Du lịch miền núi Quảng Ngãi: Cần đánh thức tiềm năng
Thác Lụa ở huyện Sơn Tây được công nhận di tích cấp tỉnh. Ảnh: Nhân Hiếu
Quảng Ngãi có 6 huyện miền núi và 3 xã miền núi thuộc các huyện đồng bằng có nhiều thế mạnh về du lịch, nhất là phát triển du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, tâm linh. Khu vực này có nhiều cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ, các suối nước nóng, thác nước và nhiều di tích lịch sử cách mạng, đặc sản thiên nhiên ưu đãi...
Nói đến huyện miền núi Trà Bồng, những ai từng đến đây đều ngỡ ngàng trước nhiều cảnh đẹp, cùng khí hậu vô cùng mát mẻ. Đây là điều kiện thích hợp để địa phương phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Trong đó, điểm nhấn là núi Cà Đam vẫn giữ được sinh cảnh tự nhiên khá nguyên sơ, với những khu rừng nguyên sinh, hệ thực vật phong phú, cùng nhiều loài động vật quý hiếm. Trà Bồng còn có nhiều thác đẹp như thác Ba Tầng ở núi Cà Đam, suối Trà Bói. Ngoài ra, nơi đây còn có nguồn nước khoáng nóng Thạch Bích, mỏ nước nóng xã Trà Bình, điểm du lịch tâm linh điện Trường Bà... Đây là những tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch không phải địa phương nào cũng có được.
Nhiều năm qua, huyện Trà Bồng đã có nhiều chính sách kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, nhiều dự án đã được phê duyệt như dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Cà Đam. Một số nhà đầu tư cũng đã khảo sát để có hướng đầu tư phát triển du lịch tại khu khoáng nóng xã Trà Bình... Tuy nhiên, tất cả vẫn còn ở giai đoạn quy hoạch hay khảo sát đầu tư.
Còn tại huyện miền núi Ba Tơ có di tích quốc gia Trường Lũy Quảng Ngãi; hệ thống sông, suối với nhiều điểm đến rất đẹp như hồ chứa nước Tôn Dung (thị trấn Ba Tơ); thảo nguyên Bùi Hui (xã Ba Trang); thác Lệ Trinh, thác Tà Manh, thác Cao Muôn; rừng tự nhiên ở núi Cao Muôn... Đặc biệt, Ba Tơ có An toàn khu, Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ... Tuy nhiên, tiềm năng du lịch ở đây cũng chưa phát huy, nên chưa thu hút được nhiều khách tham quan.
Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Trung Triết cho biết: Huyện đã và đang thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, kêu gọi, quảng bá du lịch, ban hành quy chế quản lý du lịch tại các địa bàn có tiềm năng, tu bổ các di tích văn hóa lịch sử đã xếp hạng, khôi phục làng nghề truyền thống. Đồng thời, chú trọng đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông và cơ sở hạ tầng du lịch ở các điểm di tích và thắng cảnh nhằm phát triển du lịch tại địa phương.
Không chỉ hai địa phương trên, mà hầu hết các huyện miền núi trong tỉnh mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng hoạt động du lịch còn "dậm chân tại chỗ". Thác Trắng ở huyện Minh Long hay Suối Chí đã có doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch, tuy nhiên hạ tầng du lịch tại đây cũng chưa hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu du khách. Sơn Tây có nhiều thắng cảnh đẹp, hàng chục con suối, ngọn thác đẹp hoang sơ, thác Lụa mới đây được công nhận di tích cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Võ Thìn, cảnh đẹp của Sơn Tây vẫn chưa phát huy giá trị. Nguyên nhân là do giao thông cách trở và nguồn lực đầu tư còn hạn chế nên việc kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch còn gặp khó.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Phương Hoa cho hay: Tiềm năng lớn, nhưng việc đầu tư, khai thác du lịch miền núi mới chỉ là bước khởi đầu. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã nhìn thấy tiềm năng, nhưng cũng chưa thực sự mặn mà. Để phát triển du lịch tại địa bàn này không phải một sớm một chiều, mà chính quyền địa phương cần có chiến lược phát triển và đầu tư đồng bộ hơn, nhất là về hạ tầng giao thông, các dịch vụ đi kèm và kết nối được chuỗi du lịch. Quan trọng hơn cả là phải có giải pháp thu hút nhà đầu tư có tiềm năng để đủ lực xây dựng được sản phẩm du lịch có chất lượng cao và tính cạnh tranh nổi trội, liên kết giữa các điểm du lịch trong tỉnh và liên tỉnh, để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
TRÍ PHONG