Hoạt động của ngành

Du lịch Tam Đường - Lai Châu sự lựa chọn hấp dẫn

Cập nhật: 18/12/2019 10:10:34
Số lần đọc: 1470
Là huyện liền kề khu du lịch nổi tiếng Sa Pa của tỉnh Lào Cai, cộng với lợi thế do thiên nhiên ưu đãi, huyện Tam Đường có nhiều cảnh quan đẹp, hoang sơ kết hợp với nét đẹp truyền thống của các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch để phục vụ nhu cầu tham quan, ngắm cảnh của du khách trong và ngoài nước.

Đến với huyện Tam Đường, du khách có thể tham gia các loại hình du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, văn hóa – tâm linh hay du lịch cộng đồng tại các bản người Mông, Dao, Lự, Lào, các đỉnh núi quanh năm mây mù bao phủ Tả Liên Sơn, Pu Ta Leng… Tùy thuộc vào nhu cầu và sở thích, du khách sẽ chọn lựa những loại hình du lịch phù hợp. Đối với du lịch thể thao mạo hiểm, khách du lịch đặt tour từ 2 – 3 ngày để có thể thưởng thức hết sự hoang sơ của tự nhiên. Đó là hành trình men theo các triền núi được trải thảm bởi hàng vạn bông hoa đỗ quyên hoặc dừng chân nhâm nhi, thưởng thức hương thơm mát của những rừng chè cổ thụ hàng trăm, hàng nghìn năm tuổi. Ngoài ra, du lịch cộng đồng trải nghiệm đời sống, không gian sinh hoạt văn hóa, ẩm thực dân tộc đặc trưng và cảm nhận khí hậu trong lành tại các bản Nà Luồng, Bản Hon, Lao Chải, Sìn Thâu Chải, Bản Thẳm.

Từ sự đam mê của thành viên Câu lạc bộ Vietwings Hà Nội, hàng loạt các thử nghiệm phiêu lưu cùng gió trên bầu trời thị trấn được các phi công dù lượn thực hiện. Sau hơn 2 năm chinh phục, quảng bá trong các dịp lễ, tết, ngày hội các dân tộc của huyện, loại hình du lịch này bắt đầu phục vụ nhu cầu của du khách muốn thưởng thức cảm giác được tự do bay lượn trên bầu trời bằng “đôi cánh” riêng. Hiện nay, giá thành của một lượt bay dao động từ 800 - 1.000 đồng/lượt.

Không chỉ có cảnh sắc thơ mộng, hoang sơ, đến Tam Đường, khách du lịch có thể yên tâm với hệ thống các nhà hàng, khách sạn, điểm lưu trú hiện đại, sang trọng như Sky Gate, Putaleng, Xuân Quỳnh đạt tiêu chuẩn từ 1 - 3 sao, 7 nhà nghỉ và 15 nhà hàng phục vụ ẩm thực hay dịch vụ nghỉ Homestay tại các bản giản dị và ấm cúng. Tại bản Sì Thâu Chải, ngoài dịch vụ nghỉ tại nhà, khách du lịch còn được thưởng thức các dịch vụ tắm lá thuốc, chế biến ẩm thực dân tộc… Anh Lù A Nghi - Trưởng bản Sì Thâu Chải chia sẻ: Bản nằm lưng chừng núi và từ quan niệm về việc giữ rừng là nơi linh thiêng, người dân không chỉ bảo vệ mà còn phát triển, chăm sóc rừng rất tốt. Đây cũng chính là một trong những yếu tố khiến du khách thích tham quan, khám phá, trải nghiệm đời sống. Dựa trên nét đẹp văn hóa của dân tộc Dao, chúng tôi đã dần chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, cung ứng, giới thiệu nông sản, sản phẩm thổ cẩm của địa phương.

Để du lịch thực sự trở thành thế mạnh, quan trọng nhất là yếu tố con người và làm thế nào để thay đổi suy nghĩ, cách làm của người dân về du lịch luôn là câu hỏi, bài toán mà chính quyền, cơ quan chuyên môn huyện nỗ lực tìm ra lời giải. Từ thực tế địa phương cộng với kinh nghiệm đúc rút trong quá trình tham quan trải nghiệm, trao đổi tại các điểm du lịch trong cả nước, huyện Tam Đường đã chỉ đạo các xã, bản tổ chức họp, chọn lựa hộ dân, con em có trình độ học vấn, ngoại hình, năng khiếu cử đi học tập kinh nghiệm làm du lịch tại huyện Sa Pa (Lào Cai). Đồng thời, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho các thuyết minh viên, hướng dẫn viên của bản… để khi trở về địa phương, các gia đình tự đầu tư phát triển dịch vụ phục vụ khách tham quan.

Từ năm 2016 đến nay, huyện đã phối hợp mở 7 lớp tập huấn với trên 300 người dân tham gia. Những người được tham gia đào tạo, tham quan khi về địa phương tiếp tục truyền thông, chia sẻ cách làm để người dân trong bản cùng biết và áp dụng phù hợp với điều kiện gia đình, triển khai ý tưởng phục vụ du lịch của cá nhân. Giao tiếp, ứng xử, đón tiếp khách cũng là một trong những yếu tố gây ấn tượng với du khách. Mỗi người dân trong bản không chỉ sẵn sàng chia sẻ về văn hóa, phong tục truyền thống mà còn phải hiểu rõ về sự tích, danh lam thắng cảnh của bản để cùng bàn luận trong các cuộc trò chuyện, trao đổi với khách du lịch.    

Ông Từ Hữu Hà – Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: Dựa trên thế mạnh về tài nguyên du lịch, huyện đã xác định xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang đặc trưng riêng tạo sức cạnh tranh trong khu vực, góp phần thu hút khách đến tham quan, hưởng thụ. Đảng bộ huyện đã thông qua Đề án phát triển du lịch của huyện giai đoạn 2015 – 2020 với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ du lịch, góp phần tăng mức thu nhập để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Đồng thời, quy hoạch các khu du lịch, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để mở rộng cửa mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư. Cam kết thực hiện chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư đến mức tối đa theo quy định của Nhà nước.

Công tác quảng bá, tuyên truyền về du lịch được huyện quan tâm, chú trọng bằng nhiều hình thức: giao lưu văn hóa - văn nghệ, hội chợ - tuần lễ du lịch, hội thảo du lịch… Qua đó, quảng bá, mời gọi các công ty lữ hành xây dựng tour, tuyến đưa khách đến tham quan, du lịch, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua, huyện tổ chức Hội thảo giới thiệu tiềm năng và định hướng phát triển du lịch thu hút hàng chục doanh nghiệp, công ty, cá nhân trong cả nước đến tham quan, khảo sát thực tế, trong đó ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 5 đơn vị để thành lập tour – tuyến du lịch giữa Sa Pa của tỉnh Lào Cai với huyện Tam Đường; Festival dù lượn, du lịch thể thao mạo hiểm Tả Liên Sơn…

Đến với Hội thảo du lịch Tam Đường, ông Đào Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Sa Pa (Lào Cai) cùng các thành viên trong Hiệp hội đánh giá cao tiềm năng du lịch của huyện Tam Đường với nhiều bản làng có cảnh quan đẹp, giữ nguyên nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, con người thân thiện. Đồng thời khẳng định sẽ cùng với các thành viên trong Hiệp hội triển khai các hoạt động kết nối du lịch Sa Pa – Tam Đường để mở rộng sản phẩm, điểm điến phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, để Tam Đường trở thành điểm đến thu hút du khách cần có quy hoạch tổng thể, hướng đi cụ thể cho từng loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Cùng với đó, công tác quảng bá điểm đến về du lịch hết sức quan trọng. Về truyền thông cần đẩy mạnh quảng bá trên các trang mạng xã hội và gắn kết du lịch huyện với cửa khẩu Ma Lù Thàng để đem lại chuyến du lịch hấp dẫn. Công tác đào tạo nguồn nhân lực về du lịch phải thực hiện từ 6 tháng đến 1 năm mới xây dựng được đội ngũ hướng dẫn viên, người làm du lịch cộng đồng hiệu quả.    

Hiện tại đã có các doanh nghiệp đầu tư vào dự án là phát triển du lịch tại đỉnh đèo Hoàng Liên Sơn của Công ty Cổ phần tập đoàn Hoàng Liên Sơn và đối tác; Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lai Châu đang xây dựng điểm văn hóa tâm linh Lao Tỷ Phùng, xã Nùng Nàng. Cùng với đó là hàng chục cá nhân, doanh nghiệp đến khảo sát, mở chi nhánh tại huyện để phục vụ nhu cầu tham quan, khám phá vẻ đẹp của huyện như: Công ty Cổ phần du lịch Việt Á Chi nhánh Tam Đường; Công ty Cổ phần du lịch Hoàng Gia Chi nhánh Lai Châu… góp phần để du lịch Tam Đường không dừng lại ở tiềm năng mà trở thành điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Nguồn: Báo Lai Châu

Cùng chuyên mục