Hoạt động của ngành

Du lịch tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế động lực của Lâm Đồng

Cập nhật: 03/01/2024 11:44:45
Số lần đọc: 645
Năm 2023, ngành du lịch Lâm Đồng đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch được giao, từ đó vị thế của ngành du lịch không ngừng tăng lên, tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế động lực của tỉnh.

Sáng 3/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch do Bộ VHTTDL tổ chức. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ VHTTDL, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Du lịch khẳng định là ngành kinh tế động lực của Lâm Đồng

Gửi tham luận đến hội nghị với chủ đề: "Kinh nghiệm phát triển các loại hình du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Động", Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng cho biết, với vị trị địa lý thuận lợi, đặc trưng về khí hậu, cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên, đặc thù về kiến trúc và tài nguyên văn hóa, ẩm thực phong phú, Lâm Đồng đã và luôn là điểm đến lý tưởng để khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ VHTTDL.

Phát huy những lợi thế sẵn có, trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong năm 2023, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao và bền vững theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ VHTTDL; được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 25/7/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Kết quả, trong năm 2023, ngành du lịch Lâm Đồng đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch được giao, từ đó vị thế của ngành du lịch không ngừng tăng lên, tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế động lực của tỉnh.

Trong năm 2023, tỉnh Lâm Đồng đã đón tiếp và phục vụ hơn 8,6 triệu lượt (tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 101,8% KH năm 2023). Trong đó, khách quốc tế đạt 400.000 lượt (tăng 166,7% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 160% KH năm 2023).

Với chủ trương, chính sách đầu tư ngày càng được cải thiện, đến nay tỉnh Lâm Đồng đã thu hút 120 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch với tổng số vốn đầu tư là 47.830,9 tỷ đồng (hiện có 40 dự án đã hoàn thành toàn bộ, 37 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động một phần, 27 dự án đáng triển khai xây dựng và 16 dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư).

Về cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng, đến nay, tỉnh Lâm Đồng hiện có 3 sân Golf; 112 khu, điểm du lịch, điểm tham quan tạo nên sự đa dạng, phong phú để xây dựng các tour, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Trên địa bàn có 3.068 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 43.647 phòng; trong đó; trong đó, có 447 khách sạn từ 1 - 5 sao với 13.107 phòng; hệ thống lữ hành - vận chuyển cũng đang dần hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của du khách với 82 đơn vị kinh doanh lữ hành.

Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng, triển khai các cơ chế chính sách tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng đối với nhà đầu tư, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh; tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm đến việc đầu tư, phát triển, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch mới, đặc thù phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Ưu tiên phát triển 4 nhóm sản phẩm du lịch chủ lực

Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay, Lâm Đồng đang ưu tiên phát triển 4 nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh là du lịch sinh thái gắn với tham quan, văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch canh nông (nông nghiệp) và đa dạng hóa các nhóm sản phẩm du lịch hỗ trợ: chăm sóc sức khỏe, du lịch ẩm thực, du lịch tâm linh.

Ngoài việc tập trung phát triển các sản phẩm du lịch tại khu vực thành phố Đà Lạt, tỉnh quy hoạch, mở rộng không gian du lịch, định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo từng cụm du lịch: thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận; thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận; các huyện phía Nam nhằm gia tăng trải nghiệm của du khách khi đến với Lâm Đồng.

Với việc triển khai cơ chế chính sách phát triển kinh tế ban đêm, hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã và đang hình thành các mô hình dịch vụ du lịch về đêm phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, tham quan trải nghiệm của du khách.

Các đại biểu phát biểu tham luận trực tuyến từ điểm cầu các địa phương.

Theo Sở VHTTDL Lâm Đồng, trong thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn của Bộ VHTTDL, Lâm Đồng đã triển khai thực hiện Dự án 6 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua các hoạt động tổ chức bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch. Thông qua các hoạt động này đã góp phần phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; tăng thu nhập, tạo thêm việc làm mới cho người dân tại các địa phương triển khai dự án.

Bên cạnh đó, trong năm 2023, Lâm Đồng đã được Bộ VHTTDL quan tâm, tạo điều kiện đăng cai, phối hợp tổ chức các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – thể thao của Bộ, góp phần quảng bá, thu hút đông đảo du khách đến với tỉnh Lâm Đồng; đặc biệt là Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII đã trở thành Tuần lễ phát triển thương hiệu du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng qua Điện ảnh năm 2023, giúp các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh giới thiệu các sản phẩm du lịch truyền thống, các sản phẩm mới đến với du khách qua đó nâng tầm thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đến bạn bè trong nước và quốc tế; góp phần phát triển thương hiệu điểm đến "Lâm Đồng – an toàn, văn minh và thân thiện".

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII đã trở thành Tuần lễ phát triển thương hiệu du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng qua Điện ảnh năm 2023

Trong năm qua, Lâm Đồng đã chủ động tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc tiêu biểu, mang tầm quốc gia và quốc tế, đã trở thành thương hiệu riêng Lâm Đồng; nổi bật là Festival Hoa Đà Lạt; Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng; các sự kiện thể thao: giải Siêu Marathon quốc tế Dalat Ultra Trail, giải Chạy bộ âm nhạc Da Lat Music Run, giải Chạy bộ Lâm Đồng Trail, giải Laan Trail….. Qua đó, đã góp phần gia tăng sản phẩm du lịch, các sự kiện du lịch hấp dẫn du khách đến với Lâm Đồng.

Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng, sự tham gia tích cực của cộng đồng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và nhân dân; trong năm 2023, thành phố Đà Lạt vinh dự được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo âm nhạc trong "Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO"; Khu du lịch Quốc gia Hồ Tuyền Lâm được UNESCO vinh danh ở hạng mục danh hiệu "Khu du lịch tiêu biểu châu Á-Thái Bình Dương". các hoạt động kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển trở thành những điểm nhấn trong phát triển du lịch của Đà Lạt – Lâm Đồng.

Tuy nhiên, Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay ngành du lịch Lâm Đồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, Sở VHTTDL mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ VHTTDL đối với địa phương để thúc đẩy phát triển du lịch hơn nữa trong thời gian tới.

Xuân Trường - Ảnh: Nam Nguyễn

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 03/01/2024

Cùng chuyên mục