Gia Lai: Quảng bá du lịch từ quà lưu niệm
Tại Pleiku hiện có nhiều cửa hàng bán quà lưu niệm, tập trung ở khu vực danh thắng Biển Hồ, đường Nguyễn Văn Trỗi, Quang Trung... Quà lưu niệm ở đây gồm có các hiện vật thu nhỏ của những dụng cụ, nhạc cụ như: gùi, thổ cẩm, đàn t’rưng, vòng tay bằng đồng, mô hình nhà rông… các đặc sản như: măng khô, hồ tiêu, cà phê… Những sản phẩm này mang đặc trưng của Tây Nguyên, có thể mua, được tặng khi tham quan, du lịch ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung chứ không chỉ riêng Pleiku. Để tạo được nét đặc biệt hơn, Pleiku cần có sản phẩm độc đáo so với các nơi khác.
Năm 2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Và lễ đón nhận bằng công nhận của UNESCO đã được tổ chức trang trọng tại TP. Pleiku vào ngày 28-3-2006. Đây là sự kiện văn hóa đặc biệt và là niềm vinh dự của Gia Lai nói chung, Pleiku nói riêng. Mặc dù Không gian văn hóa cồng chiêng trải dài ở cả 5 tỉnh Tây Nguyên nhưng với sự kiện kể trên thì việc chọn cồng chiêng làm quà tặng độc đáo của Pleiku vẫn có ý nghĩa đặc biệt hơn.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên luôn có sức hút đặc biệt với khách du lịch. Ảnh: Trần Phong
Trong những năm qua, việc chọn cồng chiêng làm quà tặng vẫn được thực hiện. Nhưng việc tặng một bộ cồng chiêng truyền thống với khối lượng lớn và kích thước khá cồng kềnh là một khó khăn cho khách, đặc biệt là khách nước ngoài khi vận chuyển về nước. Nhằm thu hút khách du lịch, đồng thời quảng bá di sản độc đáo này của địa phương, việc chế tạo những chiếc chiêng với kích thước nhỏ để làm quà lưu niệm sẽ khắc phục được điều đó. Chiêng làm quà tặng có thể chế tác bằng đồng, đường kính khoảng 10 cm, làm ở 2 dạng là chiêng bằng và chiêng có núm, hình dạng giống như những chiếc chiêng của người Bahnar, Jrai truyền thống. Theo vòng tròn, mặt trên của chiêng khắc chữ “Pleiku-Gia Lai”, sơn màu vàng. Chiêng được đục 2 lỗ nhỏ để xỏ dây treo, kèm theo là chiếc dùi đánh có kích thước tương ứng.
Với kích thước này, chiếc chiêng vừa mang dấu ấn văn hóa đặc trưng, vừa là một món quà lưu niệm đẹp, khối lượng nhỏ, dễ mang theo trong hành lý, dễ trưng bày khi về nhà và tiện lợi khi tặng người thân, bạn bè. Đối với khách du lịch trong các tour sinh thái, về nguồn, đặc biệt là khách nước ngoài thì đây sẽ là món quà rất phù hợp, gắn liền với hành trình trải nghiệm của họ.
Ở phân khúc giá thành thấp hơn, kích thước nhỏ hơn, món quà lưu niệm khi đến Pleiku có thể là những chiếc móc khóa, móc treo ba lô/túi xách hình cồng chiêng, được làm bằng nhiều vật liệu khác nhau như: nhựa, cao su, silicon… với màu sắc đa dạng. Trên móc khóa cũng in dòng chữ “Pleiku-Gia Lai” theo vòng tròn. Móc khóa, móc treo là vật nhỏ, dễ mang theo bên người và có khả năng quảng bá cao bởi tần suất xuất hiện của nó. Chìa khóa, túi xách kèm chiếc móc này để trên bàn, treo trên xe có thể sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Ngoài quà lưu niệm, hình ảnh cồng chiêng có thể được thể hiện ở trong cả ẩm thực. Ví dụ như việc bày bán những chiếc bánh mì hình cồng chiêng ở các điểm bán hàng ăn xung quanh các khu du lịch Pleiku, vừa là để quảng bá, vừa tạo sự thú vị, khác lạ cho du khách khi thưởng thức. Để những món quà, món ăn mang thông điệp sâu sắc, ý nghĩa nhất đến du khách, rất cần cơ quan quản lý văn hóa, du lịch của TP. Pleiku phổ biến, hỗ trợ người bán hàng, người dân ở khu vực du lịch về nội dung, ý nghĩa của di sản cồng chiêng một cách ngắn gọn, súc tích.
Kết thúc chuyến du lịch, du khách mang về chiếc chiêng đồng mi ni, chiếc móc khóa nhỏ xinh hay đơn giản hơn là những câu chuyện về Pleiku cho người thân trong gia đình, bè bạn. Hình ảnh cồng chiêng thông qua đó ít nhiều được giới thiệu đến mọi người, gây tò mò cho những người khác chưa đến Pleiku, tạo ra một lượng du khách tiềm năng cho địa phương. Lâu dần, cồng chiêng sẽ được nhiều người biết đến và dòng chữ “Pleiku-Gia Lai” trên những món quà sẽ góp phần tạo nên thương hiệu cho du lịch Pleiku./.
Ngọc Duẩn