Du lịch Nam Định nỗ lực vượt qua một năm đầy biến động
Lễ hội Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) thu hút đông du khách đến tham quan, dâng hương.
Ảnh: Viết Dư
Trong giai đoạn dịch COVID-19 cao trào, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) đặt nhiệm vụ ưu tiên là nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh của các doanh nghiệp, các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, các khu, điểm du lịch trên địa bàn. Ngành Du lịch tỉnh đã chủ động phối hợp với Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh (PA01) khảo sát thực tế, tổng hợp thông tin về tình hình khách nước ngoài tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh; đồng thời tham mưu với UBND tỉnh về việc lựa chọn cơ sở lưu trú phục vụ cách ly phòng chống dịch. Khi dịch COVID-19 cơ bản được khống chế, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tích cực thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, quảng bá thương hiệu, từng bước phục hồi hoạt động du lịch phù hợp với tình hình mới. Tháng 7-2020, Sở VH, TT và DL đã tổ chức Lễ phát động kích cầu du lịch tỉnh hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Nằm trong chuỗi các hoạt động kích cầu du lịch nội địa, Sở VH, TT và DL phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Diều Việt Nam tổ chức Liên hoan Diều toàn quốc lần thứ I năm 2020. Liên hoan thu hút 60 câu lạc bộ Diều của 40 tỉnh, thành phố với hơn 500 hội viên; trong đó có 34 câu lạc bộ Diều với hơn 300 cánh diều dự thi. Sở VH, TT và DL phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng lựa chọn sản phẩm du lịch tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”. Năm 2020, ngành Du lịch có 2 sản phẩm gồm: Du lịch sinh thái Núi Ngăm, mô hình du lịch trải nghiệm đồng quê Ecohost Hải Hậu đạt hạng 3 sao cấp tỉnh. Bên cạnh các hoạt động kích cầu du lịch nội địa, Sở VH, TT và DL phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh của các cơ sở lưu trú, lữ hành, khu, điểm du lịch; qua đó chấn chỉnh, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ cơ sở kinh doanh du lịch. Cụ thể, năm 2020, ngành Du lịch đã tổ chức kiểm tra, thẩm định lại 12 khách sạn; trong đó có 3 khách sạn 3 sao, 6 khách sạn 2 sao, 3 khách sạn 1 sao; ban hành 3 giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cho các công ty: Du lịch Long Việt, Việt Sao, Du lịch và thương mại Đông Thành Nam. Đến nay, toàn tỉnh có 666 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó có 387 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch với 5.617 buồng, phòng; 30 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; 249 cơ sở kinh doanh dịch vụ, trong đó có 220 cơ sở ăn uống. Qua việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước về du lịch cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác du lịch và các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ lao động trong ngành Du lịch của tỉnh, đã cấp và đổi thẻ đối với 25 hướng dẫn viên du lịch; trong đó có 10 thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa, 15 thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế.
Liên hoan Diều toàn quốc lần thứ I năm 2020 tại Nam Định nằm trong khuôn khổ chương trình kích cầu du lịch "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam".
Ảnh: Hoàng Anh
Công tác tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng các khu, điểm du lịch được triển khai trên các website của Sở VH, TT và DL, qua các phương tiện thông tin đại chúng. Năm 2020, ngành Du lịch tỉnh phối hợp với Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) sản xuất chương trình “S Việt Nam - Chào Thế giới” quảng bá một số đặc sản của địa phương như: Nem nắm Giao Thủy, mắm cáy Hoành Nha, bánh chưng bà Thìn, bánh nhãn Hải Hậu...; một số làng nghề như: Làng rối nước Hồng Quang (Nam Trực), làng nghề nón lá Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng), làng kèn đồng Phạm Pháo (Hải Hậu); phối hợp với Ban Đối ngoại (Đài Truyền hình Việt Nam) thực hiện chương trình phim “Nhịp đập Việt Nam” quảng bá các làng nghề truyền thống của tỉnh như: Rối nước làng Rạch, làng nghề khăn xếp Giáp Nhất (Nam Trực)… Các sản phẩm du lịch của tỉnh như du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng biển, du khảo đồng quê, du lịch làng nghề... được định hình rõ nét hơn. Công tác tổ chức lễ hội được Sở VH, TT và DL, các địa phương thực hiện nền nếp; đưa nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống đặc sắc của địa phương vào tổ chức, tạo ấn tượng đẹp với du khách; qua đó nâng cao số lượng du khách đến tỉnh và doanh thu từ hoạt động này. Nhờ đó năm 2020, tổng lượng khách tới các điểm tham quan du lịch của tỉnh ước đạt 1 triệu 430 nghìn lượt, bằng 54% so với năm 2019. Khách tham dự lễ hội và tham quan di tích lịch sử - văn hóa chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu khách, đạt 860 nghìn lượt (chiếm 60,2% tổng lượng khách). Khách du lịch đến các khu du lịch sinh thái, du lịch biển đạt 360 nghìn lượt người (chiếm 25,2% tổng lượng khách). Khách công vụ, thăm thân kết hợp du lịch đạt 210 nghìn lượt người (chiếm 14,6% tổng lượng khách). Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 415 tỷ đồng, bằng 52% so với năm 2019. Trong đó, doanh thu ăn uống và lưu trú đạt 249 tỷ đồng (chiếm 60% tổng doanh thu), doanh thu từ khách lễ hội, mua sắm đạt 104 tỷ đồng, doanh thu lữ hành, vận chuyển đạt 62 tỷ đồng.
Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường).
Ảnh: Chu Thế Vĩnh
Năm 2021, du lịch tỉnh hứa hẹn có nhiều chuyển biến tích cực với trọng tâm là các hoạt động hưởng ứng năm Du lịch quốc gia Ninh Bình như: Tuần Văn hóa du lịch năm 2021; Lễ Kỷ niệm 5 năm UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”; Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản); Khai trương mùa du lịch biển năm 2021; biên soạn, in bản đồ du lịch tỉnh và xuất bản cuốn “Cẩm nang Du lịch Nam Định”… Thông qua các sự kiện được tổ chức, ngành Du lịch tỉnh tăng cường quảng bá, giới thiệu về “Nam Định - điểm đến an toàn, thân thiện”; xây dựng các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, hấp dẫn, thu hút ngày càng đông du khách đến vùng đất “Địa linh nhân kiệt”./.
Hoàng Anh