Du lịch Việt Nam xây dựng sản phẩm đẳng cấp, có sức cạnh tranh cao, khẳng định thương hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung
Hệ thống sản phẩm du lịch đẳng cấp, có thương hiệu
Từ trước tới nay tại nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề về du lịch hay ngay cả trên hệ thống thông tin truyền thông, nhận định “sản phẩm du lịch Việt Nam còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa có nhiều sản phẩm đặc thù, đủ sức cạnh tranh…” dường như được nghiễm nhiên thừa nhận như là một thực trạng cố hữu. Tuy vậy, nếu xem xét một cách tổng thể, hệ thống sản phẩm không ở đẳng cấp cao, chưa đủ sức cạnh tranh thì du lịch Việt Nam khó để có thể được nhiều tổ chức quốc tế trao tặng, vinh danh ở nhiều hạng mục giải thưởng, nhiều năm liên tiếp đạt mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trung bình của ngành Du lịch toàn cầu, liên tiếp phá các kỷ lục về lượng khách đến với hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, đạt tốc độ tăng trưởng thuộc hàng cao nhất thế giới như trong năm 2019 vừa qua.
Trong những năm gần đây, với sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, Du lịch Việt Nam đã hình thành hệ thống sản phẩm du lịch chủ lực, dịch vụ du lịch khá đa dạng trên cơ sở khai thác tiềm năng nổi trội, nhất là tại các vùng du lịch trọng điểm. Nhiều thương hiệu quốc tế lớn về khách sạn toàn cầu như Accor, Marriot, Hyatt, Intercontinental, HG, Four Seasons… đều đã góp mặt tại Việt Nam và tạo ra những sản phẩm, dịch vụ đẳng cấp quốc tế. Nhiều dự án du lịch quy mô lớn, hiện đại do các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng, hoàn thiện và đưa vào khai thác tại nhiều địa phương đã góp phần thay đổi hình ảnh và nâng cao chất lượng du lịch Việt Nam, tạo động lực, đòn bẩy cho sự phát triển du lịch cả nước.
Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định: “Tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh nổi trội”. Triển khai thực hiện Chiến lược trong gần 10 năm qua, đến nay hệ thống sản phẩm với 4 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo đã được hình thành rõ nét. Đó là các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển kết hợp tham quan, ngắm cảnh, chèo thuyền, du thuyền, lặn biển, lướt ván… gắn liền với các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, tổ hợp vui chơi giải trí, sân golf, công trình du lịch hiện đại… ở các khu du lịch biển như vịnh Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc, Côn Đảo... Trong đó đã định vị nhiều thương hiệu với các sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế như khu vui chơi giải trí Sun World Hạ Long, sân golf FLC Hạ Long, cảng tàu khách du lịch quốc tế Tuần Châu ở Quảng Ninh; khu nghỉ dưỡng InterContinental, cung hội nghị Ariyana, Bà Nà Hill, Cầu Vàng ở Đà Nẵng; khu nghỉ dưỡng Sea Links Beach ở Bình Thuận; khu nghỉ dưỡng Six Senses ở Côn Đảo; khu vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng Vinpearl ở Nha Trang; InterContinental Long Beach Resort ở Phú Quốc… Những thương hiệu này đã trở thành điểm nhấn quan trọng của ngành du lịch ở nhiều địa phương, trở thành cực hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Đó còn là hệ thống sản phẩm du lịch gắn với các loại hình di sản thế giới ở Ninh Bình (Tràng An), Quảng Bình (hang Sơn Đoòng), Thừa Thiên Huế (cố đô Huế), Quảng Nam (đô thị cổ Hội An)… đã tạo ấn tượng sâu sắc cho mỗi du khách, qua đó góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế chủ đạo của các địa phương này. Đó là loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, thể thao mạo hiểm, nghỉ dưỡng núi ở khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và ĐBSCL đã tạo ra sức bật mới cho phát triển du lịch ở các địa phương còn nhiều khó khăn. Đó là các sản phẩm du lịch MICE, mua sắm, lễ hội, tham quan thành phố tại các trung tâm đô thị lớn Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. HCM; du lịch gắn với văn hóa truyền thống và đương đại với các tour xem múa rối, tham quan làng nghề, thưởng thức các chương trình nghệ thuật Tinh hoa Bắc bộ, Ký ức Hội An, Áo dài show; sản phẩm du lịch gắn với sức khỏe, chữa bệnh theo phương pháp cổ truyền, tắm nước khoáng nóng, ngâm thuốc bắc, tắm bùn, ăn chay, spa ở vùng rừng núi Tây Bắc, Đông Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Quảng Ngãi... được phát triển đồng bộ, khai thác hiệu quả thế mạnh của từng địa phương. Ngoài các sản phẩm du lịch truyền thống, nhiều loại hình, sản phẩm, dịch vụ du lịch mới cũng đang được hình thành rõ nét hơn như dịch vụ du lịch cưới hỏi cao cấp ở Đà Nẵng và Phú Quốc; các chương trình du lịch ẩm thực, nông nghiệp ở Hà Nội, Hội An, Đà Lạt, Tp. HCM, Lai Châu; loại hình du lịch thể thao ở Lào Cai, Hà Giang, Đà Nẵng; du lịch gắn với sự kiện, lễ hội ở Lào Cai, Đà Nẵng, Huế; du lịch golf, du lịch về đêm… đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của du khách trong nước và quốc tế, đón đầu xu hướng du lịch mới của thế giới.
Có thể khẳng định, chưa bao giờ hệ thống sản phẩm, dịch vụ Du lịch Việt Nam lại có sức cạnh tranh cao, khẳng định thương hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á đa dạng, hấp dẫn và đạt chất lượng cao như hiện nay, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh cả về tự nhiên và văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền. Một số sản phẩm nghỉ dưỡng biển, du lịch gắn với di sản văn hóa đạt đẳng cấp thế giới, có sức cạnh tranh cao so với các đối thủ trong cùng khu vực.
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long
Những định hướng cho thời gian tới
Dự thảo Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định mục tiêu trong thời gian tới là: “xây dựng sản phẩm, loại hình du lịch có hệ thống, có kiểm soát chất lượng và có tính đặc trưng, đặc sắc; phát triển mạnh du lịch biển với quy mô, tầm cỡ quốc tế; phát triển du lịch văn hóa làm nền tảng; phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm và liên kết phát triển sản phẩm vùng, khu vực”. Xu hướng mới của du lịch toàn cầu cũng đang có sự chuyển dịch sang những loại hình du lịch thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch phục vụ nhu cầu sức khỏe, làm đẹp... Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định, xu thế dòng khách quốc tế sẽ tiếp tục chuyển dịch đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam; đến năm 2030, khách du lịch đi với mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí sẽ chiếm 54%; thăm viếng, chữa bệnh, tâm linh sẽ chiếm 31%; công việc và nghề nghiệp chiếm 15% tổng lượng khách du lịch. Lựa chọn phương hướng phát triển du lịch phù hợp với xu thế trên cơ sở tài nguyên du lịch phong phú của đất nước, từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao là một trọng tâm phát triển Ngành trong bối cảnh hiện nay. Qua đó khẳng định thương hiệu Điểm đến hàng đầu trong quá trình hội nhập du lịch quốc tế và cạnh tranh toàn cầu.
Để thực hiện những mục tiêu Chiến lược đề ra và đón đầu xu hướng du lịch thế giới, trong thời gian tới, ngành Du lịch cả nước cần khai thác hiệu quả lợi thế quốc gia và sự độc đáo của văn hóa dân tộc để tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh cho hệ thống sản phẩm, dịch vụ. Trong quá trình này, bên cạnh việc tiếp tục xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới thì yếu tố sáng tạo để tạo sự khác biệt, để làm mới hệ thống sản phẩm hiện có là yêu cầu tiên quyết nhằm tạo thêm điểm nhấn, gia tăng trải nghiệm cho du khách, hướng tới những thị trường khách chi trả cao và lưu trú dài ngày. Không chỉ vậy, các sản phẩm du lịch sáng tạo sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm, giảm áp lực cho những điểm đến truyền thống, giúp phân bố đều không gian du lịch, giảm tình trạng quá tải và mất cân đối. Hiện tại, ngành Du lịch một số địa phương đang triển khai theo hướng này khá hiệu quả như Quảng Ninh đang thực hiện mở rộng không gian tham quan di sản vịnh Hạ Long bằng du thuyền cao cấp; Ninh Thuận xây dựng hệ sinh thái du lịch đồng bộ với những sản phẩm độc đáo, khác biệt như tổ hợp giải trí thể thao tuyết Ski Ninh Chữ; Tp. Hồ Chí Minh mở chợ đêm Central Market dưới lòng đất, bảo tàng tranh 3D Artinus ở Khu đô thị mới Him Lam hay hình thành khu ẩm thực chuyên biệt tại quận 5… Một định hướng quan trọng khác là tăng cường sự liên kết mạnh mẽ, đi vào thực chất trong xây dựng sản phẩm du lịch giữa: nhà quản lý – điểm đến – doanh nghiệp lữ hành, liên kết công – tư, liên kết địa phương – doanh nghiệp, liên kết giữa các địa phương trong và ngoài vùng, liên kết các ngành thương mại, hàng không, đường sắt, tàu biển… nhằm tạo ra hệ thống sản phẩm đa dạng, theo chuỗi cung ứng liên hoàn.
Theo UNWTO, du lịch golf đã trở thành một ngành công nghiệp du lịch của phân khúc cao cấp đang có tốc độ phát triển rất nhanh và có sức thu hút rất lớn đối với những người có khả năng chi trả cao. Là một đất nước có khí hậu nhiệt đới, ánh nắng quanh năm, bờ biển dài với các bãi biển nổi tiếng đã được định danh trên thế giới, đồi núi hùng vĩ, cảnh quan đa dạng và hệ sinh thái hết sức phong phú, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch golf. Việt Nam hiện có khoảng 80 sân golf đang hoạt động đã khẳng định sức rất hấp dẫn rất lớn đối với khách du lịch golf vốn ưa thích chinh phục và trải nghiệm cảm giác khác nhau về môi trường, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực… của mỗi điểm đến. Do vậy, phát triển sản phẩm du lịch golf là một định hướng chiến lược quan trọng trong thời gian tới.
Di sản thế giới Tràng An (Ninh Bình)
Giải thưởng Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019 do WTA trao tặng Việt Nam một lần nữa khẳng định, ẩm thực Việt hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt. Thực tế cho thấy, nhiều món ăn của Việt Nam đã lan tỏa ra khắp thế giới. Hình ảnh Tổng thống Bill Clinton đến ăn phở ở quán Phở 2000 (Tp. Hồ Chí Minh), Tổng thống Obama đến ăn bún chả ở quán Hương Liên (Hà Nội)… đã làm cho thương hiệu ẩm thực Việt Nam ngày càng nổi tiếng hơn. Chuyên gia về thương hiệu hàng đầu thế giới, GS. Philip Kotler đã từng đến thăm Việt Nam và gợi ý “Hãy đưa Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới” để thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Việt Nam.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng sản phẩm, các địa phương, doanh nghiệp cần lưu ý đến xu hướng từ du lịch thụ hưởng sang du lịch chủ động, du lịch khám phá; nhu cầu đặc thù của từng thị trường khách gắn với quá trình nâng cấp chất lượng cơ sở vật chất, kỹ thuật và dịch vụ, điểm tham quan du lịch, với hoạt động xúc tiến, quảng bá, phát triển nguồn nhân lực du lịch; nâng cao hiệu quả của công tác quản lý và hướng dẫn đối với các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch…
Ngô Hoài Chung
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch