Hoạt động của ngành

Ta Lang (Quảng Nam) phát triển du lịch sinh thái cộng đồng

Cập nhật: 02/01/2020 15:23:38
Số lần đọc: 1403
Viện Phát triển châu Á, Dự án Trường Sơn Xanh và Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam vừa phối hợp với UBND huyện Tây Giang tổ chức khai trương, bàn giao mô hình du lịch sinh thái cộng đồng cho cộng đồng làng Ta Lang, xã Bhalê, đưa vào quản lý, khai thác phục vụ du lịch.

Tương tự mô hình ở các tỉnh vùng Tây Bắc, nhưng cách làm du lịch ở làng Ta Lang có những nét riêng là dựa trên các giá trị độc đáo của văn hóa làng Cơ Tu để xây dựng và phát triển du lịch xanh, nhanh, bền vững, hài hòa với môi trường thiên nhiên mà không làm mất đi bản sắc của dân tộc, nhất là tính cố kết cộng đồng làng luôn được đề cao và đặt lên hàng đầu.

Làng du lịch sinh thái cộng đồng Ta Lang nằm bên con suối Chơr Lang hiền hòa, bên trục đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa Cơ Tu đặc sắc, tiêu biểu như nghề chế tác và trình diễn các loại hình nhạc cụ dân tộc của cố nghệ nhân Alăng Avel - người đã sáng chế nhiều loại hình nhạc cụ độc đáo như aheen (sáo 3 lỗ), abel (đàn cò)…, cùng nhiều loại hình văn hóa khác đang được cộng đồng làng giữ gìn, bảo tồn và phát huy đưa vào khai thác và phục vụ du khách. Đây là kho báu của dân tộc Cơ Tu nói riêng, cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung. Từ những kho báu văn hóa Cơ Tu này nếu được đánh thức, khôi phục, khai thác đúng cách kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng một cách khoa học và hiệu quả, sẽ góp phần tạo công văn việc làm, nguồn thu nhập cho cộng đồng làng, qua đó góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Đến Tây Giang giờ đây, nhiều người đã biết về một huyện vùng cao nằm sát biên giới Việt - Lào, có độ che phủ rừng tự nhiên chiếm gần 70% diện tích toàn huyện, với hơn 1.146 cây di sản Việt Nam lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Những người hay di chuyển khám phá sẽ nhớ về một đỉnh Quế được ví như Sapa thu nhỏ được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ quanh năm, về hình ảnh mây trắng bồng bềnh bên cánh rừng đỗ quyên cổ thụ trên đỉnh Aruung có độ cao hơn 2.005m so với mực nước biển. Đặc biệt, những ai từng đến khám phá vùng đất này còn được biết về cách làm du lịch sinh thái cộng đồng mang đậm văn hóa làng Cơ Tu. Khách đến đây, như đứa con xa quê trở về nhà, về làng, được đón chào nồng hậu theo nét riêng của người Cơ Tu Tây Giang. Và điểm du lịch sinh thái cộng đồng Ta Lang, xã Bha Lêê là một thí dụ điển hình.

Du lịch phát triển sẽ kéo theo hai mặt vừa tích cực và có hạn chế nếu không được quản lý, khai thác đúng hướng, nhưng cách làm ở Ta Lang luôn lấy lợi ích của cộng đồng làng, của dân tộc vì sự tiến bộ và phát triển bền vững lên hàng đầu, quyết tâm giữ môi trường sống trong lành, bảo tồn và phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Cơ Tu, nói không với rác thải nylon, chai nhựa, ảnh hưởng đến môi trường, nói không với săn, bắt động vật hoang dã, làm nương, rẫy ảnh hưởng đến rừng già, nhất là rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh.

Cách làm mới về du lịch ở Ta Lang chính là dựa vào văn hóa làng Cơ Tu, mọi người dân trong làng từ trẻ, già, trai, gái ai cũng hăng hái tham gia, xem như là công việc chung của làng, từ việc bảo vệ môi trường, làm hàng rào bằng tre, trồng cây xanh đến việc  tham gia văn hóa, văn nghệ, chế biến ẩm thực truyền thống phục vụ du khách. Tính bền vững ở đây nằm trong văn hóa của làng. Cộng đồng làng cùng tham gia, cùng bảo vệ và cùng chia sẻ quyền lợi đều cho nhau. Đây là cách làm mới về du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch phát triển đúng hướng, không những vừa tạo ra công ăn việc làm cho người dân mà còn hạn chế việc săn bắt động vật hoang dã. Đặc biệt là tính cố kết cộng đồng được phát huy tốt hơn trong việc phục dựng và trình diễn các nghi thức, văn hóa của làng phục vụ du khách. Đồng thời các giá trị văn hóa cũng được bảo tồn, giữ gìn và phát huy tốt hơn.

Với những sắc màu, cách làm mới, hy vọng điểm sáng về mô hình du lịch sinh thái cộng đồng Ta Lang sẽ là địa chỉ mới thu hút du khách và các công ty lữ hành đưa tour đến trải nghiệm và tìm hiểu các giá trị văn hóa của làng./.

Nguồn: baoquangnam.vn

Cùng chuyên mục