Du lịch Phú Thọ - 35 năm xây dựng và trưởng thành
Hát Xoan với du khách quốc tế (Ảnh: Phương Thanh)
Cùng với quá trình xây dựng và phát triển của Du lịch Việt Nam, Du lịch Phú Thọ sớm ra đời, ngày 15/3/1985 thành lập Công ty Du lịch - Khách sạn Vĩnh Phú nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ chuyên gia các nước XHCN đến giúp đỡ tỉnh Phú Thọ xây dựng các cơ sở kinh tế tại khu công nghiệp Việt Trì - Lâm Thao, chuyên gia Thụy Điển xây dựng Nhà máy giấy Bãi Bằng... Sau khi tái lập tỉnh, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung lãnh đạo và chỉ đạo công tác phát triển du lịch: Từ tháng 4/1994 cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch mới được kiện toàn, chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch trực thuộc Sở Thương mại - Du lịch Phú Thọ. Đến tháng 6/2008 cơ quan quản lý nhà nước về du lịch được chuyển sang Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ. Đây là một dấu mốc quan trọng mới tạo thêm những điều kiện thuận lợi cho sự thống nhất, đồng bộ của các hoạt động văn hoá, thể thao vớí các hoạt động du lịch. Nhằm tăng cường hơn nữa vai trò của quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch, năm 2013, Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Thọ được thành lập với các chi hội Lữ hành, Hướng dẫn viên, Ẩm thực… Năm 2014, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Phú Thọ được thành lập, là đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với vai trò tăng cường các hoạt động thông tin, xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh Phú Thọ và là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp du lịch, người dân trên địa bàn tỉnh.
Qua các giai đoạn phát triển chiến lược ngành Du lịch của Chính phủ với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch được thể chế hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định: “Nhanh chóng phát triển du lịch thành ngành kinh tế tổng hợp quan trọng của tỉnh” đến Đại hội XVI đã xác định rõ: “Phát triển mạnh mẽ dịch vụ du lịch, từng bước xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”. Tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, du lịch lại được xác định là một trong ba khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII xác định du lịch là một trong bốn khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ. Đây là những định hướng và là quan điểm rất quan trọng chỉ đạo phát triển du lịch Phú Thọ trong thời gian vừa qua và những năm tiếp theo.
Trải qua 35 năm hình thành và phát triển dưới sự lãnh chỉ đạo sâu sắc, thường xuyên giúp đỡ của Bộ chủ quản, Tổng cục Du lịch, của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành và sự cố gắng nỗ lực của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, công nhân viên chức, hoạt động du lịch đóng góp tích cực, hiệu quả vào những thành tựu phát triển, phần thưởng cao quý của ngành thương mại - du lịch, ngành văn hóa thể thao và du lịch Phú Thọ như: 01 huân chương lao động hạng Nhất (2015), 03 huân chương lao động hạng Nhì (1971, 2001, 2003), 17 huân chương lao động hạng Ba, 04 cờ thưởng luân lưu của Chính Phủ (1970, 1971, 1972, 2011), 18 cờ thi đua xuất sắc của Bộ Thương mại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 01 cờ thi đua xuất sắc của Tổng cục Du lịch, 24 cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh, 05 bằng khen Ủy ban nhân dân tỉnh (2005, 2008, 2010, 2011, 2014)….
Kết quả hoạt động du lịch trong những năm qua không ngừng tăng trưởng, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ trong nền kinh tế tại địa phương. Số lượng khách tham quan tăng nhanh: năm 2000 là 1 triệu lượt; năm 2010 là 5,8 triệu lượt; năm 2019 đạt 8,2 triệu lượt. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được đầu tư xây dựng với tốc độ tăng trưởng nhanh, đến nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có 280 cơ sở lưu trú (trong đó có 36 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 sao đến 5 sao) với 3.900 buồng, công suất sử dụng buồng đạt 43%. Cùng với sự phát triển của các cơ sở kinh doanh du lịch số lượng lao động được thu hút vào hoạt động trong lĩnh vực du lịch ngày càng tăng; số lao động trực tiếp tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch là hơn 3.000 người. Nhờ có sự đầu tư của nhà nước vào xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá thông qua tổ chức các sự kiện, lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh và sự đầu tư của các thành phần kinh tế vào xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh… nên doanh thu du lịch đã tăng liên tục và đạt tốc độ cao; Năm 2000 là 45,8 tỷ; năm 2010 là 652 tỷ; năm 2019 đạt 3.450 tỷ đồng.
Các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh được hình thành gắn với các sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm nét văn hóa vùng đất Tổ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế: Khu du lịch Đền Hùng gắn với thành phố Việt Trì tập trung khai thác sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh được duy trì và phát triển trên cơ sở khai thác giá trị 02 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, gắn với giá trị tiêu biểu của Khu di tích lịch sử Đền Hùng, di tích văn hóa Miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô, đồng thời khai thác hiệu quả các tour du lịch phục vụ khách như: “City tour Việt Trì”, “Tour du lịch hàng ngày Hà Nội - Phú Thọ”, “Hát Xoan Làng cổ” gắn với trải nghiệm làng nghề thu hút được lượng lớn khách tham quan tìm hiểu. Khu du lịch vườn quốc gia Xuân Sơn tập trung xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch sinh thái danh thắng, du lịch sinh thái cộng đồng gắn với khai thác bền vững giá trị cảnh quan thiên nhiên tại vùng lõi vườn quốc gia Xuân Sơn; trong những năm qua hạ tầng khu du lịch được nâng cấp, môi trường cảnh quản được cải tạo đã góp phần thu hút lượng khách tham quan du lịch đến Vườn quốc gia Xuân Sơn tăng mạnh năm 2019 ước đạt gần 30 ngàn lượt khách (gấp 3 lần lượt khách năm 2015). Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy khai thác sản phẩm du lịch thế mạnh du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí với các loại hình dịch vụ tắm khoáng nóng, các điểm chụp ảnh check in, các khu vực vui chơi giải trí... tạo sự hấp dẫn thu hút lượng khách tham quan, lưu trú; đặc biệt, vào các dịp nghỉ lễ, những ngày cuối tuần công suất sử dụng phòng tại khu du lịch đạt 100%. Điểm du lịch đồi chè Long Cốc nằm ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ được đánh giá là một trong những đồi chè đẹp nhất Việt Nam với hàng trăm đồi chè xanh ngút ngàn hình bát úp nằm san sát nhau như một quần thể “ốc đảo chè” và được mệnh danh là “vịnh Hạ Long vùng Trung du”. Nơi đây, đang trở thành một trong những điểm du lịch đặc sắc của tỉnh Phú Thọ.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy những thành tựu, kết quả đạt được, ngành Du lịch Phú Thọ xác định phát triển du lịch theo chiều sâu, có tính chuyên nghiệp, hạ tầng du lịch đồng bộ hiện đại. Tiếp tục xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, có thương hiệu và sức cạnh tranh trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch gắn với phát huy giá trị 02 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh. Đổi mới có hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, điểm đến du lịch của tỉnh, kết nối tour, tuyến du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước, thu hút khách du lịch đến với Phú Thọ, tăng nhanh thu nhập từ du lịch, tăng hiệu quả xúc tiến đầu tư trong, ngoài nước mời gọi đầu tư vào du lịch Phú Thọ. Đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh đáp ứng với yêu cầu phát triển. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, thương mại tại khu vực trọng điểm phát triển du lịch, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng thành phố Việt Trì trở thành trung tâm lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Phấn đấu xây dựng Phú Thọ trở thành địa bàn trọng điểm du lịch của vùng, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế./.
TS. Nguyễn Đắc Thủy – Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ