Du lịch ngoại thành Hà Nội có gì hấp dẫn?
Hà Nội là thành phố có bề dày văn hóa, lịch sử, hệ thống di sản, làng nghề đặc sắc phân bố khá đều ở cả khu vực nội thành, ngoại thành, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Song song phát triển du lịch khu vực nội đô, ngành du lịch thủ đô đang từng bước khai thác tiềm năng du lịch ngoại thành nhằm đa dạng hóa sản phẩm, phát triển bền vững và góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội địa phương.
Phong phú tài nguyên du lịch làng nghề
Phú Xuyên được mệnh danh là “đất trăm nghề”, với 154/154 làng có nghề.
Nằm ở phía Nam của TP. Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km, huyện Phú Xuyên được mệnh danh là “đất trăm nghề”, với 154/154 làng có nghề, trong đó 43 làng nghề được TP. Hà Nội công nhận và 112 di tích lịch sử được xếp hạng như: Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày xã Nam Triều, chùa Ráng xã Quang Lãng, cây Lộc vừng cứu quốc xã Chuyên Mỹ, đình Kim Quy xã Minh Tân, đình làng Đa Chất xã Đại Xuyên, đền thờ Công chúa Ả Lanh và Đại tướng Văn Bồng tại thị trấn Phú Xuyên...
Không chỉ vậy, huyện Phú Xuyên nổi tiếng với nhiều làng nghề thủ công truyền thống, trong đó có những làng nghề có lịch sử lâu đời như khảm trai Chuyên Mỹ, đồ mộc mỹ nghệ Đại Nghiệp, đan cỏ tế Phú Túc... Nhiều làng nghề mang nét đặc trưng cao như làng nghề đan cỏ tế, khảm trai sơn mài, làng nghề may mặc, thêu, cào bông, làng nghề sản xuất hương, làng nghề nặn tò he... Không chỉ tiêu thụ khắp trong Nam, ngoài Bắc mà sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề Phú Xuyên còn xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Phi, châu Mỹ...
Với tài nguyên du lịch văn hoá phong phú, Phú Xuyện hiện có 2 điểm du lịch đã được UBND TP. Hà Nội công nhận theo quy định của Luật Du lịch 2017 là điểm du lịch làng nghề khảm trai, sơn mài Chuyên Mỹ và điểm du lịch làng nghề may Vân Từ.
Làng hương Quảng Phú Cầu là địa điểm check-in thu hút khách du lịch.
Cùng nằm ở phía Nam của TP. Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 35km, làng hương Quảng Phú Cầu thuộc xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà gần đây đã trở thành địa điểm check-in nổi tiếng. Đây là làng nghề có lịch sử làm tăm hương truyền thống suốt hơn 1 thế kỷ. Đến nay làng tăm hương Quảng Phú Cầu vẫn tồn tại theo năm tháng và trở thành một trong những điểm du lịch khắc hoạ rõ nét văn hoá của làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Khi đến đây, du khách cần trả một chi phí nhỏ để được thoải mái vào chụp ảnh, check-in. Ngoài ra, tại đây còn cung cấp nhiều dịch vụ khác, như cho thuê áo dài, phụ kiện nón lá, quạt, thang xếp, ghế ngồi… phục vụ cho việc chụp ảnh của du khách.
Linh thiêng điểm đến tâm linh
Phong cảnh tại chùa Thầy dịp hoa gạo nở.
Cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 20km về phía Tây Nam, chùa Thầy nổi tiếng bởi nét đẹp cổ kính và sự huyền bí trong bố trí phong thuỷ. Chùa Thầy hay còn gọi là Thiên Phúc Tự nằm tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Xây dựng dưới thời vua Lý Nhân Tông (1066-1128), chùa Thầy được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2015. Ngôi chùa này gắn liền với vị thiền sư Từ Đạo Hạnh, người có công lớn trong việc dạy học, chữa bệnh cho dân và sáng lập ra bộ môn múa rối nước.
Nằm tựa đầu vào núi Phật Tích, Chùa Thầy là di tích mang lối kiến trúc độc đáo với nghệ thuật chạm khắc và hệ thống tượng pháp tiêu biểu. Chùa là một quần thể di tích và danh thắng với nhiều điểm tham quan thu hút khách du lịch. Ba tòa Tiền đường - Điện Phật - Điện Thánh được xếp hình chữ Tam nhìn từ ngoài vào tạo nên sự đồ sộ với rất nhiều cột kèo, trụ... Chùa còn có sự liên kết chặt chẽ với quần thể hang động tạo nên sự phong phú về loại hình trong các dịp lễ hội.
Công nhận điểm du lịch đối với Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy.
Không chỉ là một di tích, danh thắng nổi tiếng, chùa Thầy còn là di tích lịch sử cách mạng, cái nôi của phong trào cách mạng tỉnh Sơn Tây (cũ), nơi lưu dấu những kỷ niệm thiêng liêng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lịch sử Đảng bộ địa phương ghi lại, vào tối ngày 3/2/1947, Bác Hồ về nghỉ và làm việc tại ngôi nhà Tổ dưới chân chùa Một Mái nằm trong quần thể di tích chùa Thầy. Từ đó đến đầu tháng 3/1947, khu vực chùa Một Mái trở thành sở chỉ huy của Trung ương để Bác Hồ lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.
Hiện nay, trong Nhà lưu niệm Bác Hồ tại chùa Một Mái còn lưu lại nhiều kỷ vật của Người. Nhiều du khách trong và ngoài nước khi về tham quan thắng cảnh Chùa Thầy đã tới Nhà lưu niệm Bác Hồ để tìm hiểu lịch sử, cùng ôn lại truyền thống cách mạng bên các kỷ vật của Người.
Kim Nhung