Hoạt động của ngành

Hòa Bình: Mường Bi phát triển du lịch cộng đồng bền vững

Cập nhật: 23/09/2020 14:54:35
Số lần đọc: 1116
Có nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đang tận dụng tối đa những lợi thế này để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ).


Thắng cảnh thác Trăng thuộc xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) thu hút đông đảo du khách trải nghiệm trên cung đường khám phá du lịch cộng đồng vùng đất cổ Mường Bi.

Vùng Mường giàu tiềm năng

Là người dân bản xứ, ưa thích khám phá và trải nghiệm những miền đất, nhưng chị Bùi Thị Vân ở khu 3, thị trấn Mãn Đức vẫn chưa thể đi được hết các địa điểm đẹp, danh lam, thắng cảnh vùng Mường Bi. Theo những gì chị Vân chia sẻ, nơi đây có vô vàn phong cảnh đẹp, những bản làng dân tộc giữ được vẻ hoang sơ, khung cảnh làng quê yên ả, thanh bình.

Tiêu biểu hơn cả là các động: Thác Bờ, Hoa Tiên, Nam Sơn đã được công nhận di tích cấp quốc gia. Hang Muối là di tích khảo cổ học cấp quốc gia và một số di tích cấp tỉnh, gồm: hang Núi Kiến, núi Cột Cờ, thắng cảnh thác Trăng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông. Ngoài ra, còn một số điểm tài nguyên như di tích quốc gia động Mường Chiềng, Mái đá Chiềng Khến (thị trấn Mãn Đức), hồ Trọng (xã Phong Phú), núi đá Phù Luông (xã Quyết Chiến, Ngổ Luông, Vân Sơn), di tích khảo cổ cấp quốc gia hang Bưng, xã Suối Hoa.

Đặc biệt, Tân Lạc là vùng đất cổ, cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình, 1 trong 4 vùng Mường lớn (Bi, Vang, Thàng, Động). Người dân nơi đây còn giữ được nhiều nét đặc sắc văn hóa Mường như ở nhà sàn, trang phục dân tộc, hát ru, Bọ Mẹng, hát đúm... cùng những tác phẩm nổi tiếng (Đẻ đất, đẻ nước; Tráng đồng) mang những nội dung tư tưởng sâu sắc, Mo Mường, chiêng Mường. Nhiều phong tục, tập quán vẫn được bảo tồn trong đám cưới, đám tang, trong đời sống sinh hoạt hàng ngày...

Đã hình thành những xóm, bản du lịch cộng đồng

Vài năm gần đây, DLCĐ tại Tân Lạc bắt đầu phát triển với 2 xóm, xóm Lũy Ải, xã Phong Phú và xóm Ngòi, xã Suối Hoa.

Cách quốc lộ 6 khoảng 1 km, điểm DLCĐ xóm Lũy Ải là mô hình tiên phong làm DLCĐ. Xóm có diện tích gần 1,5 km2, nằm trong thung lũng nhỏ với nhiều triền đồi bao quanh, có dòng suối Ải trong vắt và là địa bàn cư trú lâu đời của người Mường, có hơn 50 nhà sàn truyền thống nằm ven sườn đồi, gò đồi nhỏ. Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang đậm bản sắc của người Mường được lưu giữ. Xóm Ải còn có nhiều ruộng bậc thang trồng lúa nước, gần núi Cột Cờ (Khụ Dọi), thác Trăng, hồ Trọng, cùng nhiều địa điểm đẹp như động Hoa Tiên, vịnh Ngòi Hoa. Xóm được Bộ VH-TT&DL công nhận là 1 trong 20 xóm, làng truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người.

Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện có thêm 2 điểm DLCĐ mới là xóm Chiến - xã Vân Sơn, xóm Bưởi Cại - xã Phú Cường. Hiện có 4 điểm DLCĐ đi vào hoạt động, với hơn 10 hộ có nhà nghỉ homestay, thu hút và tạo việc làm cho khoảng trên 60 lao động địa phương. Trong đó, xóm Ải đã trở thành điểm du lịch chính nằm trong tuyến du lịch quốc lộ 6, tuyến du lịch liên vùng Tây Bắc đặc trưng. Một số xóm khác như: Chiềng, Tớn Trong, Lự - xã Vân Sơn, Bắc Thung - xã Quyết Chiến, Trăng Tà - xã Nhân Mỹ, Thăm - xã Suối Hoa cũng có nhiều tiềm năng phát triển thành điểm DLCĐ.

Để du lịch cộng đồng phát triển nhanh, bền vững

Có một thực tế là huyện vẫn chưa có sản phẩm DLCĐ thực sự hấp dẫn. Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các điểm DLCĐ còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông để phục vụ du lịch. Phát triển DLCĐ còn mang tính tự phát. Cộng đồng người dân tộc thiểu số được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động du lịch chưa nhiều.

Theo đồng chí Lê Chí Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện: Để DLCĐ có sự đột phá, tạo dấu ấn thu hút du khách nội địa, du khách quốc tế, huyện tập trung đa dạng hóa các sản phẩm DLCĐ, như: nghỉ tại nhà dân, trải nghiệm cuộc sống thôn xóm, tham gia các lễ hội văn hóa dân gian, tìm hiểu về văn hóa truyền thống địa phương. Trải nghiệm cuộc sống của nhà nông qua công việc đồng áng, trồng trọt, chăn nuôi và tham gia các hoạt động gieo trồng, thu hoạch nông sản theo mùa. Trecking tìm hiểu, khám phá hệ sinh thái. Đi bộ hoặc đi xe đạp quanh xóm, bản, thăm quan thác nước, cảnh quan xóm làng, ruộng lúa, trải nghiệm và tham gia vào các hoạt động thường nhật, dân dã của người Mường. Xây dựng những sản phẩm đồ lưu niệm và quà tặng du lịch, góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, khuyến khích chi tiêu, quảng bá hình ảnh du lịch hiệu quả.

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 21/7/2016 của BCH Đảng bộ huyện về phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với xây dựng NTM; Đề án phát triển DLCĐ huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhiều giải pháp nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị về phát triển du lịch được tích cực triển khai. Thông qua chương trình xây dựng NTM đã tập trung hỗ trợ sản phẩm DLCĐ tại điểm DLCĐ xóm Ngòi - xã Suối Hoa, xóm Bưởi Cại - xã Phú Cường, xóm Lũy Ải - xã Phong Phú. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch thông qua Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với chủ thể tham gia là các hộ dân, tổ hợp tác, xây dựng cảnh quan, khu vườn mẫu tại các điểm DLCĐ theo tiêu chí NTM.

Huyện phấn đấu đến năm 2025, xây dựng 12 điểm DLCĐ với 30 nhà nghỉ homestay, trong đó có 5 cơ sở đạt 2 sao trở lên. Số khách đến các điểm DLCĐ đạt 54.000 lượt, tăng khoảng 32.000 lượt so với năm 2019, doanh thu DLCĐ đạt trên 27 tỷ đồng. Đến năm 2030, 100% điểm DLCĐ tại địa phương đáp ứng các yêu cầu quy định về điểm du lịch địa phương. Xây dựng hình ảnh DLCĐ Tân Lạc trong vùng trung du miền núi Bắc Bộ.

 

Bùi Minh

Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục