Đưa Vũng Tàu thành điểm đến mơ ước
Bãi Sau nằm trong số hiếm bãi tắm trên thế giới có bãi cát bằng phẳng trải dài mà không bị chia cắt, có thể khai thác du lịch quanh năm.
Đó là nhận định của giới chuyên gia, nhà khoa học về quy hoạch đô thị tại Hội thảo khoa học quốc tế về “Chiến lược phát triển Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đặng cấp quốc tế” do UBND TP.Vũng Tàu phối hợp với Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều 9/1.
Thành phố của đổi mới, sáng tạo
TP.Vũng Tàu được thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát mẻ, trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Từ lâu, Vũng Tàu đã là một điểm du lịch quen thuộc, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Trong đó, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam là nguồn khách thân quen.
Thành phố cũng sở hữu tài nguyên du lịch đa dạng. Bãi tắm bằng phẳng, cát trắng trải dài. Núi và biển chan hòa. Đặc biệt dải rừng ngập mặn phía Tây Nam thành phố rất đặc sắc. Du khách đến Vũng Tàu bên cạnh nghỉ dưỡng biển, tham gia các hoạt động thể thao còn được trải nghiệm nhiều hoạt động hấp dẫn khác trên Núi Lớn, Núi Nhỏ, khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn, du lịch đường sông, tham quan di tích văn hóa, lịch sử, tâm linh.
Bộ mặt đô thị Vũng Tàu không ngừng chuyển biến, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn chỉnh, môi trường du lịch sạch đẹp, an toàn. Các tuyến đường, công viên cây xanh rợp bóng mát khiến người dân, du khách thêm yêu thích.
Từ những điều kiện thuận lợi về điều kiện tự nhiên, những thành quả đã đạt được trong thời gian qua cho phép thành phố tiếp tục vươn mình phát triển thành một trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế theo định hướng tại Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, xác định xây dựng Đề án “Phát triển Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế” vừa là nhiệm vụ chính trị vừa là cơ hội để phát triển, TP. Vũng Tàu đã hợp tác cùng Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh để thực hiện đề án này.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu xây dựng Đề án, từ nay đến năm 2030 Vũng Tàu tập trung thiết lập một ngành du lịch vững mạnh theo hướng chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, tạo tiền đề cho các sáng kiến đổi mới sáng tạo. Đến năm 2040 hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Và giai đoạn cuối cùng - đến năm 2050 đạt được một thành phố không carbon, đảm bảo kinh tế và môi trường bền vững.
Gợi mở nhiều ý tưởng hay
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế chia sẻ, gợi mở nhiều ý tưởng đóng góp vào chiến lược phát triển du lịch của TP. Vũng Tàu đến năm 2050. TS Ducksu Seo, Đại học Handong Global Hàn Quốc, đề xuất xây dựng Vũng Tàu thành điểm đến của những trải nghiệm không giới hạn, phát triển các loại hình du lịch độc đáo khai thác tài nguyên sẵn có về tự nhiên, địa hình, khí hậu, điểm đến nổi tiếng, ẩm thực; quy hoạch các sản phẩm cao cấp; địa chỉ của những ký ức đẹp, sự kiện, lễ hội và lịch sử -văn hóa-di sản. TS Ducksu Seo cũng dẫn ra những kiến trúc và thiết kế đô thị đẳng cấp tại Hong Kong hay TP.Pohang, tỉnh Gyeongsangbuk-do (Hàn Quốc) và những dự án tận dụng vùng núi sát biển đầu tư cải tạo thành những sản phẩm du lịch xanh, góp phần giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị để Vũng Tàu tham khảo.
2 GS đến từ Đại học KU Leuven, Bỉ gợi mở phát triển hài hòa giữa khai thác tự nhiên để tạo ra giá trị.
Các giáo sư đến từ Đại học KU Leuven, Bỉ không ngớt lời khen ngợi hệ sinh thái 3 tầng tuyệt vời của TP. Vũng Tàu gồm biển sạch, cát trắng, có núi rừng, sông và rừng ngập mặn ven sông. Đồng thời cũng bày tỏ sự đáng tiếc vì Vũng Tàu chỉ khai thác phần bãi biển nhưng khá manh mún, chưa kết nối liền mạch giữa các không gian nội thành và ngoại ô.
Các giáo sư mong muốn Vũng Tàu đã quyết tâm thì phải chọn cân bằng cả 2 - thiên nhiên và kinh tế. Rừng trong đô thị để không chỉ có thể chống chọi với hiện tượng ấm lên toàn cầu mà còn tạo thành những không gian công cộng mềm mại điểm nhấn.
Dẫn chứng nhiều nước trên thế giới có những vùng có địa hình tương tự Vũng Tàu như Mỹ, Nhật Bản, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ… đã phát triển được những khu nghỉ dưỡng cao cấp kiểu rừng trong phố, các giáo sư đến từ Đại học KU Leuven, Bỉ nhấn mạnh phát triển phải hấp thụ những giá trị thiên nhiên. Có những can thiệp với môi trường để tạo ra hoạt động sản xuất kinh tế nhưng phải hài hòa, không tận diệt, phá hoại.
Nhiều chuyên gia cũng gợi ý TP. Vũng Tàu cần tham gia xếp hạng để đạt các tiêu chí điểm đến xanh, thành phố du lịch bền vững, điểm đến mơ ước và hành động quyết liệt để giảm phát thải nhà kính, thực hiện phát thải ròng bằng 0 hướng đến chất lượng cuộc sống người dân.
Bên cạnh đó là xuyêt suốt chiến lược truyền thông hình ảnh hiệu quả có sự hợp tác, vào cuộc mạnh mẽ của các bên cùng tham gia vào du lịch để phát triển thương hiệu, marketing thương hiệu, quản trị tốt thương hiệu điểm đến Vũng Tàu.
Bài, ảnh: Đăng Khoa