Du lịch trải nghiệm giáo dục - một xu hướng mới tại Trung Quốc
Các du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống tại thành phố Tế Ninh, Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: dzwww.com)
Du lịch trải nghiệm giáo dục-nghiên cứu là một loại hình du lịch mới nổi, dựa trên việc khai thác các lợi thế về lịch sử, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, phong tục tập quán địa phương; hướng tới những đối tượng du khách là người yêu thích khám phá, trải nghiệm, nghiên cứu chuyên sâu như học sinh, sinh viên, người làm công tác nghiên cứu...
Tại thành phố Tế Ninh (JiNing) thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, nơi có hệ thống di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như Thánh địa Ni Sơn, Tam Khổng, Thủy Hử..., du lịch trải nghiệm giáo dục-nghiên cứu đã trở thành ngành nghề mũi nhọn. Chỉ trong 6 tháng năm 2023, đã có 800.000 lượt khách đến trải nghiệm học tập, nghiên cứu tại Khúc Phụ-Tế Ninh, vượt số lượng du khách cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa bùng phát dịch Covid-19.
Để phát huy những lợi thế địa phương phục vụ du lịch, thành phố Tế Ninh đã đẩy mạnh chuyển đổi, phát triển sáng tạo văn hóa truyền thống, khai thác các tiềm năng vốn có, hình thành những động lực mới thông qua kết hợp nguồn lực văn hóa và du lịch.
Du lịch trải nghiệm giáo dục nhận được sự tham gia rộng rãi của toàn xã hội, nhất là các khu du lịch, khách sạn, hãng lữ hành địa phương, qua đó hình thành một chuỗi ngành nghề gồm hệ thống các điểm đến, các cơ sở du lịch trải nghiệm, trại nghiên cứu theo chủ đề, lớp học du lịch trải nghiệm giáo dục...
Các sản phẩm du lịch trải nghiệm phong phú đã thu hút lượng khách rất lớn. Đáng chú ý, bên cạnh các điểm đến quen thuộc, địa phương còn xây dựng một loạt công trình văn hóa mới phục vụ du lịch trải nghiệm, học tập và nghiên cứu như Thánh địa Ni Sơn, Bảo tàng Khổng Tử, Viện nghiên cứu Khổng Tử... đồng thời đưa vào các tuyến du lịch trải nghiệm với lộ trình hấp dẫn.
Thống kê cho thấy, chỉ riêng thành phố Tế Ninh đã thiết kế 4 tuyến du lịch theo chủ đề lớn, 10 tuyến du lịch chất lượng cao, 647 khóa học và 220.000 giờ nghiên cứu để phục vụ du khách đến trải nghiệm, học tập, nghiên cứu lịch sử-văn hóa địa phương.
Theo đánh giá, hình thức du lịch mới này nhận được sự đón nhận của xã hội, bởi không chỉ đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm của du khách, mà còn góp phần nâng cao vốn hiểu biết, tình cảm gắn bó, hình thành thái độ ứng xử đúng đắn với lịch sử-văn hóa truyền thống và môi trường thiên nhiên.
Thống kê của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cho thấy, nửa đầu năm 2023, có tổng cộng 2,384 tỷ lượt người đi du lịch trong nước, tăng 63,9%; doanh thu du lịch trong nước đạt 2.300 tỷ nhân dân tệ, tăng 95,9% so mức cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, du lịch trải nghiệm văn hóa, giáo dục, nghiên cứu là một trong những loại hình được ưa chuộng, thu hút khá đông du khách.
Hữu Hưng
(Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc)