Hoạt động của ngành

Mù Cang Chải xây dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch

Cập nhật: 24/09/2020 11:00:44
Số lần đọc: 929
Hoạt động thương mại, dịch vụ, trọng tâm là phát triển dịch vụ du lịch ở Mù Cang Chải bước đầu đã có khởi sắc, dần hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái đang được xem là hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế du lịch của địa phương.

Với quan điểm phát triển du lịch trở thành một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện, nhằm tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo, đưa kinh tế phát triển bền vững, huyện Mù Cang Chải đã tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch gắn với Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang; chủ trương mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng các dịch vụ du lịch; chú trọng hướng dẫn, tạo môi trường và cơ chế để người dân làm du lịch, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Một số sự kiện, sản phẩm du lịch đã trở thành thương hiệu hấp dẫn khách du lịch trong nước, quốc tế. Quy mô, hình thức tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch ngày từng bước mở rộng, đổi mới, độc đáo, tạo điểm nhấn đặc trưng như: du lịch mùa nước đổ tháng 5, tháng 6; Lễ hội Khám phá Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang tháng 9, tháng 10; Festival Dù lượn "Bay trên mùa vàng”, "Bay trên mùa nước đổ”. 

Từ tài nguyên và lợi thế sẵn có, huyện tập trung quy hoạch các sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh vùng, địa phương như: du lịch chinh phục, khám phá đỉnh Púng Luông; thám hiểm rừng nguyên sinh Chế Tạo; du lịch mạo hiểm bay dù lượn trên đèo Khau Phạ. Sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh với quần thể Di tích lịch sử đèo Khau Phạ, tham quan bãi đá cổ tại xã Lao Chải; khôi phục và tái hiện các lễ hội truyền thống của người dân tộc phục vụ nhu cầu du lịch khám phá văn hóa của du khách với các lễ hội đặc sắc như: lễ hội múa khèn Mông, đám cưới Mông. 

Sản phẩm du lịch theo mùa và du lịch nông nghiệp - làng nghề, chú trọng tập trung phát triển các sản vật địa phương như: thổ cẩm, rượu thóc La Pán Tẩn, gạo Séng cù, nếp Tan Cao Phạ, sơn tra, tinh dầu cải, mật ong..., đưa các sản phẩm nông nghiệp địa phương trở thành các sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu Mù Cang Chải.

Trên thực tế, những năm gần đây, mạng lưới cơ sở thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đang từng bước được mở rộng, quy mô các khu vực buôn bán, kinh doanh tại thị trấn huyện, khu vực Ngã Ba Kim, Khao Mang, trung tâm xã Nậm Khắt. Năm 2020, toàn huyện có 710 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ, tăng 230 cơ sở so với năm 2015. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2000 đạt 355 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn đạt 21,9%/năm. 

Nhiều gia đình, bản người Mông ở Mù Cang Chải đã biết làm du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế từ dịch vụ du lịch tạo ra thu nhập ổn định. Lượng du khách đến với huyện tăng nhanh qua các năm, trung bình 100.000 lượt người/năm. 

Năm 2019, đạt trên 250.000 lượt, trong đó khách quốc tế 30.000 lượt; doanh thu từ du lịch đạt 95 tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần so với năm 2015. 

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 89 nhà nghỉ, homestay, tăng 30 nhà so với 2015 và 71 nhà hàng, quán ăn đáp ứng nhu cầu phục vụ trên 2.500 lượt khách/ngày. 

Thực hiện nhiệm vụ kép vừa kiểm soát dịch bệnh Covid-19 thành công vừa phục hồi mọi hoạt động kinh tế, xã hội với chủ đề "Mù Cang Chải - Bản sắc, An toàn - Thân thiện”, nhằm giới thiệu, tôn vinh, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di tích danh lam thắng cảnh trên địa bàn gắn với phát triển du lịch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tạo mối liên kết phát triển du lịch bền vững giữa các địa phương trong tỉnh và khu vực Tây Bắc, Lễ hội Khám phá Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm nay được huyện chủ động phối hợp sớm với các đơn vị triển khai tổ chức, rải đều trong tháng 9 và tháng 10 với nhiều hoạt động. 

Trong đó, Festival Dù lượn "Bay trên mùa vàng” năm 2020 bắt đầu bay từ giữa tháng 9 đến hết tháng 10 tại bản Lìm Thái, xã Cao Phạ; Giải Half Marathon Khám phá Mù Cang Chải tổ chức tại xã La Pán Tẩn; Hội thi gặt lúa nhanh, cày bừa giỏi tổ chức tại bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha; Lễ mừng cơm mới tổ chức tại đồi Mâm Xôi, xã La Pán Tẩn; tổ chức các tour du lịch tham quan, trải nghiệm, khám phá các điểm du lịch trên địa bàn như chinh phục đỉnh Tháp trời, đỉnh Lùng Cúng, thác Hấu Đề, thác Rồng, thác Mơ; trải nghiệm du lịch cộng đồng Ecolodge, cánh đồng Hoa hồng (Nậm Khắt); ngắm rừng sơn tra ở bản Lùng Cúng, xã Nậm Có; du lịch cộng đồng Bản Thái ở thị trấn Mù Cang Chải; ruộng bậc thang khu vực móng ngựa, rừng trúc Mồ Dề, trải nghiệm gặt lúa, cày bừa… 

Du lịch xanh và du lịch cộng đồng đang làm nên những sản phẩm du lịch đặc sắc mang thương hiệu Mù Cang Chải. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch. 

Theo đó, khuyến khích người dân bảo vệ rừng, trồng rừng, nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên; phát triển cây dược liệu dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng, chế biến một số loại cây dược liệu có giá trị và tạo cảnh quan du lịch như: sâm Hoàng Sin Cô, cỏ ngọt, đẳng sâm, sâm Ngọc Linh, đương quy, ý dĩ, trà vàng, nấm linh chi, lan kim tuyến, sa nhân, gừng, các loại hoa... 

Đẩy mạnh thực hiện mô hình sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đối với các sản phẩm: sơn tra, mật ong, gà xương đen, gạo nếp Tan Cao Phạ, gạo séng cù Khao Mang, lạc đỏ, ngô nếp bản địa Hồ Bốn, hoa hồng Nậm Khắt, rau sạch Mù Cang Chải, shè Shan tuyết Pú Cang, Púng Luông... 

Củng cố phát triển các sản phẩm tiểu thủ công, làng nghề truyền thống dân tộc Mông, Thái như: thổ cẩm, trang phục, nhạc cụ dân tộc, sản phẩm rèn, đúc, nấu rượu... Huyện chỉ đạo lập quy hoạch chi tiết các điểm du lịch, dịch vụ, vui chơi, giải trí khu vực thị trấn Mù Cang Chải, xã Púng Luông, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Nậm Khắt, Cao Phạ, Lao Chải, Chế Tạo; đẩy mạnh xây dựng bản du lịch mang đậm bản sắc dân tộc Mông; quản lý, khai thác hiệu quả Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; tiến tới thường niên tổ chức Festival dù lượn quốc tế tại Mù Cang Chải. 

Cùng với đó, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng có tính chất thường niên, như: du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm gắn với hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp của người dân; tổ chức sinh hoạt giới thiệu văn hóa đồng bào Mông gắn với hoạt động chợ phiên. Chú trọng đầu tư tạo cảnh quan tươi đẹp 4 mùa để hấp dẫn khách du lịch; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu về du lịch Mù Cang Chải; chủ động liên kết vùng trong thúc đẩy phát triển du lịch; quan tâm phát triển nhân lực có chất lượng phục vụ phát triển du lịch. Huyện phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng giá trị dịch vụ du lịch chiếm khoảng 50% tổng giá trị thương mại - dịch vụ trên toàn huyện; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 20,4 triệu đồng/người./.

Minh Thúy

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục