Hoạt động của ngành

Thái Bình: Xây dựng mô hình sản xuất muối hữu cơ theo phương pháp truyền thống kết hợp du lịch sinh thái

Cập nhật: 27/12/2019 08:11:16
Số lần đọc: 907
(TITC) - Ngày 25/12/2019, tại Khu du lịch sinh thái Cồn Đen, UBND tỉnh Thái Bình phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng cục Du lịch tổ chức hội thảo “Xây dựng mô hình sản xuất muối hữu cơ theo phương pháp truyền thống tại xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy kết hợp du lịch sinh thái”.

Tham dự hội thảo có ông Ngô Đông Hải, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy tỉnh Thái Bình; bà Nguyễn Thị Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch; ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (BNNPTNT), cùng sự tham gia đông đảo của đại diện các cơ quan ban ngành ở trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí.

Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy tỉnh Thái Bình, Ngô Đông Hải phát biểu tại hội nghị

Trên thế giới có khoảng 120 nước sản xuất muối nhưng không có quốc gia nào sản xuất muối theo phương pháp như ở miền Bắc Việt Nam là sản xuất theo phương pháp phơi cát. Sản phẩm muối ở huyện Thái Thụy có độ mặn chỉ khoảng 30% và chứa đựng hơn 60 loại vi khoáng phù hợp với nhu cầu ăn uống sinh hoạt của người dân, ngoài ra còn có giá trị về chăm sóc sức khỏe, làm đẹp và chữa bệnh nhưng năng suất rất thấp. Mặc dù các địa phương đã có rất nhiều cố gắng trong việc gìn giữ các làng nghề, nhưng trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng; tác động của biến đổi khí hậu; đất đai bị thu hẹp do bị chia cắt và đan xen với nghề nuôi trồng hải sản; việc buôn bán nhập khẩu muối quá lớn từ nước ngoài, cộng với giá trị kinh tế thấp từ nghề muối nên những người làm nghề muối đang bỏ nghề hoặc chuyển đổi sang lĩnh vực sản xuất khác, tại Thụy Hải cũng không nằm ngoài thực trạng này.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Thái Bình, Ngô Đông Hải cho biết, những năm gần đây Thái Bình đang tập trung phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có cơ sở hạ tầng du lịch. Tốc độ phát triển kinh tế của Thái Bình liên tục đạt hơn 10%/năm. Thái Bình chủ trương xác định nông nghiệp và các sản phẩm đặc thù, du lịch phải là hướng đi quan trọng trong những năm tới. Cụ thể như nghề muối truyền thống ở xã Thụy Hải gắn với sự tích lâu đời của Bà chúa Muối và du lịch sinh thái cần được phát huy hiệu quả. Vì vậy, Thái Bình mong muốn nhận được nhiều ý kiến tư vấn của các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, nhà quản lý và các doanh nghiệp để có định hướng khôi phục, phát huy nghề muối truyền thống, kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đem lại hiệu quả cao nhất.

Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, định hướng du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn là một trong những dòng sản phẩm chủ đạo và nội dung này cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia phát triển về du lịch thì sản phẩm du lịch nông thôn chiếm từ 70-80% sản phẩm du lịch. Vì vậy trong thời gian tới các địa phương, doanh nghiệp nên đưa nhiều sản phẩm du lịch nông thôn, chăm sóc sức khỏe vào phục vụ du lịch, trong đó muối là một sản phẩm tốt.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu đã trình bày các tham luận tập trung làm rõ các vấn đề về: Giá trị dinh dưỡng của muối biển; Phải làm gì để gìn giữ nghề sản xuất muối truyền thống; Sự cần thiết phải bảo tồn đồng muối Thụy Hải; Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển nghề muối kết hợp với loại hình du lịch sức khỏe; Kết hợp yếu tố tâm linh, lễ hội văn hóa tại địa phương để thu hút khách du lịch; xây dựng thương hiệu muối Diêm Điền thành thương hiệu cấp quốc gia; xây dựng mô hình thí điểm, quy hoạch nghề muối; xây dựng mô hình du lịch nông thôn, nông nghiệp trên sản vật muối.

Kết luận về nội dung hội thảo, bà Nguyễn Thị Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND Thái Bình khẳng định: Sản phẩm muối Diêm Điền cần được bảo tồn và xây dựng thành thương hiệu có tính cạnh tranh cao; Xây dựng thương hiệu, sản phẩm muối hữu cơ phải kết hợp đồng bộ với phát triển du lịch muối, du lịch tâm linh gắn với di tích Bà chúa muối; Nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất muối hữu cơ để tạo ra được sản phẩm chất lượng, sản lượng cao; Cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng du lịch; Xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên khôi phục nghề muối, đảm bảo việc làm, thu nhập cho bà con, thu hút được đầu tư cho du lịch; Thu hút nguồn nhân lực đảm bảo mức thu nhập mà còn phải đảm bảo cuộc sống toàn diện về an sinh xã hội, văn hóa, tín ngưỡng và môi trường.

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết các bản ghi nhớ hợp tác phát triển về du lịch, nguồn nhân lực du lịch; tư vấn phục hồi và phát triển nghề muối Thụy Hải; xây dựng các tuyến du lịch sinh thái. Trước đó, ngày 24/12, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với UBND tỉnh Thái Binh tổ chức đoàn báo chí, doanh nghiệp và các chuyên gia khảo sát quy trình sản xuất muối hữu cơ và di tích Bà Chúa Muối tại Thái Thụy.

Ảnh: Lễ ký kết các bản ghi nhớ hợp tác phát triển về du lịch, nguồn nhân lực du lịch; tư vấn phục hồi và phát triển nghề muối Thụy Hải

 

 

Thế Phi

 

 

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục