Hoạt động của ngành

Gia Nghĩa - Đắk Nông với tiềm năng, lợi thế du lịch vùng Công viên địa chất

Cập nhật: 10/03/2021 10:44:00
Số lần đọc: 1390
Thành phố Gia Nghĩa là 1 trong 6 địa phương của tỉnh nằm trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông được thiên nhiên ưu đãi, với nhiều cảnh quan, di sản có giá trị văn hóa, lịch sử...


Nhà trưng bày cồng chiêng người Mạ ở xã Đắk Nia

Hiện nay, trên địa bàn TP. Gia Nghĩa có 6 điểm di sản thuộc tuyến du lịch “Âm vang từ Trái đất” của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông do địa phương quản lý gồm: Chùa Pháp Hoa (điểm số 33); Điểm gỗ hóa thạch (điểm số 34); Nhà trưng bày đàn đá Đắk R’moan (điểm số 35); Nhà trưng bày cồng chiêng người Mạ (điểm số 36); Thác cột đá Liêng Nung (điểm số 37) và Trang trại Gia Ân-Vườn măng cụt Đắk Nia (điểm số 44). Những điểm di sản trên là một trong những tiềm năng, lợi thế để thành phố có thể phát huy, thu hút du lịch trong thời gian tới.

Xác định được tầm quan trọng đó và trên cơ sở thực hiện các văn bản của cấp trên, TP. Gia Nghĩa đã thành lập Ban chỉ đạo cấp thành phố và xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để xúc tiến triển khai các hoạt động liên quan đến phát triển du lịch vùng Công viên địa chất.

Cùng với việc tăng cường quảng bá thông qua pano, áp phích trên các trục đường chính, khu đông dân cư, thành phố đã tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phát triển du lịch tại 4 điểm di sản với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng.

Cụ thể, Nhà trưng bày đàn đá Đắk R’moan được nâng cấp từ Nhà truyền thống của bon Đắk R’moan để trưng bày một số nhạc cụ cổ xưa của các dân tộc trên thế giới. Bên cạnh các loại nhạc cụ của người M’nông, Nhà trưng bày đàn đá còn giới thiệu 57 loại nhạc cụ độc đáo của các dân tộc trên thế giới.

Nhà trưng bày cồng chiêng người Mạ ở bon N’Jriêng, xã Đắk Nia được sơn sửa, lắp đặt bảng hiệu, các kệ trưng bày, biểu tượng để người dân, khách tham quan đến đây thêm phần ấn tượng. Các vật dụng truyền thống của dân tộc bản địa được trưng bày nơi đây gồm cồng chiêng, ché, thổ cẩm, trang phục, đồ trang sức, các vật dụng sinh hoạt… Khu vực đường tránh tại phường Nghĩa Trung có điểm trưng bày gỗ hóa thạch, xây dựng điểm đỗ xe.

Ngoài việc xây dựng cơ sở vật chất và trưng bày các hiện vật đặc trưng của vùng Công viên địa chất, việc quản lý, giới thiệu cũng được triển khai. Tại mỗi một điểm di sản, thành phố đều bố trí người bảo vệ, người giới thiệu, quảng bá các vật dụng, hướng dẫn khi có đoàn du khách đến tham quan, trải nghiệm. Công tác vệ sinh môi trường tại các điểm di sản cũng được triển khai thường xuyên.

Theo bà Nguyễn Thị Lưu, Phó Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa, việc xây dựng cơ sở vật chất tại các điểm di sản không chỉ phục vụ cho công tác thẩm định, tái thẩm định chính thức của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu mà còn góp phần giới thiệu điểm đến, thu hút khách du lịch tới địa phương. Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, hiện tại, thành phố đã tiến hành xây dựng cơ bản xong những điểm cần đầu tư có thể tham quan, kết nối du lịch.

Tuy nhiên, do xuất phát điểm hạ tầng trên địa bàn còn thấp, các điểm di sản lại cách xa nhau nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến việc kết nối với nhau. Bên cạnh đó, việc xây dựng đầu tư cơ sở vật chất tại các điểm di sản cũng gặp một số hạn chế nhất định như điểm trưng bày gỗ hóa thạch đang xây dựng trên đất mượn nên không thể bảo đảm lâu dài.

Vì vậy, để khai thác, vận hành hiệu quả các điểm di sản theo hướng phát triển du lịch, thành phố đang tập trung khắc phục những hạn chế trước mắt và có những kế hoạch dài hơi hơn. Cụ thể, cùng với quan tâm hỗ trợ kinh phí di dời điểm gỗ hóa thạch sang một nơi ổn định hơn, thành phố tổ chức tập huấn cho hướng dẫn viên, cộng tác viên tại các điểm di sản để nâng cao kiến thức, kỹ năng khai thác du lịch.

Nguồn: Báo Đắk Nông

Cùng chuyên mục