Tin tức - Sự kiện

Giải pháp khôi phục ngành du lịch và bứt phá trong bối cảnh bình thường mới

Cập nhật: 31/01/2022 18:34:11
Số lần đọc: 1201
Du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải trải qua những khó khăn chưa từng có tiền lệ. Ở trong nước, sau 4 đợt dịch bùng phát dịch trên diện rộng từ đầu năm 2020, ngành du lịch phải đối mặt với khó khăn, năm sau nặng nề hơn năm trước. Năm 2021 là năm thứ 2 bị tác động bởi đại dịch, hoạt động du lịch vẫn gần như bị đình trệ hoàn toàn. Theo thống kê năm 2021, lượng khách du lịch nội địa ước đón được 40 triệu lượt (giảm 29% so với năm 2020 và giảm 53% so với năm 2019). Khách quốc tế tới Việt Nam "vắng bóng" sau 19 tháng. Tổng thu từ khách du lịch năm 2021 ước đạt 180.000 tỷ đồng, giảm 42% so với năm 2020 và giảm 76% so với năm 2019. Ước tính đóng góp GDP của du lịch năm 2021 chỉ đạt 1,97% (năm 2019 đạt 9,2%, năm 2020 đạt 3,58%). Giải pháp nào để phục hồi ngành Du lịch trong bối cảnh bình thường mới? Xung quanh vấn đề này, báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam.    

7 nhóm giải pháp cụ thể

Pv: Diễn biến dịch COVID-19 vẫn đang rất phức tạp với sự xuất hiện của các biến chủng mới. Việt Nam đã điều chỉnh chiến lược "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19''. Năm 2022 và thời gian tới, Du lịch Việt Nam sẽ triển khai những giải pháp cụ thể nào để vực dậy ngành kinh tế xanh và bứt phá trong bối cảnh bình thường mới, thưa Tổng cục trưởng?

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Trước những khó khăn của du lịch trong năm qua, thời gian tới ngành Du lịch sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp cụ thể:

Một là đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch, ngành Du lịch ưu tiên hàng đầu trong việc bảo đảm các điều kiện an toàn điểm đến du lịch, an toàn cho khách du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tiếp tục chỉ đạo triển khai nghiêm túc Hướng dẫn tạm thời số 3862/HD-BVHTTDL về việc "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trong hoạt động VHTTDL và triển khai đến các địa phương, doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL hướng dẫn áp dụng Hệ thống đăng ký và đánh giá an toàn COVID-19 áp dụng đối với khu điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tại địa chỉ https://safe.tourism.com.vn. Giới thiệu rộng rãi và khuyến khích khách du lịch sử dụng ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn" để tra cứu thông tin du lịch an toàn, khai báo y tế, đánh giá điểm đến.

Hai là tập trung đẩy mạnh hoạt động kích cầu, phục hồi du lịch nội địa toàn quốc. Căn cứ Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL, Bộ VHTTDL triển khai các biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành, trong đó ngành Du lịch xác định một trong những quan điểm chủ đạo là gắn phục hồi, phát triển du lịch với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của Ngành, thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, du lịch nội địa là nội lực, nền tảng căn bản để phát triển du lịch bền vững.

Bộ VHTTDL tiếp tục ban hành Chương trình số 4698/BVHTTDL-TCDL về Phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và triển khai đồng loạt trên cả nước với chủ đề "Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn".

Ba là tập trung triển khai chương trình thí điểm mở cửa thị trường quốc tế. Bộ VHTTDL tiếp tục quán triệt địa phương, doanh nghiệp thực hiện tốt Hướng dẫn số 4122/HD-BVHTTDL về Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Nghiên cứu đề xuất mở rộng phạm vi thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ triển khai thực tiễn trong giai đoạn 1, tiến tới mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép.

Bốn là tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin trong Du lịch. Triển khai chiến dịch truyền thông tái khởi động du lịch nội địa "Du lịch an toàn, hấp dẫn": chuẩn bị tổ chức các sự kiện phát động, kích cầu thị trường, hội chợ du lịch, hội thảo giới thiệu điểm đến, kết nối doanh nghiệp kết hợp linh hoạt giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến, các chương trình khảo sát điểm đến, sản phẩm; Triển khai truyền thông hướng đến khách quốc tế với chiến dịch xúc tiến, quảng bá trên các kênh truyền thông trực tuyến của Tổng cục Du lịch.

Năm là đa dạng sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường. Lập quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Phát triển các sản phẩm du lịch mới, làm mới các sản phẩm du lịch hiện có phù hợp với nhu cầu đã thay đổi do tác động của COVID-19; phát triển các loại hình, hoạt động kinh tế đêm, góp phần tăng chi tiêu, nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch. Các địa phương xác định đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch theo chủ đề, trên cơ sở thế mạnh, tiềm năng sẵn có, mang tính khác biệt, tạo thành mạng lưới các sản phẩm đa dạng, bổ trợ cho nhau.

Sáu là đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch. Xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch số giai đoạn 2021-2025. Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa các thông tin dữ liệu phục vụ quản lý các cơ sở lưu trú, các hãng lữ hành, hướng dẫn viên, điểm đến, các cơ sở dịch vụ du lịch; cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch. Xây dựng nền tảng kết nối hỗ trợ kinh doanh du lịch, dần hình thành sàn kinh doanh điện tử đối với các dịch vụ du lịch quốc gia.

Bảy là hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực theo cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phục hồi du lịch, cơ cấu lại nguồn lực phát triển du lịch. Phát triển nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò quan trọng cho sự phục hồi trong ngắn hạn; phục vụ phát triển du lịch bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn. Đầu tư đào tạo, đào tạo lại lao động nghề phục vụ hoạt động kinh doanh khách sạn, lữ hành, hướng dẫn viên, xúc tiến quảng bá du lịch.

Số hóa là xu hướng của ngành du lịch

Pv: Mới đây, trao đổi về tương lai của ngành du lịch, Tổng cục trưởng cho rằng "Digitalisation - số hóa" là một xu hướng tất yếu của ngành du lịch. Vậy quá trình chuyển đổi số của ngành du lịch Việt Nam đã và sẽ được tiến hành ra sao? Quá trình này được áp dụng cụ thể như thế nào, thưa ông?

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Tôi cho rằng hiện hay 2 tác nhân quan trọng là Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đại dịch Covid-19 với những ảnh hưởng sâu sắc sẽ thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ quá trình số hóa trong hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có ngành du lịch. Số hóa vừa là một yêu cầu cấp thiết vừa là một xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch trong tương lai.

Đối với ngành du lịch Việt Nam, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng tâm được Tổng cục Du lịch đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây. Chúng tôi đã tham mưu Lãnh đạo Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025" với mục tiêu hình thành một hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.

Triển khai thực hiện Đề án, Tổng cục Du lịch đã tập trung vào các nhiệm vụ chính như: Xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu số ngành Du lịch Việt Nam; Thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp thông qua phần mềm chế độ báo cáo thống kê tổng hợp theo quy định; Ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch như ứng dụng hướng dẫn du lịch ảo tại điểm đến.

Xây dựng bản đồ số du lịch

Từ đầu năm 2021 chúng tôi bắt đầu triển khai hỗ trợ các địa phương xây dựng điểm đến du lịch thông minh, trước mắt tại Hà Giang, Thanh Hóa; Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thông qua tổ chức cuộc thi để thu hút trí tuệ sáng tạo, lan tỏa tinh thần doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch.

Trong bối cảnh dịch bệnh, Tổng cục Du lịch đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để góp phần đảm bảo an toàn trong ngành du lịch. Đặc biệt, chúng tôi đã xây dựng và đưa vào hoạt động "ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn" để phục vụ khách du lịch; "ứng dụng Hướng dẫn Du lịch Việt Nam" phục vụ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý; "hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19" đối với các cơ sở kinh doanh du lịch trên toàn quốc, được kết nối liên thông với hệ thống của Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống Covid-19.

Đồng thời hỗ trợ phục hồi thị trường du lịch quốc tế và nội địa thông qua việc đổi mới và đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trên các nền tảng số.

Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch tiếp tục tham mưu lãnh đạo các cấp ban hành những chương trình, đề án về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh. Trong đó sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước, xúc tiến quảng bá, kinh doanh du lịch, phát triển sản phẩm, hỗ trợ khách du lịch…

Đáng mừng, vừa qua Quốc hội đã thông qua chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có bố trí ngân sách cho du lịch, tập trung vào chuyển đổi số, xúc tiến quảng bá và hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là cơ hội, điều kiện rất thuận lợi để đẩy mạnh hơn nữa, tạo bước đột phá cho quá trình chuyển đổi số du lịch, góp phần quan trọng giúp ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Pv: Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tham mưu cho Bộ trình Chính phủ những giải pháp nào nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch và người lao động ngành du lịch hiện đang rất khó khăn?

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch, Tổng Cục Du lịch sẽ trình Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch chính thức mở lại hoạt động du lịch quốc tế sau thời gian triển khai Chương trình du lịch thí điểm khi điều kiện đảm bảo an toàn cho phép và kiến nghị các giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch quốc tế.

Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành việc kéo dài thời gian áp dụng của các chính sách về thuế, phí, nới rộng điều kiện nhận hỗ trợ của chính sách an sinh xã hội: chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất đến hết năm 2023.

Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đối với các doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội giảm từ 15% trở lên so với thời điểm tháng 01/2020 mà không bị tính lãi phạt chậm nộp, kéo dài thời gian áp dụng đến hết năm 2023; chính sách giảm 50% phí cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên đến hết năm 2023; chính sách giảm giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất.

Đề xuất ban hành các chính sách hỗ trợ bổ sung như cho phép giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong năm 2022 và 2023 đối với lĩnh vực: dịch vụ vận tải, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch.

Cho phép các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực dịch vụ vận tải; dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch được vay với lãi suất thấp và điều kiện vay đơn giản: tín chấp hoặc thế chấp bằng dòng tiền kinh doanh thu về, mức lãi suất vay là 3%/năm, thời gian vay là 30 tháng, trong đó ân hạn 3 tháng đầu chưa phải trả lãi và nợ gốc.

Áp dụng mức phí công đoàn 1% quỹ lương của doanh nghiệp du lịch trong năm 2022 và 2023. Các địa phương xem xét có chính sách miễn giảm phí tham quan tại các điểm du lịch đến hết năm 2022, giúp doanh nghiệp giảm giá thành tour, kích cầu du lịch, lữ hành./.

Pv: Cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn !

 

Nguồn: Theo Báo điện tử Tổ Quốc

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT