Hành trang lữ khách

Gia Lai: Du lịch ẩm thực - Tiềm năng cần khai thác

Cập nhật: 04/02/2021 10:17:43
Số lần đọc: 739
Gia Lai hội tụ những đặc trưng nghệ thuật ẩm thực của các vùng miền, cộng với các yếu tố thuận lợi về cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên và lịch sử truyền thống nên trở thành điểm đến hấp dẫn du khách thập phương. Khai thác tinh hoa văn hóa ẩm thực để phục vụ du lịch sẽ tạo cơ hội thúc đẩy ngành Du lịch tỉnh Gia Lai phát triển. 

Có thể thấy, ẩm thực Gia Lai phong phú với các món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như thịt nướng, cơm lam, cà đắng, lá mì, rượu cần… Cùng với đó, trải qua quá trình tiếp thu, tiếp biến văn hóa, đặc biệt là quá trình tiếp thu văn hóa từ một bộ phận dân cư các vùng miền đến ngụ cư, Gia Lai đã hình thành một nền văn hóa ẩm thực mang hương vị riêng và phong cách riêng.

Đến nay, người dân địa phương đã có thể tự hào với các món ăn đặc sản nổi tiếng riêng có của Gia Lai như: phở khô (được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận và xác lập theo bộ tiêu chí xác lập “Giá trị ẩm thực châu Á”), bún mắm cua, bún mắm nêm, bánh hỏi cháo lòng, bánh xèo, lẩu, gỏi lá rừng… cùng nhiều sản phẩm nông-công nghiệp đặc trưng như: chè Bàu Cạn, chè Biển Hồ, cà phê Pleiku, hồ tiêu Chư Sê, hồ tiêu Lệ Chí, khoai lang Lệ Cần, mật ong Kbang, gạo Phú Thiện…

Gia Lai còn có các sản phẩm được chọn làm quà tặng mang đặc trưng ẩm thực riêng của vùng miền như: măng khô, thịt bò một nắng, cà phê, nấm linh chi, rượu ghè… Nhằm khai thác thế mạnh của ẩm thực, một số nhà hàng, khách sạn ở TP. Pleiku còn có dịch vụ lưu trú và dịch vụ ẩm thực phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc của vùng miền, tạo thế mạnh cho việc phát triển du lịch ẩm thực như hệ thống khách sạn, nhà hàng, quán cà phê.

Tuy nhiên, Gia Lai vẫn còn nhiều hạn chế trong việc khai thác thế mạnh của ẩm thực trong phát triển du lịch. Ẩm thực truyền thống hay các đặc sản ẩm thực của Gia Lai vẫn thường được sản xuất nhiều trong mùa vụ hay vào các dịp lễ hội. Hầu hết món ăn được mọi người biết đến chỉ được chế biến theo quy mô nhỏ tại các quán ăn, nhà hàng, khách sạn có phục vụ ăn uống.

Sản phẩm làm ra đa phần nhằm phục vụ cho nhu cầu của người dân trong tỉnh, một số được tiêu thụ ra bên ngoài nhưng chỉ với số lượng ít. Hệ thống phân phối sản phẩm chưa được đầu tư nên việc khai thác các món ăn phục vụ du lịch còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của du khách. Phần lớn hoạt động kinh doanh dịch vụ ẩm thực tại Gia Lai đều nhằm mục đích phục vụ người dân trong tỉnh hơn là phục vụ khách du lịch.

Một số cơ sở kinh doanh ẩm thực truyền thống Tây Nguyên được thực khách quan tâm hiện nay như: Bazan, Plei Cồng chiêng, Kơ Nia, Ksor H’Nao… có chất lượng phục vụ, không gian nhà hàng, phong cách phục vụ, thực đơn và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của thực khách. Tuy nhiên, số lượng nhà hàng như vậy chưa nhiều, đa số nhà hàng trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, ít tham gia vào các hoạt động ẩm thực phục vụ du lịch.

Công tác quảng bá ẩm thực địa phương, ẩm thực phục vụ du lịch, đặc sản ẩm thực và dịch vụ ẩm thực trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn còn rời rạc, tài liệu quảng bá ẩm thực chưa được phong phú, chọn lọc và biên tập kỹ càng. Cùng với đó, một số ấn phẩm xuất bản quảng bá cho du lịch chung của Gia Lai còn mang tính nhỏ lẻ. Ngoài ra, việc chú trọng tổ chức các hoạt động riêng giới thiệu ẩm thực với du khách, tạo cơ hội cho du khách được thưởng thức và trải nghiệm ẩm thực như: tổ chức lễ hội văn hóa ẩm thực, hội chợ ẩm thực, cuộc thi ẩm thực giữa các nhà hàng, đầu bếp trong và ngoài tỉnh… vẫn chưa được chú trọng và thực hiện có quy mô.

Với các yếu tố thuận lợi và chưa thuận kể trên, việc đề ra các giải pháp nhằm khai thác các giá trị văn hóa ẩm thực phục vụ phát triển du lịch của tỉnh cần được quan tâm, đặc biệt là cơ chế chính sách khuyến khích và phát triển du lịch, kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng phục vụ ẩm thực và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở kinh doanh.

Việc phát triển dịch vụ ẩm thực phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc của vùng miền tại các địa điểm du lịch sẽ thu hút được số lượng đông du khách và đem lại lợi nhuận cao, từ đó có thể kết hợp việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và kinh doanh các sản phẩm nông-công nghiệp, các sản phẩm truyền thống của địa phương với du khách trong và ngoài nước./.

Nguyễn Thanh

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục