Du lịch Việt Nam tăng cường hợp tác với Hiệp hội du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA)
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: TITC
Tại buổi làm việc, Giám đốc vận hành Hiệp hội du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA), ông Paul Prungkarn nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những thành viên được PATA rất coi trọng. Đồng thời bày tỏ luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong những hoạt động phục hồi, phát triển du lịch và tìm kiếm, kết nối các chuyên gia, đối tác trong ngành. Đồng thời cũng ghi nhận những ý kiến của Việt Nam trong những sáng kiến, đề xuất về các hoạt động tăng cường hợp tác du lịch, nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực giữa hai bên.
Trân trọng những đánh giá cao của PATA đối với du lịch Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, nhiều năm qua, Việt Nam là thành viên của PATA và cũng được hưởng nhiều lợi ích từ các hoạt động xúc tiến du lịch. PATA đã luôn ủng hộ Việt Nam trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và đã cử các đối tác, chuyên gia hỗ trợ cho du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam thường xuyên tham gia các hoạt động xúc tiến quảng bá, hội nghị hội thảo do PATA tổ chức. Việt Nam là thị trường lớn và đang ngày càng phát triển cả du lịch inbound và outbound. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp du lịch có rất nhiều cơ hội, tiềm năng để phát triển trong thị trường này.
Nhằm tăng cường hợp tác du lịch giữa hai bên, Phó Tổng cục trưởng đề xuất chương trình “Đi tìm kho báu” đã từng được thảo luận trước đây có thể triển khai thực hiện ở Việt Nam. Bên cạnh đó, hai bên có thể cân nhắc tổ chức Hội chợ du lịch PATA tại Việt Nam nhằm giới thiệu Việt Nam cũng như các quốc gia thành viên khác trong khu vực đến đông đảo bạn bè quốc tế.
Đoàn Việt Nam tại buổi làm việc. Ảnh: TITC
Đánh giá cao đề xuất của Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, Giám đốc vận hành PATA Paul Prungkarn cho rằng, rất nhiều thành viên PATA là doanh nghiệp du lịch quan tâm và có nhu cầu đầu tư, phát triển ở Việt Nam. Đồng thời tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn, có tiềm năng thúc đẩy các hoạt động phát triển du lịch cho toàn khu vực. Giám đốc điều hành PATA đề nghị hai bên sẽ tiếp tục xem xét, trao đổi về nội dung, yêu cầu trong công tác chuẩn bị, tổ chức. PATA sẽ cập nhật tài liệu, thông tin đầy đủ hỗ trợ trong quá trình triển khai.
Trong hai năm 2021 - 2022, PATA đã phối hợp với Việt Nam tổ chức dự án Khả năng phục hồi điểm đến và tổ chức những khoá đào tạo dành cho Việt Nam phục hồi sau đại dịch Covid-19. Trong năm 2023, Hiệp hội du lịch châu Á - Thái Bình sẽ tiếp tục triển khai dự án mở rộng hơn, đồng thời dự kiến tổ chức một hội thảo đào tạo tại Việt Nam trong Quý IV và sẽ đào tạo cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa về những chủ đề như quản lý tài chính. PATA đã xây dựng giáo án giảng dạy bằng 6 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt.
Các đại biểu tặng quà lưu niệm. Ảnh: TITC
Giám đốc vận hành Hiệp hội du lịch châu Á - Thái Bình Dương gửi lời cảm ơn vì Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức các chương trình đào tạo du lịch trong hai năm vừa qua. Đồng thời mong rằng thời gian tới, hai bên sẽ tăng cường hợp tác, mở rộng chương trình giảng dạy.
Về triển khai các hoạt động này, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết Tổng cục Du lịch giao cho Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch làm đầu mối liên hệ với PATA. Trong kế hoạch năm 2023, Tổng cục Du lịch cũng có kế hoạch tổ chức hội thảo đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Nhu cầu đào tạo nhân lực cho du lịch Việt Nam, đặc biệt đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất lớn. Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác với PATA để đảm bảo tính chuyên nghiệp trong tổ chức các hoạt động đào tạo, hội thảo, hội chợ ở Việt Nam.
Các đại biểu tặng quà lưu niệm. Ảnh: TITC
Trung tâm Thông tin du lịch (từ Yogyakarta, Indonesia)