vụ ăn ở tối thiểu, chưa quan tâm đến bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường cảnh quan, cung cấp dịch vụ bổ sung.
Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Vấn đề nhà vệ sinh, vệ sinh môi trường, rác thải tại khu vực du lịch nông thôn trở thành vấn đề “nhức nhối,” khiến khách “một đi không trở lại.”
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho rằng mục tiêu lớn nhất của phát triển kinh tế du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới là việc liên kết khai thác chuỗi giá trị nông nghiệp du lịch đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn Việt Nam.
Do đó, các địa phương cần rà soát, quy hoạch, phát triển du lịch nông thôn trong phạm vi từng địa phương, trong đó cần gắn chặt với mục tiêu phát triển nông thôn mới, quyết định hình thành các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng cao.
Đặc biệt, để có nguồn khách và doanh thu ổn định tới khu vực nông thôn, các địa phương cần liên kết chặt chẽ với các công ty lữ hành./.