Hoạt động của ngành

Kết nối phát triển du lịch Non nước Cao Bằng

Cập nhật: 25/11/2019 08:16:54
Số lần đọc: 987
(TITC) - Sau năm ngày khảo sát chuyên sâu các điểm du lịch tiềm năng tỉnh Cao Bằng dành cho các công ty du lịch và cơ quan thông tấn báo chí, buổi tọa đàm “Phát triển sản phẩm du lịch thác Bản Giốc gắn với công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng” đã được tổ chức vào ngày 22/11 dưới sự đồng chủ trì của Giám đốc Sở VHTTDL Sầm Việt An và Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch Nguyễn Đạo Dũng.

Buổi tọa đàm đã nhận được nhiều trao đổi của các doanh nghiệp lữ hành về tiềm năng, thực trạng khai thác tại các điểm du lịch, về khả năng liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa Cao Bằng và các địa phương lân cận, về những khó khăn mà các doanh nghiệp lữ hành gặp phải trong khi tổ chức chương trình du lịch tại Cao Bằng, về những sản phẩm đối với các thị trường khách khác nhau cũng như các đề xuất giải pháp trong việc phát triển sản phẩm du lịch thác Bản Giốc và du lịch Cao Bằng, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển dịch vụ du lịch.

Tiềm năng du lịch phong phú

Các thành viên tham gia đoàn khảo sát đều đánh giá cao tiềm năng du lịch Cao Bằng với cảnh quan non nước hữu tình với những nếp nhà sàn nguyên sơ của dân tộc Tày, Nùng, Dao ẩn hiện bên ruộng bậc thang, ruộng ngô cùng lũy tre, dòng sông Bằng, sông Quây Sơn xanh ngát.

Thiên nhiên đã ban tặng cho Cao Bằng nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt tác như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, quần thể hồ Thang Hen, VQG Phia Oắc – Phia Đén cùng hệ thống trên 30 hang, động. Bên cạnh đó là hệ thống 214 di tích lịch sử cách mạng, các làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa đặc sắc, và các di chỉ khảo cổ học có giá trị. Các tiềm năng du lịch này cần được kết nối quảng bá đến du khách trong và ngoài nước.

Kết nối giao thông nội tỉnh, cơ sở lưu trú cần được đầu tư hơn nữa

Đây là nhận định chung của các doanh nghiệp về giao thông kết nối giữa các điểm du lịch Cao Bằng vì hiện nay các tuyến, điểm du lịch không tạo thành vòng cung mà vẫn phải quay về trung tâm thành phố Cao Bằng để di chuyển mất nhiều thời gian đi lại. Hệ thống giao thông đã được cải thiện nhưng vẫn cần đầu tư xây mới và duy trì, tu bổ nâng cấp thường xuyên.

Cơ sở lưu trú tỉnh Cao Bằng đáp ứng được cơ bản nhu cầu khách du lịch, tuy nhiên các doanh nghiệp cũng mong muốn được đầu tư phát triển hơn nữa hệ thống homestay vì đây là loại hình lưu trú vừa để phục vụ du lịch, vừa để bảo tồn bản sắc và nâng cao đời sống người dân địa phương. Cao Bằng có nhiều bản làng dân tộc có tiềm năng phát triển homestay nhưng cần đầu tư để gia tăng hoạt động trải nghiệm và đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường.

Sản phẩm du lịch còn thiếu

Các hoạt động du lịch Cao Bằng hiện tại mới chỉ là ngắm cảnh, thưởng ngoạn chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế và giao lưu tạo sự gắn kết và tìm hiểu sâu về văn hóa bản địa, kéo dài thời gian lưu trú của khách. Tuyến phố đi bộ Kim Đồng đã có nhưng cần mở rộng để tăng cường hoạt động về đêm. Các kiot bán sản phẩm địa phương còn nhỏ lẻ cần có trung tâm giới thiệu sản phẩm địa phương có chứng nhận để đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách nhất là khách nội địa.

Các hàng quán tại khu vực thác Bản Giốc đang được bố trí chưa hợp lý gây mất cảnh quan. Dịch vụ chèo thuyền trên sông Quây Sơn tham quan thác Bản Giốc cần được đẩy mạnh nhằm tạo nên hoạt động du lịch trên bến dưới thuyền sôi động hơn.

Việc phục dựng, trùng tu di tích lịch sử cách mạng cần được quan tâm hơn nữa, thu hút khách trong nước tìm về cội nguồn cách mạng, cũng như mong muốn tìm hiểu lịch sử của khách quốc tế. Các hướng dẫn viên tại điểm đã có nhưng còn thiếu tại các điểm như làng dệt sáp ong Dao tiền và khu tưởng niệm liệt sĩ Bế Văn Đàn...

Dịch vụ cấp giấy phép thăm quan khu vực biên giới cần được thuận tiện và thuận lợi hơn nữa cho du khách. Cần bố trí thêm các điểm cấp phép.

Xây dựng quy hoạch phát triển du lịch với các tuyến điểm, sản phẩm phù hợp cho đối tượng khách nội địa và khách quốc tế có đặc điểm, nhu cầu khác nhau.

Định hướng phát triển du lịch Cao Bằng

Tại buổi tọa đàm, Giám đốc Sở VHTTDL Sầm Việt An đã chia sẻ về định hướng phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng. Theo đó Chính phủ có hướng chỉ đạo sẽ xây dựng khu du lịch thác Bản Giốc thành khu du lịch trọng điểm kiểu mẫu về du lịch biên giới, du lịch xanh. Tỉnh cũng đã xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù cho khu vực này và đang chờ thông qua. Chính phủ cũng đã quy định tập trung và khuyến khích phát triển khu du lịch thác Bản Giốc và là căn cứ để triển khai đầu tư các dự án giao thông.

Để có thể tham quan xuyên biên giới trong ngày, trạm kiểm soát đã được xây dựng, du khách sẽ có vé điện tử để ra vào, giảm tải thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch.

Về kết nối giao thông thuận lợi cho du khách, tỉnh cũng đã phương án kết nối giao thông các khu điểm du lịch và các cửa khẩu và đang được triển khai từng bước theo danh mục đầu tư.

Các điểm giới thiệu di sản sẽ được đầu tư nâng cấp thành điểm ngắm cảnh cho du khách. Tỉnh sẽ xây dựng biểu tượng trên đỉnh Phia Oắc và các biểu trưng cho các điểm khác. Năm 2021, tỉnh Cao Bằng sẽ xây dựng tuyến du lịch thứ tư từ khu vực Thạch An sang Phục Hòa. Tỉnh đã chọn cây lê là đặc trưng của Cao Bằng và có kế hoạch tổ chức lễ hội hoa Lê vào năm 2020 hoặc 2021.

Tỉnh cũng đã có kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực để sẵn sàng cho việc phát triển du lịch. Ủy ban huyện Trùng Khánh đã thường xuyên duy trì, nâng cao chất lượng hướng dẫn viên, mở các lớp học hát đàn Then, đàn Tính đế phát triển du lịch bản địa cũng như lớp đào tạo ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung) cho nhân dân, cán bộ cơ quan quản lý.

Tỉnh cũng đã đẩy mạnh công tác truyền thông thông qua trang web caobangtourism.vn và trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website của Tổng cục Du lịch.

Nhằm giới thiệu tiềm năng du lịch, khảo sát thực tế các điều kiện về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đẩy mạnh việc xây dựng sản phẩm du lịch mới, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh thác Bản Giốc gắn với công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng đến với du khách trong nước và quốc tế, Tổng cục Du lịch phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Cao Bằng tổ chức đoàn khảo sát sản phẩm du lịch tỉnh Cao Bằng từ ngày 18-22/11/2019 cho 50 đại diện công ty du lịch ba miền và cơ quan báo chí truyền thông.

Tin, ảnh Hồng Thanh

Cùng chuyên mục