Tin tức - Sự kiện

Hoạt động chuyển đổi số ngành du lịch năm 2022 diễn ra sôi nổi, đồng bộ

Cập nhật: 25/01/2023 10:29:24
Số lần đọc: 904
(TITC) - Năm 2022, hoạt động chuyển đổi số trong ngành du lịch tiếp tục diễn ra tích cực. Dấu ấn quan trọng nhất là việc triển khai ở các địa phương bắt đầu đã có sự đồng bộ, thống nhất theo định hướng của Tổng cục Du lịch. Đây là cơ sở để tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết trong toàn ngành.

Xây dựng chính sách cho chuyển đổi số trong du lịch

Chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, trong đó nhấn mạnh ưu tiên phát triển du lịch số, du lịch thông minh là những lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao. Năm 2022, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các văn bản quan trọng nhằm kiến tạo và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch, gồm có: Kế hoạch phát triển Du lịch số giai đoạn 2021-2025 của Bộ VHTTDL được ban hành theo Quyết định số 172/QĐ-BVHTTDL ngày 25/01/2022 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL; “Đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” được ban hành theo Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL ngày 21/12/2022 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL; Công văn số 1818/TCDL-TTTTDL ngày 04/11/2022 của Tổng cục Du lịch gửi các sở quản lý du lịch ở địa phương về việc phối hợp triển khai chuyển đổi số.

Phổ biến các nền tảng số cốt lõi của ngành du lịch

Các nền tảng số cốt lõi của ngành du lịch được Tổng cục Du lịch phát nhằm mang đến những tiện ích và hỗ trợ thiết thực cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và khách du lịch, hướng tới hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch, cụ thể:

Hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về du lịch: gồm có hệ thống Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; hệ thống dashboard thông tin điều hành du lịch; hệ thống báo cáo thống kê du lịch được quy định tại Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL của Bộ VHTTDL.

Hỗ trợ hoạt động kinh doanh du lịch: gồm nhiều sản phẩm số quan trọng hỗ trợ khách du lịch, hướng dẫn viên du lịch và các doanh nghiệp du lịch. Trong đó, 5 sản phẩm cốt lõi đang được đẩy mạnh sử dụng rộng rãi bao gồm: (1) Thẻ Việt - Thẻ Du lịch thông minh; (2) Nền tảng đa dịch vụ Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel; (3) Nền tảng Quản trị và Kinh doanh du lịch; (4) Trang vàng Du lịch Việt Nam; (4) Hệ thống thẻ - vé điện tử.

Hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch: gồm hệ thống các website và mạng xã hội như: website https://vietnamtourism.gov.vn tuyên truyền về chủ trương, chính sách phát triển du lịch; website https://vietnam.travel quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài; website https://moitruongdulich.vn tuyên truyền bảo vệ môi trường du lịch ở Việt Nam; cùng các trang mạng xã hội trên Facebook, Zalo, YouTube, Instagram

Nhân dịp Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) đã thiết thực kỷ niệm thông qua việc quảng bá rộng rãi các ứng dụng, sản phẩm chuyển đổi số của Tổng cục Du lịch nhằm mục đích hướng đến một hệ sinh thái chuyển đổi số thống nhất trong ngành, khơi dậy tinh thần sáng tạo, đổi mới, ứng dụng công nghệ hỗ trợ phát triển du lịch.

Xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch

Lần đầu tiên ngành Du lịch Việt Nam có tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số hoạt động du lịch. Tài liệu do Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) xây dựng. Đây là khung hướng dẫn để triển khai chuyển đổi số một cách thống nhất, đồng bộ trong ngành du lịch, giúp tối ưu hóa kết quả, tiết kiệm nguồn lực và tăng cường tính liên kết trong toàn ngành.

Tài liệu giới thiệu tổng quan về chủ trương, định hướng chuyển đổi số, hệ sinh thái du lịch thông minh và đặc biệt là các hướng dẫn chi tiết để các cơ quan quản lý, điểm đến, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có thể triển khai áp dụng tại đơn vị, đồng thời kết nối tích hợp vào các nền tảng số quốc gia của Tổng cục Du lịch.

Hỗ trợ các địa phương triển khai chuyển đổi số trong du lịch

Năm 2022, Trung tâm đã hỗ trợ Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch áp dụng hệ thống vé điện tử. Trong thời gian qua, hệ thống vé điện tử đã vận hành tốt và ổn định tại hai khu di tích, đem lại nhiều tiện ích cho người dân, du khách, ban quản lý trong việc đến, tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại khu di tích. Ngay trong những ngày đầu năm 2023, Trung tâm đã hỗ trợ Ban quản lý Đền Quán Thánh (Hà Nội) áp dụng hệ thống này và đang tiếp tục làm việc với Ban quản lý Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Ban quản lý Vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) và một số khu, điểm du lịch khác.

Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám áp dụng hệ thống vé điện tử (Ảnh: TITC)

Bên cạnh đó, tích cực triển khai thực hiện văn bản số 1818/TCDL-TTTTDL ngày 4/11/2022 của Tổng cục Du lịch, Trung tâm Thông tin du lịch đã tổ chức các chương trình tập huấn về chuyển đổi số tại nhiều địa phương như: Mường La (Sơn La), Hà Giang, Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Cần Thơ…

Các chương trình tập huấn đã đáp ứng tốt nhu cầu, mong muốn, cũng như gỡ “nút thắt” của các địa phương trong chuyển đổi số du lịch. Giúp thống nhất nhận thức về chuyển đổi số, về các chủ trương, định hướng, sự hỗ trợ từ Tổng cục Du lịch, nhấn mạnh yêu cầu nâng cao tính liên kết trong chuyển đổi số và đặc biệt là cung cấp những hướng dẫn cụ thể triển khai chuyển đổi số ở địa phương.

Trung tâm Thông tin du lịch tổ chức các chương trình tập huấn về chuyển đổi số tại nhiều địa phương (Ảnh: TITC)

Những nỗ lực và thành quả của Tổng cục Du lịch cùng toàn ngành trong năm 2022 trong công tác ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số hoạt động du lịch đã để lại những dấu ấn tích cực, tạo ra nền tảng để triển khai chuyển đổi số một cách đồng bộ, thống nhất trong toàn ngành. Đồng thời mang lại động lực và sự hứng khởi để các bên tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công cuộc chuyển đổi số ngành du lịch Việt Nam, góp phần vào sự phục hồi và phát triển bền vững của ngành.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 24/01/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT