Hoạt động của ngành

Du lịch làng nghề: Góp phần bảo tồn nghề truyền thống ở Bình Định

Cập nhật: 23/03/2021 09:11:21
Số lần đọc: 831
Du lịch làng nghề đang được ngành chức năng và du khách quan tâm. Ở Bình Định tuy lĩnh vực này chưa phát triển mạnh nhưng đã bắt đầu góp phần vào việc bảo tồn nghề truyền thống.


Làng bí đao Mỹ Thọ - một điểm đến tham quan, chụp ảnh lý tưởng cho du khách khi bí đao rộ trái.

Các làng nghề ở Bình Định được ngành Du lịch định hướng để phát triển du lịch có thể kể đến: Rượu Bàu Đá ở thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc; tiện gỗ mỹ nghệ ở xã Nhơn Hậu - TX An Nhơn; nón ngựa Phú Gia ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát; bún số 8, bánh tráng Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn hay làng nghề trồng bí đao ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ.

Ở làng nón ngựa Phú Gia hiện còn 150 hộ làm nghề, riêng cơ sở làm nón ngựa của ông Đỗ Văn Lan được xem là nơi còn lưu giữ và phát triển mạnh về nghề làm nón. Năm nay, ông 73 tuổi nhưng gắn bó với nghề đã hơn 55 năm, gia tộc họ Đỗ đã sang đời thứ 5 gìn giữ nghề này. Theo ông Lan, nón ngựa Phú Gia hình thành hơn 300 năm. Song đến nay, sản phẩm này vẫn giữ được chất riêng vốn có, đặc biệt là những mẫu hoa văn: Long lân quy phụng, mai lan cúc trúc hay hoa mai. 

Để làng nghề nón ngựa Phú Gia trở thành điểm đến tham quan quen thuộc của du khách, ông Lan cho rằng: Ngoài việc cải tiến, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, nhân dân làng nghề mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư, mở rộng đường giao thông dẫn về làng nghề; xây dựng nhà trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm để thương hiệu nón ngựa Phú Gia phát triển xứng tầm.

Trong khi đó, ở làng rượu Bàu Đá yếu tố cổ truyền trong việc chưng cất, nấu thủ công tạo hương vị riêng và làm nên danh tiếng cho sản phẩm. Hiện nay, rượu Bàu Đá, trở thành một món quà khó thiếu với du khách về thăm Bình Định. Ông Lê Văn Thưởng, Chủ tịch Hiệp hội rượu Bàu Đá tỉnh, cho biết: “Hiện nay, làng nghề còn có 33 hộ nấu rượu Bàu Đá theo phương thức thủ công truyền thống. Bên cạnh việc nỗ lực giữ gìn làng nghề truyền thống, nâng cao chất lượng rượu thì nơi đây đang hướng đến phát triển du lịch cộng đồng, giúp làng nghề được biết đến nhiều hơn và xúc tiến đầu ra cho sản phẩm”. 

Cụ thể, chính quyền địa phương đang đầu tư xây dựng lại nhà thờ tổ để tưởng nhớ công ơn của vị tổ sư đã nấu rượu và truyền lại nghề cho con cháu đời sau. Đây là địa điểm tham quan khi khách khu lịch đến với làng truyền thông rượu Bàu Đá. Những con đường chính dẫn vào làng cũng được chính quyền địa phương quan tâm mở rộng, đúc bê tông. Chưa kể, trước đó, Sở Du lịch đã đến làng nghề để khảo sát, tính đến mở tour du lịch theo hình thức homestay. 

Khi tôi đến thăm, khoảng 30 hộ dân ở làng trồng bí đao Mỹ Thọ đã xuống giống trồng bí cho vụ mùa năm 2021. Ông Trương Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ, chia sẻ: Ba năm gần đây, làng nghề này trở thành điểm đến lý tưởng cho khách du lịch đến chụp ảnh, mua sản phẩm và thưởng trà bí đao. Năm nay cũng không ngoại lệ, bởi hiện nay, Công ty Du lịch Bình Long đã lên chương trình hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, phối hợp với người trồng thiết kế các tour phục vụ khách du lịch khi bí đao bắt đầu rộ trái (tháng 4 đến tháng 5).

Theo Sở Du lịch, toàn tỉnh có 67 làng nghề, trong đó đã công nhận 38 làng nghề đạt tiêu chí theo quy định của UBND tỉnh về việc quy định công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh và 8 làng nghề đạt tiêu chí theo quy định của Bộ NN&PTNT về lựa chọn những đối tượng đủ tiêu chuẩn để UBND tỉnh quyết định. Hiện nay, Sở Du lịch đang phối hợp với các ngành triển khai đề án thí điểm phát triển du lịch làng nghề truyền thống tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân về phát triển du lịch dựa vào cộng đồng; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với việc giới thiệu các làng nghề, sản phẩm thủ công làng nghề, đầu tư phát triển các tuyến, điểm du lịch hiện có; xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống… là những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được các ngành đẩy mạnh trong thời gian đến.

Bài, ảnh: TRỌNG LỢI

 

Nguồn: Báo Bình Định

Cùng chuyên mục