Thái Nguyên phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng
Tỉnh Thái Nguyên xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đón được 3.250.000 lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng/năm. Nhằm “đánh thức” tiềm năng du lịch, tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, tạo điểm nhấn thu hút du khách.
Thời gian qua, Thái Nguyên triển khai các hoạt động hợp tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước; tăng cường đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến du lịch; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách tiếp cận điểm đến, sử dụng dịch vụ và trải nghiệm trọn vẹn khi đến Thái Nguyên.
Thời gian qua, một số khách sạn tại Thái Nguyên được đầu tư nâng cấp, mở rộng.
Trong giai đoạn thích ứng với đại dịch Covid-19, ngành du lịch Thái Nguyên đang từng bước khôi phục với hàng loạt hoạt động, sự kiện như lễ khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên 2022, chương trình mở cửa lại hoạt động du lịch Thái Nguyên trong điều kiện bình thường mới, Vòng chung khảo Cuộc thi Hoa hậu Thế giới - Việt Nam 2022 hay sự kiện quảng bá văn hóa - du lịch Thái Nguyên tại Hà Nội…
Ông Hoàng Văn Quý – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên cho biết dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp tại địa phương vẫn quyết tâm khôi phục hoạt động, vì du lịch dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược kinh doanh: "Dù khó khăn nhưng các sản phẩm du lịch Thái Nguyên đã được nâng cấp so với trước đại dịch Covid-19. Một vài cơ sở lưu trú như khách sạn Dạ Hương được đầu tư nâng cấp, mở rộng; các điểm đến như khu sinh thái Dũng Tân, hang Phượng Hoàng được bổ sung dịch vụ ăn uống, lưu trú và các trải nghiệm cho du khách… Ngay cả những điểm du lịch cộng đồng tại các vùng chè Thái Nguyên cũng nâng cấp sản phẩm trà và dịch vụ để thu hút du khách".
Tại vùng chè Tân Cương, ông Bùi Trọng Đại - Giám đốc Hợp tác xã Trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên cho biết cơ sở đã đón những đoàn khách quốc tế đầu tiên trở lại sau khoảng 2 năm. Mặc dù các sản phẩm từ cây chè vẫn là lĩnh vực kinh doanh chính, nhưng đơn vị luôn mong muốn phát triển du lịch cộng đồng, đón du khách thập phương đến tìm hiểu văn hóa bản địa.
"Sau thời gian dài tạm dừng đón khách, năm nay chúng tôi sửa sang lại các phòng lưu trú, tập trung vào mô hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa bản địa. Chúng tôi muốn đón du khách trong nước và quốc tế để giới thiệu về nghề chè Tân Cương, các sản phẩm chè đặc trưng và khác biệt không nơi nào có được. Du khách cũng được trải nghiệm tất cả quy trình sản xuất chè, cách thưởng trà và nét văn hóa trà độc đáo" - ông Bùi Trọng Đại nói.
Phòng lưu trú tại HTX Trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên (xã Tân Cương, Thái Nguyên).
Xuất phát từ kinh doanh tranh đá quý, cơ sở Dũng Tân bắt đầu đón khách du lịch từ năm 2017. Kể từ đó đến nay, du lịch sinh thái đóng vai trò quan trọng trong chiến lược kinh doanh của đơn vị. Dù bị "tê liệt" gần 2 năm vì đại dịch Covid-19 nhưng cơ sở này vẫn duy trì đội ngũ lao động và cơ sở hạ tầng để đón du khách trở lại ngay khi điều kiện cho phép.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Giám đốc Trung tâm thương mại và du lịch Dũng Tân nói: "Du lịch là lĩnh vực quan trọng của chúng tôi, giúp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và các mảng kinh doanh khác. Mặc dù thời gian qua rất khó khăn nhưng đơn vị vẫn duy trì đội ngũ nhân lực và nâng cấp chất lượng dịch vụ. Năm 2022 chúng tôi đặt mục tiêu đón khoảng 200.000 lượt khách - xấp xỉ mức năm 2019; sau đó sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, đầu tư thêm khách sạn và các mô hình du lịch cộng đồng".
Theo đánh giá chung của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, sau 2 năm đại dịch Covid-19, các cơ sở du lịch tại địa phương này đã có các sản phẩm chuyên nghiệp, bài bản hơn. Tính liên kết cũng được tăng cường, không chỉ trong tỉnh Thái Nguyên mà còn mở rộng liên kết vùng. Chất lượng dịch vụ ở khu, điểm du lịch và trình độ nhân lực du lịch cũng được nâng cao để đáp ứng các yêu cầu mới./.
Hải Nam