Tin tức - Sự kiện

“Du lịch voi bền vững” - Khởi đầu mới cho du lịch voi Việt Nam

Cập nhật: 18/03/2022 16:56:11
Số lần đọc: 973
(TITC) - Ngày 17/3/2022, Tổng cục Du lịch phối hợp cùng Cơ quan Tiêu chuẩn Nuôi Voi Châu Á (ACES) đã tổ chức hội thảo với chuyên đề “Du lịch voi bền vững” qua hình thức trực tuyến.

Du lịch voi được coi là một trong những loại hình du lịch hấp dẫn và thu hút khách du lịch tại Đông Nam Á. Tại Việt Nam, Tây Nguyên chính là khu vực có sự phát triển về loại hình du lịch đặc trưng này. Trong khuôn khổ dự án “Khả năng phục hồi điểm đến du lịch” dành cho một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam,  Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương (PATA) thông qua Cơ quan Tiêu chuẩn Nuôi Voi châu Á (ACES) dự kiến triển khai Dự án Phục hồi Du lịch Voi tại tỉnh Đắk Lắk. Mục tiêu chính của buổi Hội thảo là giới thiệu về cách tiếp cận dựa trên khoa học về cách quản lý du lịch voi cho các cơ quan quản lý du lịch quốc gia và địa phương, giải quyết các vấn đề mà loại hình du lịch voi hay gặp phải, đồng thời đưa ra các thông tin về tình hình thực tế hiện nay ở Đông Nam Á; Bên cạnh đó cũng góp phần phục hồi du lịch voi tại Việt Nam hiệu quả hơn.

Tham dự Hội thảo có các đại biểu từ các Vụ trực thuộc Tổng cục Du lịch, các đơn vị của tỉnh Đắk Lắk.

Ông Trần Phú Cường, Vụ trưởng vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Du lịch (TCDL) phát biểu mở màn tại buổi Hội thảo. Ông cho biết, sau gần 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, ngành du lịch nói chung và du lịch voi nói riêng đều đang chuẩn bị cho công tác phục hồi trở lại. Mới đây, Chính phủ đã chính thức đồng ý cho mở cửa lại hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3 trong điều kiện bình thường mới. Vì vậy, buổi Hội thảo này mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng, và là dịp để thảo luận về loại hình du lịch đặc thù của Đông Nam Á. Du lịch voi là một trong những thế mạnh của du lịch Việt Nam nói chung và các tỉnh Tây Nguyên nói riêng. Ông Cường cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của PATA và ACES trong việc hỗ trợ xây dựng chiến lược phục hồi du lịch voi tại Việt Nam cùng sự chủ động tham gia của các tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Ông Cường bày tỏ mong muốn thông qua buổi hội thảo này, du lịch Việt Nam có thể xây dựng kế hoạch lâu dài về phục hồi và phát triển bền vững du lịch voi hiệu quả hơn trong thời gian sắp tới. Đồng thời, thông qua việc phục hồi du lịch voi, giúp mọi người hiểu rõ hơn rằng du lịch voi không chỉ đơn giản là hoạt động du lịch trải nghiệm mà còn là phương thức hiệu quả hơn góp phần bảo vệ động vật. Hơn nữa, bằng việc cải thiện chiến lược và mô hình quản lý du lịch voi, nền kinh tế của các tỉnh cũng sẽ được cải thiện và phát triển mạnh hơn trong tương lai. Ông Cường khẳng định Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục làm việc với sở du lịch các tỉnh đang phát triển du lịch voi để có phương án hỗ trợ kịp thời, hướng tới phát triển du lịch voi bền vững.

Ông Trần Phú Cường, Vụ trưởng vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Du lịch (TCDL) phát biểu trong buổi Hội thảo

Cũng tại buổi Hội thảo, Ông Nicholas Dubrocard, Giám đốc Cơ quan Tiêu chuẩn Nuôi Voi châu Á (ACES) đã có bài thuyết trình đi sâu về Khả năng phục hồi điểm du lịch – Loại hình du lịch voi. Bài hội thảo gồm 7 phần, tập trung vào du lịch voi, tình hình thực tế tại Việt Nam và một số gợi ý về chiến lược marketing tại Việt Nam.

Theo ông Nicholas, voi châu Á là một biểu tượng đại diện về địa lý, văn hóa và bản sắc của khu vực Đông Nam Á, du lịch voi là một trong những trải nghiệm điểm đến đặc trưng ở Đông Nam Á, đóng một vai trò nhất định trong việc hình thành thương hiệu du lịch khu vực Đông Nam Á.

Ông Nicholas Dubrocard, Giám đốc Cơ quan Tiêu chuẩn Nuôi Voi châu Á (ACES)

Việt Nam là một trong những nơi cư trú của  loài voi châu Á. Hiện nay, theo ước tính, số lượng voi hoang dã chỉ còn lại 104-150 con, chủ yếu tập trung tại 2 khu bảo tồn quốc gia, trong đó  tại Vườn quốc gia Yok Đôn. Số lượng voi nuôi nhốt dao động từ 66 - 88 con, chủ yếu tại Đắk Lắk.. Hầu hết voi thuộc sở hữu của các cá nhân hoặc hộ gia đình. Đắk Lắk có 6 công ty khai thác du lịch với tổng số lượng voi là 37 con.

Ông Nicholas cho rằng, Việt Nam nên từng bước thực hiện việc quản lý và định hướng loại hình du lịch voi theo hướng bền vững và phải được sự đồng tình từ xã hội. Cùng với đó, các nhà hoạch định chính sách quốc gia và các cơ quan quản lý du lịch cần có tầm nhìn rõ ràng trong tương lai, kết hợp với các chiến lược thực tế để giải quyết những thách thức. Cải thiện các quy định, hình thức tiếp thị và truyền thông về du lịch voi cũng như tổ chức các sự kiện để du khách có cơ hội tìm hiểu về các địa điểm nuôi voi chất lượng cao ở khu vực Đông Nam Á. Với công tác đào tạo phù hợp, nêu bật thông điệp nhất quán và được hỗ trợ liên tục, công chúng sẽ có góc nhìn tích cực và ý nghĩa hơn về loại hình du lịch voi, từ đó tin tưởng hơn vào hoạt động cải cách và khả năng phục hồi. Về một số ý tưởng marketing, ông Nicholas đã liệt kê một số gợi ý như: Thiết lập niềm tin với du khách, tăng cường quảng bá và truyền thông kết nối đặc điểm văn hóa, bảo vệ voi, quan tâm các cơ hội kinh tế.

Trong bài thuyết trình, ông Nicholas còn chỉ ra một số các vấn đề liên quan đến du lịch voi và khái niệm cơ bản về phúc lợi động vật với việc nhấn mạnh về 5 quyền tự do (Không bị đói khát, không bị ức chế, không bị đau đớn, thương tích hoặc bệnh tật, tự do thể hiện (hầu hết) các hành vi bản năng và không bị sợ hãi và căng thẳng).

Ông Nicholas đã kết lại buổi thuyết trình của mình với tầm nhìn về du lịch voi “Du lịch voi được quản lý, quy định theo phương thức xây dựng lòng tin và giao tiếp thường xuyên giữa du khách, công ty lữ hành và các địa điểm nuôi voi. Du lịch voi trở thành một lĩnh vực phát triển bền vững và có trách nhiệm, giúp cộng đồng và quần thể voi tăng trưởng vượt bậc”. Ông cho biết ACES đang xây dựng một quyển cẩm nang dành cho du khách để quảng bá  du lịch voi và mong muốn sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch trong quá trình thiết kế.

Cẩm nang dành cho du khách để quảng bá du lịch voi

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT