Tổ chức lại hoạt động quảng bá và truyền cảm hứng cho du khách
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu tại hội nghị (Ảnh: BTC)
Khai mạc hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết du lịch Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Sau 11 tháng năm nay, du lịch Việt Nam đã đón 16,3 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng 15,4% so với cùng kỳ 2018. Trong đó tháng 11/2019 đón lượng khách cao kỷ lục từ trước tới nay là 1,81 triệu lượt, tăng 39% so với tháng cùng kỳ 2018. Du lịch Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng danh giá từ các tổ chức quốc tế uy tín và được coi là một điểm đến đang lên của khu vực và thế giới.
Trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và nâng cao chất lượng dịch vụ, ngành du lịch cần tìm giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá, làm thế nào để du khách yêu mến Việt Nam hơn. Phó Tổng cục trưởng hy vọng hội nghị với sự tham dự của các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp du lịch, các hãng truyền thông quốc tế lớn như CNBC, BBC... sẽ thu hút nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp để đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá trong thời gian tới.
Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh, tại diễn đàn mở này, Tổng cục Du lịch và các cơ quan quản lý du lịch ở địa phương sẽ lắng nghe các ý kiến, thảo luận cởi mở với các doanh nghiệp, tổ chức. Các ý kiến đề xuất tại hội nghị sẽ được tổng hợp để báo cáo phiên toàn thể của Diễn đàn rồi báo cáo tới Chính phủ.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về các vấn đề như đổi mới slogan du lịch, huy động các nguồn lực hỗ trợ xúc tiến du lịch, thành lập các văn phòng du lịch ở nước ngoài...
Đối với slogan du lịch quốc gia, hầu hết các đại biểu thống nhất rằng slogan của ngành cần gắn với giá trị nổi bật của du lịch Việt Nam, khơi gợi cảm hứng du lịch và khám phá cho du khách. Nhấn mạnh đây là một việc làm cần kiên trì, có thể phải thực hiện trong nhiều năm, lựa chọn cẩn thận để có thể sử dụng bền vững, lâu dài. Đồng thời, nếu đổi mới cần thận trọng, tiến hành trên cơ sở đánh giá toàn diện hiệu quả của slogan hiện có.
Toàn cảnh Hội nghị chuyên đề (Ảnh: TF)
Về huy động các nguồn lực hỗ trợ xúc tiến du lịch, các đại biểu đều nhận định rằng ngân sách dành cho xúc tiến của du lịch Việt Nam chỉ khoảng 2 triệu USD (từ chương trình hành động quốc gia về du lịch và chương trình xúc tiến du lịch quốc gia) hiện rất thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia... có ngân sách lên tới hàng chục triệu USD. Trong bối cảnh đó, cần phát huy nguồn lực từ các doanh nghiệp, địa phương và tìm ra những cách làm mới, hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Những ví dụ từ câu chuyện thành công của du lịch Quảng Bình cũng đã được nêu ra tại hội nghị. Bên cạnh đó, các hãng truyền thông quốc tế cũng bày tỏ sự ủng hộ sẵn sàng hỗ trợ du lịch Việt Nam trong những chiến dịch truyền thông, quảng bá ra thế giới.
Về vấn đề văn phòng du lịch ở nước ngoài, đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho biết, vừa qua đã thành lập 2 văn phòng quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài theo cơ chế hợp tác công tư. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quảng bá du lịch Việt Nam ở một số thị trường trọng điểm. Trước đó, cũng trong năm 2019, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Đại sứ du lịch Việt Nam Lý Xương Căn thành lập Đại diện xúc tiến du lịch của Tổng cục Du lịch Việt Nam ở Hàn Quốc theo cơ chế xã hội hóa. Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho rằng đây là vấn đề lâu dài, sẽ tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ, tạo điều kiện để thành lập các văn phòng quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời nghiên cứu đề xuất các giải pháp linh hoạt có sự tham gia của các bên liên quan cùng quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam.
Hội nghị cũng thu hút nhiều ý kiến của đại diện các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành, các hãng truyền thông, các địa phương liên quan đến kinh nghiệm xúc tiến, quảng bá du lịch, xử lý thông tin phản hồi của khách hàng, cách phân bổ nguồn lực cho xúc tiến du lịch cho một giai đoạn, kinh nghiệm xúc tiến một số nước...
Các đại biểu cũng nhất trí rằng để cải thiện các vấn đề của Ngành cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các bên liên quan về phát triển du lịch, đề cao sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ, từ đó thúc đẩy nhận thức đi đến hành động cụ thể.
Truyền Phương