Hoạt động của ngành

Tổng cục Du lịch tổ chức Tọa đàm “Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch golf”

Cập nhật: 25/10/2019 16:02:54
Số lần đọc: 1413
(TITC) - Sáng 25/10/2019, tại Khu nghỉ dưỡng Naman Retreat (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng), Tổng cục Du lịch phối hợp với Sở Du lịch Đà Nẵng, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam tổ chức buổi tọa đàm “Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch golf” nhằm tăng cường xây dựng sản phẩm du lịch golf, kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng và thu hút khách du lịch chất lượng cao trong thời gian tới.


Quang cảnh buổi tọa đàm

Tham dự tọa đàm có ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, lãnh đạo Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), lãnh đạo ngành du lịch 3 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, cùng nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc tế lớn trong nước, đại diện Hiệp hội Golf Miền Trung và các cơ quan thông tấn báo chí…

Triển khai Chương trình hành động quốc gia về du lịch năm 2019, trong thời gian từ 21-25/10, Tổng cục Du lịch tổ chức Chương trình khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch golf với sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp lữ hành quốc tế lớn trên toàn quốc, nhằm mục đích tăng cường liên kết, thúc đẩy phát triển các các sản phẩm du lịch golf. Đoàn đã khảo sát hệ thống 6 sân golf tại 3 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, kết hợp khảo sát các dịch vụ khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ bổ trợ khác.

Du lịch kết với thể thao là loại hình du lịch quan trọng trong xu hướng phát triển toàn cầu. Trong đó, golf là môn thể thao thượng lưu, thu hút sự tham gia của giới chính khách, doanh nhân, khách hàng với mức chi tiêu cao gấp đôi so với khách du lịch thông thường. Theo Tổ chức Du lịch Golf thế giới (IAGTO), thị trường khách du lịch golf phát triển hết sức mạnh mẽ trên thế giới với hơn 60 triệu golf thủ. Trong đó, khu vực Châu Á vừa là thị trường vừa là điểm đến lý tưởng phát triển các sản phẩm du lịch golf.


Ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại buổi tọa đàm

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Trong những năm qua, du lịch Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng đã có những bước tăng trưởng vượt bâc, hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng được đầu tư đồng bộ, tuy nhiên so với nhiều điểm đến trong khu vực, Việt Nam vẫn cần phải có những đột phá để nâng cao khả năng cạnh tranh. Trong định hướng phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bên cạnh các dòng sản phẩm chính là du lịch biển đảo, văn hóa, di sản, sinh thái, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, hướng tới thị trường khách có khả năng chi trả cao là yêu cầu cần thiết hiện nay. Do đó phát triển sản phẩm du lịch golf là một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay nhằm phát huy lợi thế riêng có của Việt Nam.

Khu vực miền Trung là điểm đến có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch golf với hệ thống sân golf đa dạng về địa hình hướng biển, hướng núi; hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và dịch vụ bổ trợ được đầu tư hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, bên cạnh đó còn có các điều kiện tự nhiên, văn hóa đặc sắc như cảnh quan, hệ sinh thái biển đảo, núi phong phú, ánh nắng chan hòa quanh năm, hệ thống di sản văn hóa thế giới như cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn...

Tuy nhiên, để khu vực Miền Trung trở thành điểm đến lý tưởng có thương hiệu, được định vị trên bản đồ thế giới về du lịch golf thì còn rất nhiều việc phải làm.

Thông qua chương trình khảo sát và buổi tọa đàm là diễn đàn trao đổi, hợp tác kết nối của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, nhà cung cấp dịch vụ, các công ty lữ hành để khu vực Miền Trung nói riêng và Việt Nam xây dựng được những sản phẩm du lịch golf có thương hiệu, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường golf quốc tế.

Tại buổi tọa đàm, các ý kiến đều cho rằng chương trình khảo sát là cần thiết, thiết thực, hiệu quả và cần có thêm các hoạt động  như thế này để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành, các sân golf, hiệp hội du lịch golf, các cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, trao đổi thông tin và kết nối chặt chẽ hơn nữa.


Đại diện các DN lữ hành phát biểu ý kiến

Kết luận tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu và nêu ra 4 vấn đề: (1) TCDL sẽ tham mưu cho Bộ VHTTDL, Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách mới trong đó có chính sách về du lịch golf theo hướng thông thoáng về thủ tục để thu hút đầu tư trong việc nâng cao hạ tầng du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch golf, cũng như tạo sức hút cho loại hình du lịch này; tạo điều kiện hơn nữa cho khách nhập cảnh vào Việt Nam nhất là các quốc gia có thị trường khách du lịch golf …

(2) Đề nghị Hiệp hội  Du lịch golf Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò cầu nối, liên kết các sân golf Việt Nam với các DN LH để hình thành các tour du lịch golf chuyên nghiệp, tăng giá trị và đa dạng hóa sản phẩm du lịch golf. Tăng cường liên kết giữa khách sạn, khu nghỉ dưỡng và sân golf, CLB golf cũng như các hãng hàng không và lữ hành để tạo ra các sản phẩm phù hợp, ưu đãi cho KDL.

(3) Cần nắm bắt nhu cầu thị hiếu khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ của các sân golf, mở rộng kết nối với các dịch vụ bổ trợ cho hoạt động du lịch golf, nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của khách du lịch đến chơi golf.

(4) Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giới thiệu, quảng bá, xúc tiến du lịch golf.

Phó Tổng cục trưởng giao trách nhiệm cho Vụ Lữ hành kết hợp với Vụ Thị trường du lịch đề xuất đưa các sân golf tham gia các đoàn farm, các chương trình roadshow, tham dự các hội chợ du lịch quốc tế của TCDL trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Khánh Luân

Cùng chuyên mục