Hoạt động của ngành

Du lịch nghỉ dưỡng: Sản phẩm cần hướng đến của Thừa Thiên Huế

Cập nhật: 24/09/2020 13:47:42
Số lần đọc: 845
Đã là xu hướng của khách du lịch, qua dịch bệnh lần này càng chứng minh, du lịch nghỉ dưỡng là sản phẩm tương lai mà Huế phải tập trung để phát triển.

Đạp xe là hình thức rèn luyện sức khỏe trong mỗi chuyến nghỉ dưỡng

Du lịch sức khỏe và an toàn

Tháng 7/2020, Huế đón được khoảng 9.000 - 10.000 lượt khách lưu trú vào dịp cuối tuần; trong đó, hơn 1/2 lượng khách là chọn lưu trú ở các điểm nghỉ dưỡng, các điểm vui chơi, giải trí tắm suối có lưu trú qua đêm.

Sở Du lịch phân tích, vào thời điểm tháng 6 và tháng 7/2020, nhất là vào dịp cuối tuần, các resort, điểm nghỉ dưỡng trong tỉnh đều đạt công suất rất cao. Điều này phản ánh đúng dự báo trước đó về nhu cầu du lịch của du khách sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Những trải nghiệm mà du khách ưu tiên nhất trong kỳ nghỉ lần lượt là nghỉ dưỡng, khám phá ẩm thực, vui chơi giải trí, hoạt động thể thao, mua sắm và cuối cùng là tâm linh. Trong đó, khu nghỉ dưỡng ven biển được đa số du khách lựa chọn cho kỳ nghỉ với 67,2%, tiếp đó là các điểm du lịch nổi tiếng, khu nghỉ dưỡng trên núi, khu du lịch sinh thái, điểm du lịch gần nhà và điểm du lịch cộng đồng.

“Dịch bệnh khiến nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng càng tăng mạnh hơn. Những chuyến nghỉ dưỡng dài ngày sau quãng thời gian căng thẳng chống dịch, giúp du khách tái tạo lại năng lượng, nâng cao sức khỏe; mặt khác, các điểm nghỉ dưỡng thường hướng về thiên nhiên, nằm tách biệt với xung quanh, tiêu chí an toàn luôn đạt ở mức cao khi khách chọn lưu trú ở các điểm nghỉ dưỡng”, ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch đánh giá.

Du lịch nghỉ dưỡng là tương lai của mỗi điểm đến

Các con số từ Google Việt Nam thống kê càng chứng minh nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng tăng mạnh, khi lượt tìm kiếm trên google trong thời điểm từ tháng 5 - 7/2020 liên quan đến du lịch biển, gắn với nghỉ dưỡng đã tăng gấp đôi so với trước đó; lượng tìm kiếm liên quan tới các công viên, vườn quốc gia cũng đã tăng thêm 25% và Huế là một trong 10 điểm đến được tìm kiếm nhiều về nhu cầu nghỉ dưỡng.

Chi phí cho một kỳ nghỉ dưỡng ở các resort thường rất cao, nên đây được xác định là dòng khách hạng sang. Theo bà Lê Thị Dạ Lam, Tổng Quản lý Khu nghỉ dưỡng Làng Hành Hương và Vedana Lagoon, trung bình một chuyến lưu trú nghỉ dưỡng của khách là khoảng 2,7 ngày. Trước đây, nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng tập trung vào khách quốc tế, lứa tuổi từ trung niên trở lên. Hiện nay, nhu cầu đang có sự chuyển dịch khi khách Việt Nam có nhu cầu nghỉ dưỡng nhiều hơn, dòng khách trẻ tuổi cũng tăng về số lượng. Đặc biệt, trong giai đoạn tháng 6 đến giữa đầu tháng 7 vừa qua, công suất sử dụng phòng ở Vedana Lagoon là 80%, đó là con số vượt kỳ vọng của resort, dù trước đó dự báo con số thấp hơn nhiều.

Đại diện Laguna Lăng Cô cũng thông tin, lượng khách nghỉ dưỡng trong giai đoạn trước đợt dịch lần hai cũng đạt con số tương đương như năm 2019, dù resort không có khách quốc tế. Dịch bệnh kéo dài mấy tháng, Laguna Lăng Cô đã cố gắng duy trì nhân viên để giữ gìn và bảo vệ cảnh quan trong khuôn viên khu nghỉ dưỡng của mình.

Phát huy lợi thế

Một lợi thế của Huế được khẳng định hơn thông qua dịch bệnh là du lịch kết hợp với chăm sóc sức khỏe. Những chuyến nghỉ dưỡng dài ngày, kết hợp điều trị một số bệnh lý, như đau xương khớp, tim mạch, huyết áp… ở suối khoáng nóng; hay tại các resort ven biển, đầm phá, kết hợp những khóa thiền, yoga… được lựa chọn nhiều.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe có doanh thu lên đến 100 tỷ USD/năm. Với mong muốn khỏe, trẻ, đẹp hơn và có cuộc sống thoải mái nên xu hướng du lịch chăm sóc bản thân ngày càng được ưa chuộng. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng của thị trường nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe tăng trưởng cao hơn mức trung bình so với toàn ngành nói chung.

Giới du lịch đánh giá, hậu COVID-19, xu hướng này chắc chắn sẽ lan rộng hơn và thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Trong bối cảnh đó, sự chủ động có những giải pháp là điều cần phải làm với Huế khi sự cạnh tranh về điểm đến về nghỉ dưỡng ngày càng lớn hơn.

“Ở Huế có Alba Thanh Tân và sắp đến là Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Mỹ An đi vào hoạt động với loại hình nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, cùng với những resort đã được vận hành nhiều năm qua; những resort, điểm nghỉ dưỡng đang thu hút đầu tư và triển khai ở Thuận An, Vinh Thanh, Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô… là những lợi thế đang có, sẽ là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng có tính đối trọng, bổ sung cho du lịch văn hóa - di sản”, ông Lê Hữu Minh nhấn mạnh.

Điều đáng mừng là, trong “tâm dịch”, khó khăn gây ra cho doanh nghiệp vô cùng lớn, các chủ đầu tư vẫn quyết định nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ. “Với quan điểm “trong nguy có cơ”, chúng tôi đã thực hiện “cú hích” mới khi đổi tên Ana Mandara Huế thành Lapochine Beach Resort. Đây là một quyết định nâng cấp thương hiệu cho khu nghỉ dưỡng đúng lúc và rất cần thiết, để kích cầu cho resort sau đại dịch COVID-19. Rất nhiều dịch vụ và sản phẩm mới được thiết kế, kỳ vọng trở thành một điểm an toàn, mới mẻ của du khách trong và ngoài nước; mang đến sự lựa chọn đa dạng cho du khách, kết hợp hài hòa giữa trải nghiệm đại dương khoáng đạt và phong cách kiến trúc cổ điển Đông Dương”, bà Phạm Thị Vân Hà, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TNG Holdings Vietnam, chủ đầu tư resort kỳ vọng.

Phát biểu tại buổi ra mắt thương hiệu Lapochine Beach Resort, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, Ana Mandara Huế đã đặt dấu ấn quan trọng về điểm nghỉ dưỡng tại Thuận An hơn 10 năm qua, song việc thay đổi thương hiệu thành Lapochine Beach Resort với sự đầu tư bài bản từ Tập đoàn TNG Holdings Vietnam đang tiếp thêm một sinh khí mới cho Thuận An và Thừa Thiên Huế. Với những đầu tư có tính bài bản, chuyên nghiệp như thế, sẽ góp phần cho Huế phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Trung Công, Giám đốc Điều hành iVIVU cho rằng, cảnh đẹp của Huế nói riêng và Việt Nam nói chung không thua kém bất kỳ nước nào trên thế giới. Ngoài cảnh đẹp thiên nhiên, cơ sở lưu trú tại Việt Nam cũng rất đa dạng. Điều cần có của mỗi điểm đến nữa khi muốn phát triển du lịch nghỉ dưỡng là bên cạnh thu hút những thương hiệu trong nước, như Vinpearl, Sun Group, FLC, BRG... Đặc biệt là thu hút được những thương hiệu mang chuẩn mực dịch vụ quốc tế như Novotel, Movenpick, Melia, The Anam, Victoria, Anantara...

Bài, ảnh: Đức Quang

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục