Hoạt động của ngành

Du lịch nông nghiệp ở Quảng Ninh góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa

Cập nhật: 06/01/2020 10:44:39
Số lần đọc: 1434
Du lịch nông nghiệp không chỉ là một hình thức du lịch mới theo hướng bền vững mà còn mở ra hướng đi thoáng rộng cho sự phát triển nông nghiệp xanh trong cơ chế thị trường.


Du khách trải nghiệm tại Thiên đường hoa Quảng La (Hoành Bồ).

Du lịch nông nghiệp, du lịch trang trại hay du lịch xanh là hình thức “xuất khẩu” hàng hóa nông nghiệp tại chỗ rất hiệu quả và tiếp cận tận gốc xuất xứ sản phẩm. Đây còn được hiểu là một hình thức phát triển mối giao hòa về mặt tự nhiên, văn hóa và con người giữa các vùng đô thị và nông thôn thông qua việc đến ở hoặc tham quan có mục đích, nhằm hưởng thụ các sản vật địa phương tại từng gia đình nông hộ hoặc các trang trại. Qua đó góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo tồn không gian cộng đồng làng quê nông nghiệp truyền thống và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên. Về giá trị kinh tế, các mô hình du lịch nông nghiệp chẳng những thu lợi từ hoạt động du lịch mà còn tham gia vào chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm hữu cơ có nguồn gốc thiên nhiên, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, hạn chế tình trạng người nông dân mất tư liệu sản xuất do “cơn lốc” của quá trình đô thị hóa; bảo vệ môi trường, tìm kiếm đầu ra ổn định và có giá trị cao cho các sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, như: Chè Đường Hoa, gà Tiên Yên, bánh gio Quảng Yên, rượu bâu Bằng Cả v.v.

Quảng Ninh đã xây dựng được các mô hình điểm về du lịch nông nghiệp để có thể coi là hạt nhân nghiên cứu nhân rộng, lan tỏa ảnh hưởng ra các địa phương khác, như: Du lịch làng quê Yên Đức, Quảng Ninh Gate (TX Đông Triều), thiên đường hoa Quảng La (Hoành Bồ), thung lũng hoa Yên Tử (thôn Khe Sú, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí).

Trong đó, điểm du lịch làng quê Yên Đức của TX Đông Triều do Công ty CP Du lịch Sen Á Đông đầu tư xây dựng. Đây là địa điểm trải nghiệm làng quê có sức hấp dẫn khá đặc biệt đối với du khách trong và ngoài nước. Mô hình du lịch này đã mang lại lợi ích kinh tế - xã hội, góp phần bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa bản địa và bảo vệ môi trường. Đến Khu du lịch làng quê Yên Đức, du khách được tận hưởng phong cảnh thanh bình, yên ả của làng quê thuần nông và được trải nghiệm công việc đồng áng, đời sống thường nhật của bà con nông dân. Điều thú vị là giờ đây chính họ đã trở thành những hướng dẫn viên thân thiện, mến khách, giới thiệu đến du khách những nét đẹp truyền thống của quê hương. Hiện tại mỗi năm, Khu du lịch làng quê Yên Đức đón hơn 30.000 lượt khách.

Theo chị Dương Thị Mến, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Làng quê Yên Đức, mô hình này không chỉ thu hút khách du lịch mà còn quảng bá những sản phẩm từ đồng quê, giúp bà con tiêu thụ được sản phẩm của quê hương mình, như: Gạo nếp cái hoa vàng, chổi lúa, quạt mo cau, hành, tỏi. Thoạt đầu, những sản phẩm này chỉ để trưng bày cho phong phú nhưng khách hàng lại thích và muốn mua. Ngoài gạo, hành tỏi, chổi lúa thì sản phẩm quạt mo cau có lẽ chưa ở đâu lại có sản phẩm này để bán cho du khách. Chính vì sự khác biệt như vậy đã khiến khách hàng tò mò tìm đến để thỏa ước ao tìm lại cái thủa ngày xưa.

Ở Hoành Bồ hiện nay có hộ ông Ân Văn Kim (thôn Đồng Đặng, xã Sơn Dương) tiên phong trong mô hình phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Bên cạnh trồng ổi, ông Kim còn mở rộng quy mô, trồng thêm bưởi da xanh, đào ao, thả cá… để tạo thêm trải nghiệm mới cho du khách. Hiện các hộ dân ở thôn Đồng Đặng như ông Kim đã liên kết với nhau, hình thành một vùng trồng cây ăn quả tập trung rộng hơn 8ha để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Nhìn rộng ra, trên địa bàn Hoành Bồ còn có một số mô hình sản xuất nông nghiệp có nhiều tiềm năng để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, như: Cơ sở sản xuất truyền thống rượu Bâu Bằng Cả (thôn 2, xã Bằng Cả); rừng Lim của hộ ông Triệu Tài Cao (thôn Bằng Anh, xã Tân Dân)...

Như vậy, ở Quảng Ninh, việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp tuy mới manh nha, chủ yếu là tự phát nhưng thời gian qua đã có những khởi sắc nhất định, mở ra những hướng đi mới không chỉ hấp dẫn du khách mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với đời sống nông thôn xưa.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục