Hoạt động của ngành

Du lịch với làng nghề

Cập nhật: 13/06/2022 05:11:14
Số lần đọc: 804
Những sản phẩm thể hiện vẻ đẹp của các làng nghề mọi miền Tổ quốc được trưng bày tại Bảo tàng Thế giới Cà phê đã mang đến những câu chuyện thú vị.  


Sáng tạo trên nền sản phẩm truyền thống

Vừa qua, Bảo tàng Thế giới Cà phê đã tổ chức trưng bày triển lãm “Vẻ đẹp của Làng nghề Việt: Tinh hoa truyền thống – Cảm hứng tương lai”.

Triển lãm trưng bày các bộ sưu tập, sản phẩm của các nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ các làng nghề nổi tiếng khắp mọi miền của đất nước như: nghề mây tre đan Phú Vinh (Hà Nội), làng tơ lụa Cổ Chất (Nam Định), làng nghề đúc đồng Phước Kiều (Quảng Nam), làng nghề gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận)…

Mỗi bộ sưu tập, sản phẩm mang mỗi đặc điểm riêng, có sản phẩm mang đậm chất truyền thống, một số bộ sưu tập lại có sự sáng tạo mới mẻ dựa trên chất liệu dân gian như: bộ sư tập giày Annam Heritage của họa sĩ trẻ La Quốc Bảo (Kiên Giang), tranh Đông Hồ – tranh Hàng Trống vẽ lại dựa trên kỹ thuật đồ họa hiện đại của họa sĩ trẻ Xuân Lam (Hà Nội), bộ sản phẩm trang sức chế tác trên thổ cẩm và gốm, nghệ thuật giấy Trúc Chỉ – đỉnh cao của nghệ thuật làm giấy thủ công Việt Nam…

Các nghệ nhân làng nghề đúc đồng Phước Kiều, Quảng Nam trình diễn đúc đồng.

Thông qua đó, du khách có thể hiểu thêm về lịch sử hình thành, cũng như ý nghĩa, giá trị các sản phẩm mang lại. Đơn cử như các sản phẩm của làng nghề đan lát Phú Vinh (Hà Nội), rất nhiều chủng loại như đèn ngủ, túi xách, giỏ đựng đồ… đều làm từ mây tre; gây ấn tượng với công chúng bởi vẻ đẹp đơn giản nhưng tinh xảo. Theo nghệ nhân Nguyễn Phương Quang, làng nghề đan lát Phú Vinh đã hình thành và phát triển được hơn 300 năm. Từ các sản phẩm truyền thống phục vụ sinh hoạt hằng ngày như thúng, rổ, rá…, những người thợ thủ công của làng đã không ngừng tìm tòi và sáng tạo để làm ra những sản phẩm tinh xảo kể trên, chúng như những tác phẩm nghệ thuật đa dạng về mẫu mã, chủng loại, được ứng dụng vào trang trí nội thất, thời trang, tranh nghệ thuật… Hiện nay những sản phẩm mây tre đan của làng nghề Phú Vinh đã được xuất khẩu và có mặt ở nhiều nước trên thế giới.

Hay câu chuyện về nón lá sen của thương hiệu Nhà Sen – Sen Thảo. Sinh ra ở Thừa Thiên - Huế, nơi có đặc sản là nón lá Việt, họa sĩ Nguyễn Thanh Thảo đã sáng tạo, "thổi hồn" vào những chiếc nón lá màu trắng, giúp chúng có một diện mạo mới, khác biệt độc lạ với những màu sắc, họa tiết từ những chiếc lá sen... Khá nhiều du khách yêu thích và đặt hàng sản phẩm này.

Anh Lê Vĩnh Quang (đến từ Phú Yên) nhận xét: “Tôi thật bất ngờ với các sản phẩm trong triển lãm đến từ các làng nghề, những sản phẩm truyền thống được thể hiện một cách mới mẻ, độc đáo, phù hợp với thị hiếu của khách hàng”.

Cơ hội để phát triển nghề truyền thống

Ngoài bộ sưu tập hay các sản phẩm đã được trưng bày sẵn, khách tham quan có thể tìm hiểu quy trình sản xuất thủ công của các làng nghề, nghề truyền thống do chính những nghệ nhân trình diễn.

Màn trình diễn khá độc đáo thuộc về những người phụ nữ M’nông (xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) với quy trình làm gốm cổ xưa nhất. Các nữ nghệ nhân nhẹ nhàng di chuyển quanh bàn xoay, liên tục sử dụng tay để nắn, chuốt, vỗ và tạo hình cho từng khối đất sét trở thành những sản phẩm đẹp, hấp dẫn. Làng nghề đúc đồng Phước Kiều, Quảng Nam nổi tiếng là nơi đúc ra những bộ cồng, chiêng cho người dân Tây Nguyên cũng trình diễn màn đúc đồng ấn tượng, công phu… Tất cả những điều đó đã kích thích sự ngưỡng mộ, thích thú và giúp công chúng hiểu hơn về từng sản phẩm của mỗi địa phương, từ đó tạo động lực trong việc lan tỏa, nâng cao giá trị các sản phẩm.

Nghệ nhân làm gốm xã Yang Tao (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) phục dựng quy trình nặn gốm cổ xưa.

Rõ ràng, không thể phủ nhận, những chương trình như thế này rất hữu ích trong việc kết nối, tạo động lực cho các làng nghề. Các nghệ nhân yêu nghề với nhiều tâm huyết, trăn trở, mong muốn kết nối, quảng bá thương hiệu cho làng nghề truyền thống của mình và giao lưu và học hỏi kinh nghiệm với các địa phương. Bà H’Yam Bkrông - Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, đây chính là dịp để giao lưu và giới thiệu sản phẩm thổ cẩm của người Êđê nói chung và của hợp tác xã nói riêng đến với mọi người. Còn nghệ nhân tạc tượng Y Thái (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) hy vọng, thông qua việc chiêm ngưỡng, thưởng thức màn tạc tượng sẽ hiểu thêm về văn hóa truyền thống Tây Nguyên và lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Triển lãm kéo dài một tháng, đó không phải là một quãng thời gian quá dài, nhưng cũng đủ để những sản phẩm từ làng nghề truyền thống đến gần hơn với công chúng; để những nghệ nhân, nghệ sĩ yêu nghề có thêm động lực gìn giữ và phát huy “nghề của mình”.

Mai Sao

Nguồn: Báo Đắk Lắk - baodaklak.vn - Đăng ngày 12/6/2022

Cùng chuyên mục