Tin tức - Sự kiện

Tìm giải pháp tăng trải nghiệm cho khách, nâng sức hút du lịch Việt

Cập nhật: 10/12/2019 15:55:20
Số lần đọc: 835
Đây là lần thứ 2 Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam được tổ chức, trong đó các nội dung thảo luận xoay quanh các vấn đề cấp thiết của ngành du lịch. Nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (từ 10-40%). Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao, trung bình hơn 1.000 USD cho một chuyến 9 ngày. Những con số này đặt ra cho ngành du lịch Việt bài toán cấp thiết cần tháo gỡ.


Các đại biểu tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2019. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn, thiếu gắn kết, các hoạt động giải trí, mua sắm, chăm sóc khách chưa đa dạng… Do đó, tại diễn đàn, các diễn giả đã trao đổi, tìm giải pháp cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch…

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia (TAB), thành viên Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), cho rằng khâu yếu nhất cần phải cải thiện của du lịch Việt là tăng cường trải nghiệm.

“Trải nghiệm đó chính là nền tảng giúp chúng ta có thể tiếp tục hút khách vào. Vì mỗi khách có trải nghiệm tốt, khi trở về nước họ sẽ nói cho 5-6 người khác. Như vậy, hiện nay chúng ta có hơn 18 triệu khách quốc tế rồi thì sẽ có khoảng 80 triệu khách tiềm năng. Khi giúp du khách có những trải nghiệm tốt, tôi tin chắc chắn rằng chúng ta hoàn toàn có thể đạt được con số đó nếu chúng ta ‘bắt tay’ làm cùng nhau, từ cơ quan nhà nước, các cơ quan quản lý điểm đến, các công ty du lịch tới các cộng đồng địa phương có hưởng lợi từ du lịch,” ông Kiên nói.

Trong khi đó, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Du lịch cho rằng, điểm nổi bật của du lịch Việt Nam giai đoạn này là sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà đầu tư tư nhân trog phát triển hạ tầng, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá du lịch.

“Cùng với đó là sự quan tâm, cùng vào cuộc của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, qua đó đã tạo dựng lên các sản phẩm đẳng cấp, các điểm đến hấp dẫn, các khu du lịch có thương hiệu mạnh với quy mô, chất lượng và phương thức kinh doanh hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng chính là đòn bẩy tăng trưởng du lịch trong cả nước và địa phương thời gian qua,” ông Chung nói.

Đặc biệt, Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam là cuộc gặp gỡ, đối thoại công-tư cấp quốc gia, khu vực để thảo luận những vấn đề, giải pháp thúc đẩy sự phát triển bứt phá, bền vững cho du lịch Việt Nam.

Ba mục tiêu hướng đến của diễn đàn lần này là thống nhất chương trình hành động để cải thiện năng lực cạnh tranh du lịch quốc gia; thúc đẩy giải các bài toán cấp bách về đầu tư, quảng bá, thu hút khách từ các thị trường chiến lược; hiện thực hóa sáng kiến xây dựng thị trường hàng không chung ASEAN năm 2010.

Bên cạnh đó, diễn đàn cũng tập trung trao đổi về hoạt động quảng bá, cải thiện quá trình lập kế hoạch, đặt dịch vụ của du khách và phát triển hàng không. Các đại biểu cùng thảo luận và đưa ra các đề xuất, kiến nghị về bốn vấn đề: Tổ chức lại hoạt động quảng bá, cải thiện quá trình lập kế hoạch - đặt dịch vụ của du khách, nâng cao chất lượng điểm đến và phát triển hàng không, tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng hàng không...

Trong khuôn khổ diễn đàn lần này đã diễn ra lễ ký kết các biên bản ghi nhớ, hợp tác thỏa thuận giữa các bên để phát triển sản phẩm, dịch vụ, cải tạo hạ tầng, quảng bá điểm đến. Đáng chú ý là ký kết hợp tác giữa Tổng cục Du lịch với Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) về thành lập, vận hành hai văn phòng quảng bá du lịch Việt Nam tại Anh và Australia./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT