Hoạt động của ngành

Cái Bè (Tiền Giang): Tận dụng lợi thế, khởi phát du lịch

Cập nhật: 23/09/2020 09:20:54
Số lần đọc: 974
Với nhiều lợi thế hiện hữu, du lịch Cái Bè được tỉnh Tiền Giang chọn là 1 trong 4 trung tâm du lịch để tập trung đầu tư, phát triển, cùng với khu du lịch cù lao Thới Sơn, biển Tân Thành và Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười.

Du khách tại bến tàu du lịch Cái Bè

Làng cổ, chợ nổi, các di tích lịch sử... là những đặc trưng riêng, tạo nên điểm nhấn khác biệt và gắn chặt với chủ trương phát triển du lịch của Cái Bè.

KHAI THÁC ĐẶC TRƯNG

Cùng với chợ nổi, du lịch Cái Bè còn gắn chặt với Làng cổ Đông Hòa Hiệp và nhiều nét đặc trưng khác. Đó là lý do vì sao Cái Bè trở thành một trong những trung tâm phát triển nhanh về du lịch của tỉnh.

Thực tế vừa qua cho thấy, huyện Cái Bè thu hút khá lớn lượng khách du lịch, đáng chú ý nhất là khách quốc tế và có xu hướng tăng dần qua mỗi năm. Điểm đặc biệt là huyện Cái Bè gần đây trở thành điểm dừng chân của nhiều đoàn khách quốc tế trên những chuyến du lịch xuôi dòng sông Mê Kông.

Trao đổi với chúng tôi trong dịp ghé Tiền Giang gần đây, bà Jolanda (quốc tịch Đức), Trưởng đoàn du khách Đức tàu Mê Kông Pandaw chia sẻ: “Thời gian qua, công ty của chúng tôi tại Thụy Sĩ đã đưa rất nhiều khách về Việt Nam và đến Tiền Giang để trải nghiệm tuyến du lịch trên dòng sông Mê Kông.

Được tham quan nhiều nơi của Tiền Giang nhưng điểm thích thú của đoàn chúng tôi là được dừng chân tại chợ nổi Cái Bè, Làng cổ Đông Hòa Hiệp, được nghe đàn ca tài tử trên sông và thích nhất vẫn là vườn cây ăn trái sum sê. Những gì mà chúng tôi cảm nhận được là sự hài lòng, vui vẻ và cảm thấy rất thú vị đối với những chuyến du lịch này”.

Cái Bè dần trở thành trung tâm phát triển du lịch.

Không gian nhà cổ được bao quanh bởi vườn cây ăn trái cũng là một trong những lợi thế đặc trưng của du lịch Cái Bè. Nhiều năm qua, người dân, ngành Du lịch của huyện không ngừng đầu tư, khai thác lợi thế này.

Trao đổi với chúng tôi gần đây, ông Phan Văn Đức (chủ nhà cổ Ba Đức) cho biết, những ngày bình thường trước đây nhà cổ của ông có thể đón trên 100 lượt khách đến tham quan. Riêng các dịp lễ hội, lượng khách đến tham quan và lưu trú ở nhà cổ tăng cao.

Với 15 phòng cho khách lưu trú hiện có, ông Đức chia sẻ, số lượng khách lưu trú lại nhà cổ tùy theo thời điểm, tập trung vào mùa đi du lịch của các nước, phần nhiều du khách đến từ châu Âu.

"Khi khách lưu trú lại, chúng tôi tổ chức thêm một số hoạt động như: Làm bánh xèo, chả giò để khách tự tay làm và thưởng thức hoặc đờn ca tài tử khi khách có nhu cầu. Giai đoạn trước dịch Covid-19, nhà cổ chủ yếu đón khách quốc tế đến tham quan, trong đó có khoảng 70% là khách có quốc tịch Pháp”- ông Đức cho biết.

Dựa vào lợi thế về nhà cổ, vườn cây trái, nhiều năm qua lãnh đạo huyện Cái Bè cũng đã tính toán, đầu tư, tôn tạo hạ tầng giao thông, nhà cổ, nhất là tập trung khai thác Lễ hội Văn hóa, Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần.

Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa lợi thế này, theo lãnh đạo huyện Cái Bè, cần nhìn một cách tổng thể hơn là Làng cổ Đông Hòa Hiệp còn có mối quan hệ mật thiết với nhiều nhà cổ lân cận thuộc xã Hòa Khánh và thị trấn Cái Bè.

Do đó, muốn bảo tồn và phát huy các ngôi nhà cổ, phục vụ tốt hơn mục tiêu phát triển du lịch và góp phần nâng cao đời sống người dân cũng cần thực hiện tốt Đề án Quy hoạch Làng cổ Đông Hòa Hiệp với diện tích 79,37 ha.

Bên cạnh đó, các nhà cổ thuộc sở hữu của người dân, do đó phải vận động hộ dân quản lý nhà cổ giữ nguyên hiện trạng, không làm thay đổi hiện trạng di tích; định kỳ trùng tu, bảo quản nhà cổ, chống hư dột, mối mọt.

HƯỚNG TỚI TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Xuất phát từ những yếu tố nội tại hiện nay, nhất là bài toán kinh tế do ngành Du lịch mang lại, để tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế thông qua tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch, tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp phát triển du lịch theo đặc điểm và phát triển vùng kinh tế của tỉnh.

Mục tiêu chính trong phát triển du lịch của tỉnh Tiền Giang là dựa trên yếu tố về vị thế và tiềm năng của từng vùng để tận dụng và khai thác du lịch một cách hợp lý.

Dựa trên mục tiêu này, ở vùng kinh tế - đô thị phía Tây, trong các năm qua tỉnh chọn Cái Bè làm động lực khởi phát với Lễ hội Văn hóa, Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp. Lễ hội này được nâng dần quy mô và cấp độ sau mỗi lần tổ chức, từ đó lan tỏa về hướng Cai Lậy qua cù lao Tân Phong.

ụ thể hóa các mục tiêu chung của tỉnh, Chương trình hành động 21 ngày 1-8-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cái Bè thực hiện Nghị quyết 11 ngày 5-4-2017 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã và đang được triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhờ đó, tiềm năng, lợi thế về du lịch trên địa bàn huyện Cái Bè tiếp tục được tập trung đầu tư, khai thác. Theo đó, huyện Cái Bè đã tập trung thực hiện Đề án Phát triển du lịch Cái Bè giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng 2025 và Đề án Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè.

Kết quả rõ nét nhất là cơ sở vật chất phục vụ du lịch trên địa bàn huyện được đầu tư khá mạnh; các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch có đa dạng, phong phú hơn, đặc biệt là việc tổ chức thành công các kỳ Lễ hội Văn hóa, Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp.

Những giải pháp này đã góp phần thúc đẩy lượng khách du lịch đến huyện Cái Bè ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2019, huyện Cái Bè đón trên 180 ngàn lượt khách du lịch, tăng 50% so với cuối năm 2015. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2020 lượng khách đến huyện Cái Bè giảm do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Trong chặng đường sắp tới, huyện Cái Bè vẫn xác định mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước thay đổi tư duy quản lý tạo ra sức hút mạnh mẽ trong đầu tư phát triển du lịch, tạo dựng hình ảnh thân thiện, chuyên nghiệp nhằm thu hút du khách...

Trong chiến lược phát triển chung của tỉnh Tiền Giang và địa phương cũng đặt ra mục tiêu xây dựng Cái Bè là huyện phát triển du lịch hàng đầu của tỉnh.

Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo huyện Cái Bè cho rằng, huyện cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển sản phẩm du lịch, liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng để phát huy hiệu quả, chú trọng công tác giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Cái Bè trong và ngoài nước.

Đồng thời, huyện Cái Bè sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển du lịch huyện Cái Bè giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Đề án Bảo tồn chợ nổi Cái Bè tạo điểm nhấn để phát triển du lịch đặc thù sông nước, nhất là phát huy vai trò Lễ hội Văn hóa, Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp để thu hút khách du lịch đến tham quan.

Nhiều dự án, công trình, tour, tuyến liên quan đến du lịch Cái Bè đã và đang được triển khai trong thời gian qua: Dự án Công viên trái cây Cái Bè; Đề án Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025, hiện đang kết nối với chợ lúa gạo Bà Đắc để khai thác và làm phong phú tour du lịch chợ nổi Cái Bè.

Ngoài ra, khu du lịch Cái Bè cũng tăng cường thực hiện liên kết tour, tuyến với các doanh nghiệp ở cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy), Bình Hòa Phước (tỉnh Vĩnh Long). Hiện có nhiều du thuyền phục vụ khách du lịch nghỉ qua đêm trên sông và đưa du khách di chuyển du thuyền trên sông Mê Kông đến TP. Cần Thơ, tỉnh An Giang, sang Campuchia và ngược lại...

ANH PHƯƠNG

Nguồn: Báo Ấp Bắc

Cùng chuyên mục