Thanh Hóa: Tạo “đường băng” rộng mở cho du lịch cất cánh
Các gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ du lịch quốc tế Thanh Hóa 2019.
Vượt giới hạn
Có nhận định cho rằng, muốn tăng tốc phát triển thì một trong những điều kiện tiên quyết là tìm đúng mũi nhọn kinh tế. Đồng thời, ưu tiên mọi nguồn lực cho nó, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp của sự phát triển vượt trội. Cùng với sự ra đời của Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tỉnh Thanh Hóa cũng đã “nâng tầm” vị thế ngành du lịch, khi xác định đây là một trong những mũi nhọn phát triển của nền kinh tế. Thực tế đã chứng minh sự định hướng này là đúng đắn và phù hợp, khi du lịch đang tạo ra giá trị gia tăng cao. Đồng thời, du lịch có khả năng tác động đến nhiều ngành kinh tế khác, nhờ đặc thù của một ngành kinh tế tổng hợp, mang tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao.
Sự đổi mới từ định hướng đến tư duy phát triển, với sự bảo đảm nhất quán về quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động... đã tạo nền tảng cho du lịch Thanh Hóa có được những chuyển động tích cực trong vài năm trở lại đây. Riêng năm 2019, ngành du lịch đã bứt phá qua những giới hạn khi các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch và vượt con số tăng trưởng năm 2018. Cụ thể, trong năm toàn tỉnh ước đón được 9,65 triệu lượt khách, tăng 17% so với năm 2018 và ước đạt 101,6% kế hoạch năm 2019 (trong đó, lượng khách quốc tế có sự “đột biến” nhỏ, với khoảng 300.000 lượt, tăng 30,3% so với năm 2018); phục vụ 17,9 triệu ngày khách, tăng 19,1% so với năm 2018 và đạt 100,6% kế hoạch năm 2019. Tổng thu từ ngành du lịch ước đạt 14.525 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2018 và đạt 100,2% kế hoạch năm 2019 (riêng khách quốc tế ước đạt 90,3 triệu USD).
Để dần trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch quốc gia, cũng như xây dựng hình ảnh đất và người xứ Thanh tươi đẹp trong mắt bạn bè, tỉnh Thanh Hóa đã từng bước hiện thực hóa các quan điểm và mục tiêu phát triển bằng những giải pháp cụ thể. Một “chất xúc tác” mạnh mẽ đã và đang tạo đà tăng trưởng ngành du lịch, đó là sự chuyển biến tích cực về cả quy mô và chất lượng các nguồn đầu tư vào du lịch. Năm 2019, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch tiếp tục được quan tâm đầu tư, với 12 dự án được triển khai, tổng dự toán được duyệt là hơn 1.165 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn toàn tỉnh lên 47 dự án, với tổng vốn được duyệt hơn 4.324 tỷ đồng. Cùng với đó, trong năm đã có thêm 4 dự án kinh doanh du lịch được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 2.237 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đầu tư kinh doanh du lịch lên 71 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 74.000 tỷ đồng. Không ít các dự án quy mô lớn trong số đó có khả năng xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Hóa ở tầm quốc gia và khu vực.
Một điểm nhấn đáng kể của du lịch Thanh Hóa trong năm 2019 là việc hình thành và đưa vào khai thác nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới. Trong đó, huyện Hoằng Hóa đã đưa vào khai thác tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến và loại hình du lịch homestay. TP Sầm Sơn đã tổ chức hàng loạt hoạt động ấn tượng như Canavan đường phố, lễ hội ánh sáng, lễ hội tình yêu, con đường hoa, tuyến phố đi bộ và chợ đêm... Bên cạnh đó, các giải thi đấu golf như Giải golf Cup truyền hình Thanh Hóa lần thứ 1 năm 2019, Giải golf trẻ FLC Ha Noi Junior Golf Tour 2019 lần thứ 2, Giải Bamboo Airways Golf Tournament 2019... cũng được tổ chức thành công, góp phần đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch biển, tạo hiệu ứng rõ nét cũng như đem đến những trải nghiệm mới, thú vị cho khách du lịch.
Vượt thách thức
Sự chuyển biến tích cực và ngày càng mạnh mẽ của du lịch Thanh Hóa là không thể phủ nhận, đặc biệt là hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất và chất lượng sản phẩm, đã và đang trở thành “bệ đỡ” tăng trưởng toàn ngành. Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh có nhiều gam màu sáng, cũng cần khách quan nhìn nhận, vẫn còn không ít thách thức, trở ngại mà ngành du lịch phải đối mặt và vượt qua, nếu muốn cán đích các mục tiêu đề ra trong “Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020”.
Nhận thức thay đổi phải đồng thời với những hành động phù hợp, mới tạo thành đôi cánh cân bằng cho du lịch “bay lên” theo những mục tiêu và kỳ vọng. Tuy nhiên, không phải lúc nào hay ngành nào, địa phương nào cũng có được sự song hành cả về nhận thức và hành động, để triển khai chương trình phát triển du lịch một cách chủ động, tích cực và hiệu quả. Bên cạnh đó, một “điểm nghẽn” trong du lịch đã phát sinh từ khá lâu nhưng vẫn chưa được khắc phục, là tiến độ đầu tư các dự án còn chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi, sản phẩm được ví như “linh hồn” của du lịch, thì Thanh Hóa vẫn thiếu bóng dáng những sản phẩm du lịch cao cấp và khiêm tốn số lượng sản phẩm du lịch mới.
Ngoài ra, kinh phí đầu tư và cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch nói chung, sản phẩm du lịch nói riêng, vẫn chưa thực sự khuyến khích. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch còn nhỏ lẻ, chậm ứng dụng công nghệ. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Môi trường du lịch còn nhiều bất cập, thiếu tính bền vững. Các doanh nghiệp du lịch phần đa là quy mô nhỏ và hộ cá thể, năng lực cạnh tranh, khả năng quản trị, tính chuyên nghiệp chưa cao. Một số khu, điểm du lịch phát triển tự phát, không theo quy hoạch từ những năm trước, đã tạo ra các sản phẩm du lịch kém chất lượng. Việc khôi phục, trùng tu các di tích vẫn chậm khiến sản phẩm du lịch văn hóa chưa hấp dẫn...
Để có thể vượt qua thách thức và sẵn sàng đón làn sóng phát triển mới, theo bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giải pháp trước tiên là tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và tính cạnh tranh của sản phẩm du lịch. Cùng với đó, hoạt động xúc tiến, kết nối các điểm du lịch nội tỉnh và giữa Thanh Hóa với các địa phương trong cả nước, vẫn sẽ là một giải pháp trọng tâm. Việc quảng bá, xúc tiến cần dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, đặc biệt là khuyến khích sử dụng các trang mạng xã hội như facebook, youtube... để giới thiệu và thu hút du khách. Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ chú trọng xây dựng các chính sách và định hướng phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu, văn hóa giao tiếp ứng xử; tuyên truyền, vận động doanh nghiệp du lịch cử lao động tham gia các khóa đào tạo cấp chứng chỉ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch quốc gia VTOS...
Hy vọng rằng, các cơ chế, chính sách, giải pháp được triển khai một cách thông suốt, nhịp nhàng, đồng bộ và hiệu quả, sẽ tạo ra “đường băng” rộng mở và bằng phẳng cho du lịch Thanh Hóa tiếp tục cất cánh.