Hà Nội: Hồ Tây vẫn là nơi ''trắng'' danh hiệu quốc gia
Hoàng hôn nhuộm tím mặt gương Tây Hồ. Ảnh: Thu Quỳnh
Nhưng không hiểu sao, “Tây Hồ chân cá thị Tây Thi” (Hồ Tây đích thị nàng Tây Thi - một người đẹp nổi tiếng muôn đời của Trung Hoa và Á đông) mà danh sĩ Cao Bá Quát đã ví von độc đáo, lại cứ mãi lận đận về danh hiệu mà nó xứng đáng phải có, thừa nhận và công nhận. Cũng có thời gian người viết đi tìm câu trả lời từ các ngành chức năng của Hà Nội để giải đáp thắc mắc của nhiều bạn đọc rằng vì sao Hồ Tây vẫn là “nơi trắng” danh hiệu quốc gia, nhưng chỉ nhận được lời hứa kiểu “cơm chưa ăn gạo hẵng còn đó”. Đến giờ gần như đã có câu trả lời…
Bằng mọi giá phải bảo tồn giá trị của Hồ Tây, nếu…
Cuối tuần qua, Thường trực Thành ủy Hà Nội có buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ về tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2020-2023; nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2024-2025 và những năm tiếp theo trên địa bàn quận Tây Hồ.
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Quan điểm là bằng mọi giá phải lưu giữ, bảo tồn và phát huy toàn diện những tiềm năng, giá trị của Hồ Tây”, đồng thời đồng ý chuyển giao việc quản lý Hồ Tây về quận Tây Hồ thay vì 8 Sở, ngành cùng quản lý như trước đây. Cùng với đó, các Sở, ngành cần chung tay cùng quận Tây Hồ quản lý Hồ Tây theo chức năng nhiệm vụ để địa danh này thực sự phát triển, trở thành một điểm đến văn hóa, du lịch tiêu biểu của Thủ đô. Bí thư Thành ủy giao quận Tây Hồ chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành xây dựng đề án cụ thể để khai thác hiệu quả những tiềm năng, giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận. Khi triển khai thực hiện, lưu ý sự chung tay, chung sức của các Sở, ban, ngành thành phố trong việc hỗ trợ tích cực để cùng quận hoàn thiện và thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy những giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận.
Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Có thể, từ sự chỉ đạo của người đứng đầu Hà Nội, Hồ Tây - tâm điểm của một vùng linh địa - là “báu vật” của quốc gia sẽ được các cấp, các ngành quan tâm một cách thật sự theo hướng đẩy nhanh việc xây dựng hồ sơ khoa học, trình cấp thẩm quyền xem xét, công nhận là danh thắng quốc gia. Tuy nhiên, dư luận cũng có lý khi lo ngại rằng, “Hà Nội không vội được đâu”, vì công việc ở Hà Nội “nhiều như nước sông Hồng” cộng với thái độ làm việc cẩn trọng và việc lập hồ sơ xếp hạng cũng chưa thuộc diện phải gấp gáp, “nước sôi lửa bỏng” nên cứ từ từ… Cũng qua phát biểu chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại cuộc họp với Quận ủy Tây Hồ, có lẽ lần đầu tiên dư luận báo chí và xã hội mới biết được thông tin gây “choáng”, rằng với một Hồ Tây rộng chỉ trên 500 ha mà có đến những 8 Sở, ngành cùng tham gia quản lý. Như vậy, biểu hiện “cha chung không ai khóc” trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Hồ Tây không phải là không có, và việc chậm trễ đưa Hồ Tây trở thành danh lam thắng cảnh quốc gia, thậm chí còn cao hơn nữa cũng là điều không khó để lý giải.
“Đó là người ta không muốn làm thôi…”
Dẫn lại như trên để thấy rằng, từ chủ trương cho đến công tác xây dựng hồ sơ khoa học Hồ Tây là danh thắng quốc gia bị diễn ra chậm chạp đến mức khó hiểu. Năm 2009, Văn Hóa là tờ báo đầu tiên đặt vấn đề “Hồ Tây là danh thắng quốc gia, tại sao không?” nhằm hướng đến Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tại thời điểm đó, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đều đồng thuận trong việc Hà Nội cần khẩn trương xây dựng hồ sơ trình cấp thẩm quyền xem xét, công nhận Hồ Tây là danh thắng quốc gia, vừa để tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, đồng thời có thêm hành lang pháp lý bảo vệ. Nhưng sau đó gần như không ai nhắc đến nữa.
Rồi vào tháng 10.2014, Liên hiệp các Hội KHKT Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ và các Sở VHTT, Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc, Hội Xây dựng Hà Nội, tổ chức hội thảo “Bảo tồn, phát triển và phát huy giá trị Hồ Tây - danh thắng quốc gia” với quy mô khá lớn. Còn nhớ tại hội thảo này, TS Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội cho rằng, Hồ Tây là khu vực đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa. Nhiều đền chùa còn được bảo tồn đến ngày nay như chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, đình Quảng Bá, chùa Tảo Sách... Điều đó cho thấy, khu vực này xứng đáng được làm hồ sơ danh thắng quốc gia. Đồng quan điểm này, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, Hà Nội gây ấn tượng với du khách không chỉ là “ba sáu phố phường” mà còn là cây xanh, mặt nước. Hồ Tây là danh thắng quý song người dân và du khách không biết mà chỉ thường nói đến hồ Hoàn Kiếm. Nêu ví dụ, người Trung Quốc có Hồ Tây ở thành phố Hàng Châu đã được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, mang lại doanh thu trên một tỉ nhân dân tệ cho ngành du lịch, ông Liêm đề nghị Hà Nội cần phấn đấu để Hồ Tây không chỉ là danh thắng quốc gia mà còn là danh thắng thế giới.
Tại thời điểm đó, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội đã nhất trí với ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời cho biết Sở đồng thuận cao với việc đề xuất xây dựng hồ sơ đưa Hồ Tây là danh thắng quốc gia và trình cấp có thẩm quyền xem xét để có điều kiện bảo tồn, phát huy giá trị danh thắng này tốt hơn. Khi đó ông Tiến cũng nêu cái khó nhất sau khi xếp hạng danh thắng, đó là khu vực I sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực II của Hồ Tây sẽ được xây dựng các công trình nhằm tôn tạo, phát huy giá trị. Song đời sống dân sinh vẫn diễn ra hàng ngày nên khu danh thắng này sẽ phải quản lý như mô hình một di sản sống.
Sau cuộc hội thảo với hơn 30 bản tham luận trên, nhiều nhà nghiên cứu tiếp tục đề xuất với Hà Nội cần nhanh chóng xây dựng hồ sơ trình cấp thẩm quyền công nhận Hồ Tây là danh thắng quốc gia. Thế nhưng mọi việc cứ lừng khừng, mãi không thể chuyển động. Và đến nay đã hơn 8 năm trôi qua kể từ khi hội thảo “Bảo tồn, phát triển và phát huy giá trị Hồ Tây - danh thắng quốc gia” diễn ra, câu chuyện lập hồ sơ đối với Hồ Tây để công nhận danh thắng quốc gia vẫn đang giẫm chân tại chỗ. Nguyên nhân nằm ở đâu chỉ có Hà Nội mới biết, song để quản lý Hồ Tây mà có đến 8 Sở, ngành cùng tham gia ở những phương diện khác nhau đã nói lên vấn đề của nó. Có nhà nghiên cứu về Hà Nội nay đã về với thiên cổ đã phải thốt lên, “đó là người ta không muốn làm thôi, chứ với Hồ Tây có đầy đủ điều kiện”.
Lâm Sơn