Du lịch nông nghiệp, nông thôn: Tái khởi động đón khách
Du khách thích thú trải nghiệm các hoạt động du lịch nông nghiệp tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín).
Mở cửa nhưng khách... vẫn vắng
Xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) là điểm du lịch nông thôn tiêu biểu của thành phố Hà Nội. Hiện trên địa bàn xã có hơn 20 mô hình tham quan, trải nghiệm du lịch được đầu tư quy mô, bài bản và hàng trăm hộ gia đình tham gia vào hoạt động du lịch. Là một trong số hơn 20 mô hình đón khách tham quan của xã, ông Nguyễn Văn Tứ - Giám đốc Hợp tác xã hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân cho biết: Du khách tới đây được tham quan khu sản xuất, chế biến, đóng gói các loại trà thảo mộc như chùm ngây, kim ngân hoa; thăm khu ngâm ủ hơn 100 loại rượu quê với các loại thảo mộc; thăm mô hình trồng trọt, thu hái nông sản theo mùa... Kết thúc chuyến tham quan, du khách có thể chọn mua rất nhiều loại hoa, cây giống... Do có nhiều hoạt động du lịch phong phú nên khách tham quan, trải nghiệm du lịch ở Hồng Vân khá đông. Ước tính, khi chưa có dịch Covid-19, mỗi năm Hồng Vân đón khoảng 7 vạn du khách, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt hơn 10 tỷ đồng.
Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có lúc du lịch đã phải “đóng cửa”, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, xã Hồng Vân đã khởi động lại du lịch với chuỗi hoạt động: “Du lịch hái lộc đầu Xuân”. Anh Nguyễn Tiến Hiệp, công chức Văn hóa - Xã hội xã Hồng Vân cho biết, không tính khách lẻ đi theo gia đình, nhóm bạn, xã đã đón hơn 10 đoàn khách tham quan, học tập mô hình phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Mỗi đoàn như vậy có từ 20 đến 50 người tới tham quan, trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thăm các tuyến đường hoa, các nhà vườn sinh vật cảnh... Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội và cả nước tăng cao, dù vẫn mở cửa nhưng khách tham quan đến Hồng Vân đã thưa vắng.
Vừa sản xuất nông nghiệp, vừa khai thác du lịch, chủ nhân của “Vườn sinh thái Phúc Thọ hoa bay” quy mô 3ha (xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ), đã trồng rất nhiều hoa hồng với hơn 20 chủng loại khác nhau để đón khách tham quan. Ông Nguyễn Đức Minh, chủ vườn cho biết còn liên kết với các nhà vườn để khách tham quan, thưởng thức đặc sản của địa phương như rau muống tiến vua xã Sen Phương, cà dầm tương xã Tam Hiệp, bưởi xã Vân Hà, chuối xã Vân Nam, dâu tằm xã Hiệp Thuận... Tuy nhiên, do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên lượng khách du lịch chưa nhiều. “Nếu như trước khi có dịch Covid-19 có những thời điểm dịch được kiểm soát, chúng tôi đón 100 đến 200 khách/ngày thì hiện nay gần như không có khách. Sau Tết Nguyên đán, nhiều đoàn khách đã đặt tour nhưng đều đã hủy bởi trong đoàn có thành viên là F0 hoặc lo ngại dịch...”, ông Minh cho biết.
Đây cũng là thực trạng chung của rất nhiều điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố như Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), các mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp như trang trại Dê Trắng, trang trại Đồng Quê Ba Vì (huyện Ba Vì)... Chị Hoàng Thị Trang, người dân xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) nói: “Chúng tôi mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát để mọi hoạt động trở lại bình thường và người dân an tâm khi đi du lịch”.
Nâng chất lượng, xây dựng sản phẩm mới
Trong thời gian du lịch còn trầm lắng, các cơ sở kinh doanh du lịch ở nông thôn đã tranh thủ đầu tư, nâng cấp điểm đến, xây dựng thêm các sản phẩm du lịch mới để hấp dẫn khách tham quan.
Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) Nguyễn Hải Đăng cho biết, xã đã hoàn thiện xây dựng Khu trải nghiệm Sen Hồng thuộc quần thể chùa Khánh Vân; trùng tu, tôn tạo đình Cả; đang gấp rút hoàn thiện đầu tư khu Đảo hoa tiên - Xứ mây hồng, diện tích 2ha ở khu vực bãi sông Hồng - nơi gắn với truyền thuyết về Chử Đồng Tử gặp Tiên Dung... “Giữ chân du khách ở lại lâu hơn, xã Hồng Vân còn cải tạo trụ sở UBND xã cũ làm nơi lưu trú cho du khách. Địa phương cũng đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ hướng dẫn viên và thành viên Ban quản lý Du lịch của xã về nghiệp vụ đón khách; hướng dẫn các nhà vườn đầu tư nâng cấp sản phẩm du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ. “Dịp nghỉ lễ 30 tháng 4 và 1 tháng 5 tới đây, Hồng Vân sẽ tổ chức nhiều hoạt động kích cầu du lịch như lễ hội bánh trôi - bánh chay, lễ hội hoa... Hy vọng dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát để người dân yên tâm khi đi du lịch”, ông Nguyễn Hải Đăng nói.
Du lịch nông thôn vừa giảm áp lực cho điểm du lịch thành phố, vừa tăng cơ hội việc làm cho người dân vùng sâu, vùng xa, đồng thời tác động tích cực tới nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới, như thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ sở vật chất, môi trường cảnh quan nông thôn... Bên cạnh nỗ lực phục hồi du lịch từ các chủ thể, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện dự thảo Chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chương trình sẽ được triển khai trên địa bàn khu vực nông thôn cả nước, tập trung tại các điểm du lịch nông thôn do cộng đồng địa phương tổ chức quản lý hoặc có sự tham gia của cộng đồng.
Theo Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến, mục tiêu dự thảo Chương trình đề ra đến 2025, cả nước sẽ phát triển, chuẩn hóa các điểm đến du lịch nông thôn như: Ít nhất 1 điểm đến/tỉnh (thành phố) được công nhận; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt chuẩn; đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, phát triển du lịch gắn với OCOP, có ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên được số hóa và kết nối, quảng bá bằng công nghệ số; 100% điểm đến du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn áp dụng thương mại điện tử; 70% lực lượng lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch... Nguồn vốn thực hiện sẽ được bố trí từ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, cho biết: Chương trình phát triển du lịch nông thôn là khung pháp lý rất quan trọng để các địa phương khai thác, phát huy tiềm năng du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn một cách bài bản, hiệu quả, mới đây thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND về “Phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025”. Thành phố sẽ tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề... theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây. Đi kèm với đó là các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố; tổ chức lựa chọn, hỗ trợ và phát triển các điểm đến du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”; xây dựng các mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù, có sự tham gia của các chủ thể nông dân, hợp tác xã, hộ kinh doanh và doanh nghiệp...
Hy vọng với sự chuẩn bị chu đáo và dịch Covid-19 được kiểm soát, du lịch nông nghiệp, nông thôn Hà Nội sẽ có bứt phá để trở thành những điểm đến hấp dẫn du khách và giúp người dân khu vực nông thôn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Bài và ảnh: Minh Phú