Hoạt động của ngành

Du lịch Hoành Bồ: Tạo sức bật từ các giá trị văn hóa

Cập nhật: 23/05/2019 08:41:59
Số lần đọc: 1369
Huyện Hoành Bồ đến nay còn lưu giữ khá đậm nét các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn. Trong lộ trình phát triển của mình, các giá trị văn hóa trên đã và đang được địa phương sử dụng làm chất liệu quý để phát triển ngành “công nghiệp không khói”.


Núi Mằn (thôn Đá Trắng, xã Thống Nhất) được Bộ VH,TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 2014. (Ảnh UBND huyện Hoành Bồ cung cấp)

Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hoành Bồ, cho biết: Hiện Hoành Bồ có 39 điểm di tích; trong đó 1 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 7 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 31 di tích nằm trong danh sách kiểm kê di tích của tỉnh. Ngoài ra, huyện còn có nhiều di tích là phế tích hoặc di tích đang bị vùi lấp chưa được phát hiện. Hoành Bồ cũng còn các vùng quần, tụ cư lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số, lưu truyền văn hóa truyền thống độc đáo, trong đó tiêu biểu nhất là Khu Bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y (xã Bằng Cả).

Xác định các điểm di tích, văn hóa truyền thống là tài nguyên để phát triển du lịch, thời gian qua, Hoành Bồ đã tập trung nguồn lực để bảo tồn, gìn giữ, phát huy. 5 năm gần đây, huyện đã chi ngân sách gần 30 tỷ đồng, huy động xã hội hóa trên 50 tỷ đồng đầu tư cho các điểm di tích. Qua đó, gần 100% các điểm di tích chính được đầu tư tôn tạo, có những công trình điểm nhấn; như: Xây mới Đền thờ Tiến sĩ Vũ Phi Hổ giai đoạn 1 (gần 20 tỷ đồng); tôn tạo, sưu tầm hiện vật di tích, danh thắng núi Mằn - đền Bạch Mã (2,5 tỷ đồng); nâng cấp đình Trới (3,9 tỷ đồng)...

Nguồn vốn xã hội hóa chủ yếu dành cho các điểm di tích chùa, miếu. Riêng dự án công trình chùa Quýt, UBND tỉnh duyệt tổng giá trị đầu tư là 46 tỷ đồng, chùa Vân Phong 20 tỷ đồng; cả hai công trình đều 100% vốn đầu tư từ nguồn xã hội hóa. Hai công trình này hiện đã huy động được trên 10 tỷ đồng để xây dựng đường lên chùa và các hạng mục liên quan.

Đặc biệt, đối với Khu Bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y (xã Bằng Cả), 5 năm gần đây, huyện đã dành ngân sách 4 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục bổ sung, duy trì các lễ hội truyền thống. Tại đây những nghi thức có tính chu kỳ cuộc đời con người như: Lễ cấp sắc, cưới hỏi, ma chay… được bảo tồn và sân khấu hóa, mang đến rất nhiều thú vị cho du khách khi đến đây. Từ mô hình Khu Bảo tồn này, Hoành Bồ đang nhân rộng, khôi phục nét văn hóa truyền thống của một số bản, làng của người dân tộc thiểu số khác trên địa bàn, trở thành “bảo tàng sống” của các dân tộc.

Với nền tảng giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể nói trên, từ năm 2016, huyện Hoành Bồ đã đưa vào khai thác 2 tuyến du lịch. Tuyến 1 là tuyến du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh; bao gồm các điểm: Quần thể di tích núi Mằn, đền thờ Vũ Phi Hổ, chùa Yên Mỹ, đình Trới, kết hợp khu trồng rau, hoa chất lượng cao. Tuyến 2 là tuyến du lịch sinh thái với các điểm đến: Khu Bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y (xã Bằng Cả), khu căn cứ kháng chiến chống Pháp Bằng Cả, kết hợp với Thiên đường hoa Quảng La, trang trại hoa lan, ổi, khu rừng lim Triệu Tài Cao và trải nghiệm làm rượu Bâu. Cả 2 tuyến du lịch này hiện đều thu hút du khách, được khai thác khá hiệu quả.

Từ các chất liệu văn hóa này, du lịch Hoành Bồ thêm màu sắc, độc đáo và riêng có, tăng sức hút đối với du khách. Nếu trước đây huyện gần như không có dấu ấn trong bản đồ du lịch của tỉnh, thì những năm gần đây đã thu hút hàng chục nghìn lượt du khách mỗi năm; riêng năm 2018 là 20.000 lượt (10.000 lượt du khách lưu trú qua đêm, 5.000 lượt du khách quốc tế), tăng 40% so với năm trước đó.

Ông Tô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ, cho biết: Văn hóa đã, đang và sẽ là nền tảng, sức bật của du lịch Hoành Bồ. Cùng với các thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng như Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, các mô hình nông nghiệp sạch, các giá trị văn hóa sẽ là chất liệu giúp ngành Du lịch của địa phương từng bước sánh vai với các vùng trọng điểm du lịch của tỉnh.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục