Đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long
Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh/ thành Đồng bằng sông Cửu Long ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch
Đây là hội nghị thứ 2 được tổ chức về chủ đề này trong vòng 3 tháng sau hội nghị lần thứ nhất diễn ra ngày 5/9/2019 trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh 2019.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho biết, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dù có tiềm năng rất đa dạng và phong phú nhưng nhìn chung du lịch toàn vùng vẫn chưa thực sự phát triển, thiếu các trung tâm và điểm đến du lịch có tính đặc trưng cao, đẳng cấp chất lượng quốc tế; sản phẩm du lịch gần giống nhau giữa các tỉnh trong vùng; thiếu chiến lược phân vùng và liên kết du lịch để tạo ra chuỗi toàn vùng; thiếu các cơ chế, thể chế, chính sách thúc đẩy liên kết nên kết quả vẫn còn rất khiêm tốn so với các vùng trọng điểm của cả nước…
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu mong muốn hội nghị sẽ là cơ hội để các lãnh đạo và cơ quan chuyên môn, cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch gặp gỡ, trao đổi và bàn các giải pháp nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ, hợp tác trong liên kết phát triển du lịch của liên vùng; thống nhất các thể chế, cơ chế chính sách nhằm phát huy tối đa tiềm năng và sản phẩm du lịch cho từng tiểu vùng và từng địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, việc liên kết du lịch cần có sự tham gia của các tỉnh thành liên quan; khai thác các tiềm năng lẫn nhau, trong đó, mục tiêu đặt ra từ việc liên kết là tăng chi tiêu của du khách, kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi tới các tỉnh. Ngoài ra, cần tạo dựng một thương hiệu chung về du lịch của TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long để giới thiệu dễ dàng, ấn tượng đến du khách thay vì những thương hiệu riêng lẻ lại trùng lắp. Các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng phải có cơ chế đồng hành, thúc đẩy các doanh nghiệp lữ hành khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù; đặc biệt là cần kêu gọi những tập đoàn du lịch lớn tham gia để tạo sự phát triển mạnh mẽ hơn.
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc liên kết phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm, gắn Nhà nước với doanh nghiệp du lịch, vì vậy các địa phương cần bám sát chiến lược của quốc gia dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bên cạnh đó, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch và TP. Hồ Chí Minh là đầu mối, là nơi thí điểm để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quốc tế sau đó sẽ triển khai tiếp ở các địa phương.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng đánh giá cao sự chủ động, tích cực của ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã khẩn trương cụ thể hóa kết quả Hội nghị lần thứ nhất tại TP. Hồ Chí Minh vừa qua; đồng thời cho rằng các nội dung liên kết hợp tác phát triển du lịch tại Hội nghị phù hợp với quan điểm, định hướng phát triển du lịch cả nước. Đây sẽ là hướng đi mới, phù hợp với xu thế phát triển du lịch trên thế giới hiện nay, góp phần đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh, tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng và các địa phương trong vùng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế sâu sắc hiện nay.
Thứ trưởng Lê Quang Tùng cũng cho rằng trên cơ sở thỏa thuận, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương cần xây dựng kế hoạch liên kết hợp tác cụ thể và hàng năm. Ngoài ra, các địa phương trong vùng cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tăng cường quản lý điểm đến, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện.
Năm 2018, lượng du khách đến Đồng bằng sông Cửu Long đạt 40 triệu lượt, tăng 17%; trong đó du khách quốc tế đạt 3,7 triệu lượt, tăng 20% so với năm 2017; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 24 nghìn tỷ đồng. Mười tháng của năm 2019, tổng lượng khách cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 32 triệu lượt, trong đó có 5,5 triệu khách quốc tế. Năm 2018, TP. Hồ Chí Minh đón 36,5 triệu lượt du khách, trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 7,5 triệu lượt, tăng 17,38%, khách du lịch nội địa ước đạt 29 triệu lượt, tăng 16,07% so với năm 2017; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 140 nghìn tỷ đồng, tăng 21,55% so với cùng kỳ, đạt 102% kế hoạch năm 2018. Chín tháng của năm 2019, tổng lượng khách quốc tế đến TP. Hồ Chí Minh ước đạt 6.225.000 lượt khách, tăng 14,3% so với cùng kỳ và đạt 73% kế hoạch năm 2019; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 108.300 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018. |
Thu Thủy