Hoạt động của ngành

Long Khánh A (Đồng Tháp): Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch địa phương

Cập nhật: 24/09/2020 13:23:44
Số lần đọc: 1839
Những năm qua, với tiềm năng, địa thế thuận lợi về phát triển du lịch (DL), Đảng ủy, UBND xã Long Khánh A (huyện Hồng Ngự) luôn xác định DL là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh và huyện, các điểm tham quan DL của xã cù lao dần trở thành điểm đến hấp dẫn đông đảo khách tham quan.

Hàng năm, Bãi tắm cồn Long Khánh đón hàng ngàn lượt khách

Long Khánh A có địa thế nằm dọc theo sông Tiền, hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, các tuyến đường nông thôn được đan hóa, tạo điều kiện đi lại lưu thông trao đổi hàng hóa dễ dàng. Bên cạnh đó, xã có nhiều điểm DL, DL trải nghiệm hấp dẫn với cảnh quan thiên nhiên phong phú và nhiều nét văn hóa, lịch sử đặc sắc. Đây là những điều kiện thuận lợi giúp địa phương phát triển các loại hình DL. Theo UBND xã Long Khánh A, toàn xã hiện có 12 căn nhà cổ niên đại từ 80 đến trên 100 năm tuổi, với nhiều nét kiến trúc nghệ thuật rất độc đáo; 1 di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia (Đình Long Khánh) và 1 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh (Long Khương Miếu).

Đặc biệt, Làng nghề dệt choàng ở ấp Long Tả có truyền thống lâu đời trên 100 năm tuổi. Với khoảng 50 hộ theo nghề dệt khăn choàng truyền thống, làng nghề nơi đây không chỉ duy trì hoạt động để bảo tồn cũng như quảng bá sản phẩm của làng nghề, mà còn tham gia làm DL. Các hộ cũng cách tân biến khăn choàng thành các sản phẩm mới như: áo dài, túi đựng đồ... Làng nghề dệt choàng còn được UBND tỉnh, UBND huyện Hồng Ngự hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày và cầu tàu tại làng nghề để phục vụ khách tham quan bằng đường thủy. Từ đó thu hút khách DL trong và ngoài nước tìm đến tham quan, trải nghiệm.

Bên cạnh Làng nghề dệt choàng, Bãi tắm cồn cũng là một điểm đến hấp dẫn du khách mỗi dịp cuối tuần hay những ngày nghỉ lễ, Tết. Bãi tắm cồn Long Khánh A là một bãi cồn cát nổi với nền cát vàng, mang nét đẹp hoang sơ, nằm trải dài hàng chục hecta cặp sông Tiền. Hàng năm, nơi đây đón hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến tắm, vui chơi và thưởng thức ẩm thực đặc sản địa phương. Quan tâm hỗ trợ phát triển DL của xã Long Khánh A, Huyện ủy, UBND huyện đã chủ động tìm giải pháp liên kết khai thác, phát triển các loại hình văn hóa, lịch sử, làng nghề, bãi tắm cồn, nghỉ dưỡng và DL trải nghiệm, ẩm thực cũng như nền văn hóa sông nước miệt vườn của xã cù lao.

Đến nay, địa phương đã kết nối với tàu DL quốc tế tour sông Mê Kông dừng chân trải nghiệm tại cồn cát Long Khánh và Làng nghề dệt choàng. Qua đó góp phần thúc đẩy DL địa phương phát triển, đồng thời quảng bá hình ảnh DL của huyện nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung đến với du khách. Ông Võ Thanh Hùng, du khách đến từ TX.Tân Châu, tỉnh An Giang nói: “Vào những ngày cuối tuần, tôi và gia đình thường đến bãi tắm cồn Long Khánh để thư giãn, tắm mát. Đến đây, tôi thấy rất vui, nếu so với các bãi tắm biển, bãi cồn này không thể sánh bằng nhưng bù lại, không khí ở đây trong lành, thiên nhiên gần gũi tạo cảm giác yên bình hơn. Đặc biệt, những hộ làm DL nơi đây cũng giản dị, chất phát nên không có cảnh chặt chém du khách...”.

Theo thống kê của UBND xã Long Khánh A, từ năm 2015 đến nay, xã đón trên 240.000 lượt khách từ các nơi đến tham quan, DL, trong đó có trên 45.000 lượt khách quốc tế. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng các điểm tham quan, DL của địa phương cũng đã đón gần 45.000 lượt khách tham quan trong và ngoài tỉnh (có 4.449 lượt khách du khách quốc tế đến tham quan). Ông Trần Văn Ngoan – Chủ tịch UBND xã Long Khánh A cho biết: “Những năm gần đây, lĩnh vực DL phát triển đã góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư, góp phần vào xóa đói giảm nghèo. Đồng thời thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa các địa phương, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư và phát triển kinh tế của địa phương”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động DL vẫn còn một số hạn chế như: sản phẩm DL còn đơn điệu, chưa tạo sự đặc sắc với du khách; còn thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm để giữ chân khách, nhất là khu vui chơi, giải trí, mua sắm qua đêm; khách DL chủ yếu đến tham quan trong ngày, tắm cồn và ăn uống... Một số hộ tham gia kinh doanh DL còn yếu kỹ năng giao tiếp, ứng xử phục vụ khách DL, nhất là khách quốc tế. Ngoài ra, công tác quảng bá, truyền thông về DL của địa phương còn hạn chế, chưa liên kết được với các công ty DL lữ hành lớn..., nên DL của địa phương phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Định hướng để DL của địa phương phát triển trong thời gian tới, ông Trần Văn Ngoan – Chủ tịch UBND xã Long Khánh A cho biết thêm: “UBND xã sẽ tiếp tục kiến nghị UBND huyện hỗ trợ nguồn vốn để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ của địa phương để đưa vào các tuyến, điểm tham quan DL. Phát huy văn hóa phi vật thể, đặc biệt là thế mạnh văn hóa truyền thống của làng nghề và sự tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động DL trải nghiệm. Đa dạng, nâng chất lượng sản phẩm, dịch vụ DL hàng quà tặng, hàng đặc sản, các sản phẩm OCOP. Tiếp tục tạo điều kiện cho những người hoạt động DL trên địa bàn xã tham gia các lớp đào tạo, nâng cao kỹ năng giao tiếp, hướng đến xây dựng môi trường DL an toàn, thân thiện, phục vụ chuyên nghiệp và bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách...”.

LÊ THANH

Nguồn: Báo Đồng Tháp

Cùng chuyên mục