Du lịch Việt Nam nói không với rác thải nhựa để phát triển bền vững
Sử dụng chai thủy tinh đựng nước nhằm góp phần tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường trong các cuộc họp tại thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và xác định rõ trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp du lịch đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường, ngành du lịch đã triển khai nhiều chương trình, hành động cụ thể để góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và từng bước cải thiện chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh về môi trường.
Trong đó, ngành xây dựng bộ tiêu chí nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh áp dụng đối với các cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam; phối hợp kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường du lịch, tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về bảo vệ môi trường du lịch…
Mới đây nhất, ngành đã phát động Chiến dịch bảo vệ môi trường du lịch “Go Green-Du lịch Xanh” cam kết chung tay bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên.
Chiến dịch này hướng tới nâng cao tính tự giác, ý thức, trách nhiệm chung tay bảo vệ môi trường của tất cả các doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch, đảm bảo tiêu chí xanh, sạch ở tất cả các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch của Việt Nam.
Đặc biệt, để hưởng ứng phong trào nói không với rác thải nhựa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 1857/BVHTTDL-TCDL về bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nylon, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần.
Bộ đề nghị các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch thực hiện và chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu du lịch, điểm du lịch triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường.
Trong đó các đơn vị tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng ống hút, cốc bằng vật liệu có nguồn gốc hữu cơ hoặc có thể dùng nhiều lần; hạn chế sử dụng túi nylon, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần và các sản phẩm khó phân hủy, giảm thiểu rác thải nhựa…
Cùng với đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), cùng Hiệp hội Du lịch Hà Nội đã có những hoạt động thiết thực triển khai Chương trình “Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa” hướng tới mục tiêu lâu dài là xây dựng ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường ở tất cả các doanh nghiệp du lịch cũng như lao động trong lĩnh vực du lịch.
Theo đó, mục tiêu trước mắt của chương trình là “ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xả rác, làm ô nhiễm môi trường tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch trên toàn quốc, hạn chế ở mức thấp nhất rác thải nhựa, đặc biệt là từ nhựa sử dụng một lần và có biện pháp thu gom, xử lý rác thải nhựa triệt để.
Mở màn chương trình là chuyến caravan do 2 hiệp hội tổ chức vào giữa tháng 7 vừa qua tại các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La. Hoạt động mở đầu này đã kêu gọi được một số lượng đông đảo các doanh nghiệp du lịch tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng trong việc thay đổi ý thức sử dụng đồ nhựa và túi nylon từ các doanh nghiệp.
Chuyến caravan không những trực tiếp làm thay đổi suy nghĩ của các doanh nghiệp tham gia, mà còn tác động đến những doanh nghiệp ở các địa phương mà đoàn đi qua.
Bên cạnh đó, VITA cũng khuyến khích các doanh nghiệp hội viên trong cả nước phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn định kỳ tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại rác thải, góp phần gìn giữ môi trường xanh, sạch đẹp.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành, du lịch, lưu trú cũng đã chủ động bắt tay hành động nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, nhất là nhựa dùng một lần ngay tại đơn vị.
Ví dụ như thay vì phát chai nước nhựa cho du khách các đơn vị đã chuyển dần sang dùng bình nước lớn, tái sử dụng chai đựng nước. Các phòng họp, khách sạn chuyển chai nước nhựa sang dùng dùng cốc, chai thuỷ tinh để dùng được nhiều lần. Nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống đã thay thế ống hút nhựa bằng ống hút tre, inox, giấy...
Trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam phát triển rất nhanh và đang trên hành trình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Ngành du lịch cũng đặt ra vấn đề phát triển du lịch bền vững, trong đó nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường ở các điểm đến du lịch trên toàn quốc.
Việt Nam hiện nay đang đứng thứ 4 trong số các nước xả rác thải nhựa nhiều nhất ra môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Điều này gióng lên một hồi chuông cảnh báo, nếu ngành du lịch không kịp thời có những hành động phù hợp, du khách đến với chúng ta sẽ phải chịu “du lịch chung với rác thải nhựa.”
Trên thực tế, sự “tấn công” của rác thải nhựa đã lan tới hầu hết các khu du lịch ở Việt Nam. Cách đây không lâu, nhiếp ảnh gia Lekima Hùng đã có một triển lãm ảnh mang tên “Hãy cứu biển” với các tác phẩm chọn lọc từ hơn 3.000 bức ảnh anh đã chụp.
Nhiều bức ảnh trong số đó đặc tả cảnh rác thải nhựa, túi nilon dày đặc ở những nơi là điểm du lịch như Khánh Hòa, Cần Thơ, Thái Bình…
Rác thải nhựa cũng làm ảnh hưởng ít nhiều đến ngành du lịch của Việt Nam. Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, bên cạnh những tác động tích cực đối với kinh tế, xã hội, du lịch cũng đem lại những tác động nhất định đến môi trường. Tình trạng ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đã làm giảm đi ít nhiều sự hấp dẫn của các điểm đến.
Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành toàn cầu do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, tiêu chí bảo vệ môi trường của Việt Nam đang là điểm yếu, xếp hạng 129/136 quốc gia xét về tính bền vững của môi trường./.